Chứng khoán tuần: 'Tội' của con... Covid

Nhà đầu tư có cả hai ngày cuối tuần để tìm nguyên nhân tại sao thị trường hôm thứ sáu lại cắm đầu giảm nhiều như vậy. Không ai có lỗi cả... Lỗi là tại con Covid-19!

Cũng có thể đang có phần oan cho con Covid-19 này, vì suốt từ tháng 4 tới tháng 6 vừa qua, dịch lan tràn, số ca mắc gấp nhiều lần thì không được ghi công giúp thị trường tăng điểm. Lúc này chỉ một ca bệnh mới và thị trường sụt giảm lại bị đổ lỗi.

Trên các diễn đàn chứng khoán thậm chí còn đủ loại thuyết âm mưu (thời điểm ngày 24/7) rằng đó không phải là một ca nhiễm (vì chỉ mới dùng từ nghi nhiễm) và các đội lái lợi dụng thông tin đó để đánh xuống nhằm “ăn” hàng giá rẻ. Đến cuối tuần khi thông tin xác nhận cuối cùng đó thật sự là ca nhiễm thì hàng loạt ý kiến lại xoay sang quan điểm rằng dịch bệnh đã được khống chế và không có gì đáng lo lắng.

Những quan điểm nói trên thể hiện rằng vẫn có không ít nhà đầu tư không muốn tin rằng thị trường đang ở thời điểm nguy hiểm, tăng khó hơn giảm, cũng như không tin rằng nội tại thị trường không đủ lực để chống chọi với thông tin xấu. Nếu như chỉ một hai tháng trước bất kỳ thông tin xấu nào cũng bị bỏ qua, thậm chí tin càng xấu thị trường càng phản ứng tốt thì lúc này một tin xấu xuất hiện, thị trường lại phản ứng rất hoảng hốt.

Nếu nhìn từ góc độ tâm lý thì đây mới chính là sự thay đổi dẫn đến tình trạng thị trường kém. Điều này cũng phản ánh rằng trước đó thị trường đã tăng dựa trên tâm lý lạc quan nhiều hơn là các yếu tố cơ bản đáng tin cậy (vì yếu tố cơ bản không thể thay đổi chỉ trong vài ngày). Thị trường tăng nhờ hi vọng thì khi hi vọng giảm xuống, tất nhiên thị trường sẽ suy yếu.

Thực tế đây cũng là sự chuyển biến bình thường trong quan điểm của nhà đầu tư. Rất nhiều nhà đầu tư giao dịch đúng nhịp trong 3 tháng qua đã kiếm lời khủng khiếp, nhưng trong thâm tâm đều biết rằng sẽ chẳng có bữa tiệc nào kéo dài mãi được. Đến lúc nào đó sự lạc quan sẽ trở nên bão hòa và nhà đầu tư dù đang nắm giữ cổ phiếu và có lời cũng sẽ sẵn sàng “nhảy tàu”. Có chăng là khi nắm giữ thì họ hô hào rộn ràng, nhưng khi “nhảy tàu” thì lặng lẽ.

Cũng không mấy nhà đầu tư để ý rằng mức sử dụng margin cuối tháng 6/2020 đã gia tăng rất lớn. Chỉ một công ty chứng khoán đã hé lộ các khoản cho vay tại thời điểm 30/6 lên tới trên 8.500 tỷ đồng và giao dịch tại công ty này tăng mạnh là nhờ các nhà đầu tư cá nhân mới. Tính chất nổi bật của các nhà đầu tư cá nhân là chỉ quan tâm tới đầu cơ lướt sóng chứ ít nắm giữ với yếu tố cơ bản. Vì vậy thị trường càng có quy mô giao dịch lớn với nhóm nhà đầu cơ thì càng dễ xoay chiều cũng như biến động với cường độ lớn.

Mặt khác, cho đến đầu tuần trước khi VN-Index vẫn còn trên mốc 860 điểm, hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường vẫn có cơ hội tăng cao hơn nhờ yếu tố hỗ trợ đến từ kết quả kinh doanh quý 2. Quan điểm kỹ thuật phổ biến là VN-Index tối thiểu sẽ kiểm định lại mốc 900 điểm và trong kịch bản tích cực có thể lên tới 950 điểm. Các khuyến nghị này càng củng cố tâm lý lạc quan và dễ chấp nhận sử dụng đòn bẩy nhiều hơn.

Tuy nhiên đến những phiên giữa tuần, thị trường đã suy yếu nhiều hơn, thanh khoản thì giảm, kết quả kinh doanh không hỗ trợ được giá cổ phiếu, VN-Index tụt dần xuống dưới 860 điểm. Có nhiều dấu hiệu tiêu cực mà các nhà đầu tư thận trọng sẽ không bỏ qua và dù không xuất hiện sự kiện ca nhiễm Covid-19 mới thì nguy cơ giảm cũng vẫn tăng dần. Sự kiện này chỉ là một yếu tố mang tính thúc đẩy, góp phần khiến nhà đầu tư muốn bán nhanh hơn, dứt khoát hơn mà thôi.

Phiên sụt giảm hơn 3% cuối tuần qua góp phần xác nhận rằng, thị trường đang có số lượng rất lớn nhà đầu tư đang trong tư thế sẵn sàng bán ra. Sự bình lặng đi ngang suốt 2 tuần thực chất đã tích lũy một tâm lý thận trọng và mất dần sự lạc quan. Điều thường thấy trong tâm lý chung là khi thị trường giảm, khả năng đồng thuận cắn răng chịu lỗ lại lớn hơn sự đồng thuận khi thị trường tăng. Khi thị trường tăng, ai cũng có lãi thì ai cũng lo cho khoản lãi của mình. Còn khi thị trường giảm, lỗ thì cũng đã lỗ rồi và chỉ khi bán mới hiện thực hóa lỗ, còn cắn răng chịu biết đâu thị trường lại phục hồi và hòa vốn.

Sự kiện xuất hiện ca nhiễm Covid-19 khiến thị trường chao đảo cũng có thể nhìn dưới góc độ khác: Đó là gáo nước lạnh giúp thị trường bớt lạc quan quá mức để thấy rằng, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều phức tạp. “Bình thường mới” sẽ còn rất lâu mới giống trạng thái bình thường trước kia – điều mà thị trường chứng khoán đang phản ánh. Khả năng giao thương quốc tế vẫn sẽ khó khăn, người tiêu dùng đang ngày càng nghèo đi (do giảm thu nhập, mất việc). Ngay cả khi Việt Nam khống chế tốt dịch bệnh thì một “ốc đảo” cũng gặp rất nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế.

Trọng Nghĩa

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-07-25/chung-khoan-tuan-toi-cua-con-covid-89995.aspx