Cơ chế giá trần sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cải thiện lợi nhuận
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu được Chứng khoán Vietcap ước tính giúp Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cải thiện biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19, tương đương các doanh nghiệp cùng khu vực.
Cơ chế giá trần linh hoạt giúp cải thiện lợi nhuận
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 83-2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83-2014/NĐ-CP lần thứ 4 được đưa ra có nhiều điểm tương tự với dự thảo lần thứ 3 về cơ chế định giá.
Điều này nhằm tạo điều kiện cho các nhà phân phối xăng dầu có thể tự định giá, điều chỉnh chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức hàng năm dựa trên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam và giảm bớt các khâu trung gian trên thị trường.
Đây là thay đổi đáng kể so với quy định hiện hành, khi chi phí này không thay đổi từ năm 2015 đến năm 2022, mặc dù chi phí tăng cao. Việc điều chỉnh hàng năm theo CPI sẽ giúp bù đắp tốt hơn các chi phí kinh doanh thực tế đối với các nhà phân phối xăng dầu.
Các nhà phân phối xăng dầu Việt Nam có biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thấp hơn so với các đối thủ trong khu vực. Khảo sát 19 công ty ở các quốc gia, gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc và Hàn Quốc nhận thấy rằng các quốc gia này có 3 cơ chế định giá chính: Giá thị trường, giá cơ sở (giá cố định) và giá trần.
Từ năm 2015-2023, doanh nghiệp xăng dầu tại các quốc gia áp dụng cơ chế giá thị trường hoặc giá trần có biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trung bình lần lượt đạt 3,0% và 3,6%, trong khi Petrolimex có biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trung bình là 2,1% và PVOIL là 0,6%. Sự chênh lệch này chủ yếu đến từ cơ chế giá thị trường, cho phép các nhà phân phối chuyển toàn bộ chi phí đầu vào và chi phí kinh doanh cho người tiêu dùng.
Hệ thống giá trần của Trung Quốc cũng hỗ trợ nhờ việc xem xét tất cả các thành phần để tính giá bán lẻ một cách chính xác định kỳ 10 ngày, phản ánh chi phí thực tế. Các nhà phân phối xăng dầu của Malaysia hưởng lợi từ việc chính phủ kiểm soát, mặc dù chính phủ quốc gia này ấn định giá cơ sở với biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh là khoảng 3% trong giai đoạn trên.
Ngược lại, hệ thống giá cơ sở của Việt Nam, với chi phí kinh doanh đi ngang từ năm 2014-2022 và việc điều chỉnh chậm đã tạo áp lực lên lợi nhuận của các nhà phân phối xăng dầu trong nước cả trước và sau đại dịch.
Dự thảo Nghị định Kinh doanh xăng dầu lần thứ 4 có 2 thay đổi chính, gồm: Thứ nhất, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (PSF) sẽ do Chính phủ quản lý, thay vì vẫn do các nhà phân phối xăng dầu quản lý. Bộ Tài chính sẽ giám sát PSF và đảm bảo việc chuyển giao quỹ này vào ngân sách Nhà nước. Thứ hai, khoản mục “premium”, một thành phần của giá cơ sở/giá trần chi tiết sẽ được xem xét 3 tháng một lần thay vì 7 ngày như trong dự thảo trước đó.
Nghị định mới dự kiến được thông qua vào cuối năm 2024 và có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ cho phép các nhà phân phối xăng dầu tự định giá và chuyển từ cơ chế giá cơ sở sang cơ chế giá trần.
Chứng khoán Vietcap kỳ vọng cơ chế giá trần linh hoạt sẽ cải thiện biên lợi nhuận cho các nhà phân phối xăng dầu, đạt từ 2,1% đối với của Petrolimex và PVOIL, phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19 và có thể tăng lên, tiệm cận với biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của các công ty cùng ngành trong khu vực.
Giảm bớt các khâu trung gian
Việt Nam có hơn 30 thương nhân đầu mối, trong đó 2 doanh nghiệp lớn nhất (Petrolimex và PVOIL) chiếm hơn 63% thị phần. 6 công ty hàng đầu chiếm tổng cộng 79% thị phần: Petrolimex, PVOIL, Thalexim, Saigon Petro, Petimex, Mipec. Petrolimex và PVOIL là những nhà phân phối xăng dầu hoạt động hiệu quả nhất trên thị trường xăng dầu Việt Nam, chiếm ưu thế nhờ mạng lưới rộng khắp và sản lượng bán vượt trội.
Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu sẽ nhằm giảm bớt các khâu trung gian, điều này sẽ giúp Petrolimex và PVOIL tăng sản lượng bán. Trong 3 năm qua, số lượng thương nhân đầu mối giảm từ 38 xuống 34 và có thể giảm còn 10 (theo kế hoạch của Bộ Công Thương). Số lượng thương nhân phân phối cũng giảm từ 500 xuống còn 300-400. Xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra khi Chính phủ tăng cường giám sát.
Điều này chủ yếu hướng đến mục tiêu đảm bảo chi phí hợp lý cho người tiêu dùng cuối và đảm bảo chất lượng sản phẩm xăng dầu. Dự thảo đề xuất tinh gọn chuỗi cung ứng xăng dầu từ 3 tầng xuống còn 2 tầng bằng cách: Các thương nhân phân phối không còn được phép mua chéo lẫn nhau (tương ứng sẽ không có thị trường thứ cấp) và chỉ được mua từ thương nhân đầu mối; Các thương nhân bán lẻ chỉ có thể mua từ một thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối duy nhất.
Chứng khoán Vietcap cho rằng, các yếu tố này sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của Petrolimex và PVOIL tăng trưởng ở mức 2 chữ số mỗi năm trong giai đoạn 2024-2028. Điều này được thúc đẩy bởi sự gia tăng đáng kể trong chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức vào giữa năm 2023 và giữa năm 2024 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới để phù hợp với CPI Việt Nam.
Trước đó, chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức được giữ ổn định trong giai đoạn 2014-2022 mặc dù lương, chi phí vận chuyển và chi phí quản lý tăng, dẫn đến biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh/lít xăng dầu của Petrolimex và PVOIL giảm mạnh.
Dự báo chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức của toàn ngành sẽ tăng 2,0%/năm (tương đương 30 đồng/lít/năm) trong giai đoạn 2025-2028, so với CPI dự kiến của Việt Nam là 3-4%/năm trong những năm tới.