Chứng khoán tuần 22-26/2: VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm điểm
Việc thị trường chứng khoán tỏ ra khó khăn trong việc thiết lập đà tăng có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực bán chốt lời. Dự báo, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm định hỗ trợ tại vùng 1.160-1.170 điểm.
Việc thị trường chứng khoán tỏ ra khó khăn trong việc thiết lập đà tăng có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực bán chốt lời
Trong 3 phiên giao dịch trở lại sau kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng khoán có những diễn biến rất tích cực. Mức tăng hơn 40 điểm được ghi nhận vào ngày 17/2; đà tăng sau đó chậm lại trong phiên tiếp theo với mức tăng hơn 18 điểm và trong phiên cuối tuần (19/2) chỉ số giảm nhẹ 0,88 điểm.
Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 58,57 điểm lên 1.173,50 điểm; HNX-Index tăng 6,28 điểm lên 231,18 điểm. Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên, với khoảng hơn 16.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 7,8% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ lực kéo của các trụ cột như HSG tăng 4,8%, HPG tăng 3,9%, NKG tăng 8%, DPM tăng 9,4%, DCM tăng 10,4%...
Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng với 7,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu trong ngành như POW tăng 5,7%, GAS tăng 9,3%... Kế đến là nhóm dầu khí với mức tăng 6,4% vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu là OIL tăng 4,5%, PLX tăng 6%, BSR tăng 6,1%, PVD tăng 6,8%, PVS tăng 12,2%...
Điểm tích cực là chỉ trong 3 phiên giao dịch tuần qua (từ 17-19/2), khối ngoại mua ròng trở lại 1.268 tỷ đồng sau khi bán ròng rất mạnh ở 2 phiên trước Tết.
Nhận định về thị trường trong tuần này, Công ty chứng khoán Asean (AseanSC) cho rằng, việc thị trường tỏ ra khó khăn trong việc thiết lập đà tăng có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy áp lực bán chốt lời, nhất là tại các cổ phiếu đã tăng mạnh.
Từ phân tích trên, AseanSC đưa ra dự báo, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm để kiểm định hỗ trợ tại vùng 1.160-1.170 điểm, bao gồm đường trung bình động ngắn hạn 5 ngày (MA5) tại 1.160 điểm.
Theo AseanSC, sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày. Tỷ trọng danh mục được các chuyên gia của công ty chứng khoán này khuyến nghị là dựa theo công thức Kelly: 30% tiền mặt/70% cổ phiếu.
Có quan điểm tương tự, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các nhịp rung lắc. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền vẫn còn phân hóa, nhưng mức độ phân hóa đã giảm dần.
Tuy nhiên, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục duy trì đà tăng, do đó, YSVN khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mua mới.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo, VN-Index có thể có diễn biến điều chỉnh tích lũy trong những phiên đầu tuần và tăng điểm trở lại về cuối tuần. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn, đồng thời, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đối với diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 2.
Về chiến lược đầu tư, BVSC khuyến cáo nhà đầu tư nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục lên mức 50-70% cổ phiếu và ưu tiên nắm giữ các vị thế trung-dài hạn. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.
BVSC cũng lưu ý, vùng đỉnh cũ 1185-1200 điểm vẫn là vùng kháng cự đáng chú ý có thể tạo ra áp lực điều chỉnh mạnh cho thị trường. Do đó, nhà đầu tư nên xem xét thực hiện bán trading một phần các vị thế ngắn hạn trong danh mục khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh này.