Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo mạnh, quỹ ngoại tận dụng thời cơ săn món hời
Trung Quốc đã trở thành thị trường chứng khoán có kết quả giao dịch tồi tệ nhất thế giới trong ba năm qua. Tuy vậy, một số quỹ đang tận dụng đà bán tháo hiện tại để tìm kiếm những món hời.
Trong bối cảnh cổ phiếu bị bán tháo không ngừng, Trung Quốc đã trở thành thị trường chứng khoán có kết quả giao dịch tồi tệ nhất thế giới trong ba năm qua. Tuy nhiên, một số quỹ đang tận dụng thời cơ để tìm kiếm những món hời.
Họ nhìn thấy một tín hiệu trái ngược từ tâm lý bi quan cực độ của nhà đầu tư đối với các tài sản Trung Quốc trong những tháng gần đây, khi cuộc phục hồi kinh tế của nước này chững lại và lĩnh vực bất động sản tiếp tục suy yếu.
Theo Bloomberg, các quỹ toàn cầu nói chung đã giảm vị thế cổ phiếu Trung Quốc trong danh mục xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Điều này đồng nghĩa rằng một số quỹ khác đang có cơ hội để mua vào.
Ông John Lin, Giám đốc cấp cao tại AllianceBernstein (quỹ đang quản lý khoảng 694 tỷ USD tài sản trên toàn cầu), cho hay: “Trung Quốc hiện đang có vấn đề về tăng trưởng, nhưng đây không phải một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống”.
“Có rất nhiều doanh nghiệp có dòng tiền ổn định, chi trả cổ tức hậu hĩnh nhưng vẫn bị định giá thấp”, ông Lin nhấn mạnh.
MSCI China Index đã giảm 55% so với mức cao hồi tháng 2/2021, trong khi thước đo các công ty đại lục giao dịch ở Hong Kong đã sụt 50% và đang là chỉ số có kết quả tệ nhất trong 92 chỉ số toàn cầu do Bloomberg tổng hợp trong ba năm qua.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cú trượt dài của chứng khoán Trung Quốc là việc các quỹ toàn cầu bán tháo mạnh.
Sau khi mua ròng cổ phiếu Trung Quốc vào đầu năm nay, các nhà quản lý tài sản nước ngoài đã bán ra lượng cổ phiếu kỷ lục 12 tỷ USD trong tháng 8 thông qua thị trường Hong Kong. Tháng này, họ tiếp tục bán thêm 3,2 tỷ USD khác.
Tuy nhiên, các nhà phân tích có quan điểm lạc quan cho rằng đà bán tháo của các quỹ cho thấy thị trường chứng khoán Trung Quốc có triển vọng phục hồi.
Đồng thời, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có thêm dấu hiệu ổn định trở lại, cho thấy việc tìm kiếm món hời bây giờ là chiến lược hợp lý.
Cổ phiếu loại A
Giám đốc Lin của AllianceBernstein cho biết ông đang ưu tiên các doanh nghiệp trên thị trường cổ phiếu nội địa của Trung Quốc. Nhà đầu tư trong nước là lực lượng đông đảo nhất trên thị trường này.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Lin nói: “Chúng tôi thích cổ phiếu loại A vì chúng có tính nội địa hơn, và do đó ít chịu ảnh hưởng bởi những dòng vốn phụ thuộc vào tình hình địa chính trị. Bạn có thể tìm thấy rất nhiều cổ phiếu tốt có động lực riêng”.
Theo vị giám đốc, các cổ phiếu công nghiệp có tính chu kỳ như nhà sản xuất xe buýt và nhà sản xuất động cơ diesel xuất khẩu sang các thị trường ASEAN, Trung Á và Trung Đông là những lựa chọn hấp dẫn.
Ngoài ra, các công ty có chỗ đứng trên thị trường nội địa và sau này sẽ tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế của Trung Quốc cũng là món hời, ông nói.
Chăm sóc sức khỏe
Đối với Amundi SA, hãng quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, cổ phiếu chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc là những khoản đầu tư tiềm năng.
Ông Nicholas McConway, trưởng bộ phận cổ phiếu châu Á (không tính thị trường Nhật Bản) tại Amundi, cho biết cổ phiếu y tế Trung Quốc đã sụt mạnh sau khi chính phủ triển khai các chính sách chống tham nhũng. Song, lĩnh vực trên có vẻ đã chạm đáy vì nhà đầu tư đã tính vào giá tất cả những tin xấu.
Ông McConway đang tập trung vào các công ty có tình hình tài chính lành mạnh và danh mục sản phẩm đa dạng.
Khả năng các ngân hàng trung ương toàn cầu sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất cũng có thể giúp ích cho các công ty y tế Trung Quốc, vì họ có thể mất nhiều năm mới có lãi nên có xu hướng hoạt động tốt hơn trong môi trường lãi suất thấp hơn.
Dược phẩm
Guinness Global Investors đang ưu tiên nhóm cổ phiếu dược phẩm, đặc biệt là những công ty đang chuyển đổi từ thuốc gốc sang phát triển sản phẩm mới hoặc mua lại chúng thông qua mua bán và sáp nhập.
Ông Sharukh Malik, nhà quản lý quỹ tại Guinness Global Investors, cho biết một số cái tên triển vọng là CSPC Pharmaceutical Group, Sino Biopharmaceutical và China Medical System Holdings.
“Chúng tôi cho rằng, định giá của ba công ty này hiện đã đủ thấp để nhà đầu tư không phải trả nhiều tiền mà vẫn được hưởng lợi từ tăng trưởng chi tiêu vốn của họ trong tương lai”, ông Malik nói.
“Nếu những công này sản xuất thành công các loại thuốc mới thì tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận sẽ nghiêng về phía chúng tôi”, nhà quản lý quỹ nói thêm.
Các gã khổng lồ công nghệ
Theo Mondrian Investment Partners, quỹ đang quản lý khoảng 45,6 tỷ USD tài sản, một số công ty công nghệ lớn có vẻ rất hấp dẫn.
Trong ba năm qua, công nghệ là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất từ các chiến dịch tăng cường kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, lĩnh vực này lại là điểm sáng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II. Chính vì vậy, các nhà phân tích đã nâng dự báo về triển vọng của một số công ty công nghệ lớn.
Bà Ginny Chong, trưởng bộ phận đầu tư chứng khoán Trung Quốc tại Mondrian Investment Partners, cho biết quỹ này đã tăng vị thế trong gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group.
Ngoài ra, bà còn mua thêm cổ phần của Tencent Holdings và coi Baidu là một cổ phiếu đang bị định giá thấp.