Chứng khoán Việt Nam có phiên giảm mạnh

Lần đầu tiên từ sau Tết, chỉ số VN-Index điều chỉnh mạnh, có thời điểm rơi 23 điểm. Sắc đỏ thắng thế không riêng tại Việt Nam, chỉ số chứng khoán Hồng Kông thậm chí bốc hơi 3,17%.

Điều chỉnh mạnh theo châu Á?

Trái với xu hướng dập dềnh trong ba phiên trước và cả buổi giao dịch sáng nay, chỉ số VN-Index bất ngờ rơi mạnh đi kèm sự tăng lên đáng kể về khối lượng giao dịch trong một tiếng đồng hồ giao dịch đầu giờ chiều. Đã có lúc VN-Index giảm 23 điểm xuống 1.154,8 điểm, thấp hơn mức đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của năm Tân Sửu.

Tuy nhiên, giai đoạn giằng co sau đó đã giúp chỉ số chung của sàn HoSE phục hồi nhẹ và chỉ còn giảm 15,6 điểm tương đương mức giảm 1,33%, đóng cửa ở mức 1.162 điểm. Sắc đỏ cũng phủ rộng trên hai sàn còn lại. HNX-Index giảm 0,37% xuống 237,9 điểm, trong khi sàn UPCoM cũng rơi từ đầu giờ chiều mà giảm 0,33%.

Xu hướng điều chỉnh không chỉ xuất hiện trên sàn chứng khoán Việt Nam. Theo thống kê, 25/27 chỉ số chứng khoán châu Á giảm điểm. Trong đó, sàn chứng khoán tại Hồng Kông và Trung Quốc rơi mạnh nhất. Phiên điều trần hôm qua của Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa khẳng định cam kết duy trì lãi suất thấp đến khi lạm phát vượt ngưỡng 2% cũng như mục tiêu tối đa hóa việc làm. Thông tin tích cực này đã giúp chỉ số chứng khoán Mỹ hồi phục sau khi rơi mạnh đầu phiên nhưng lại không đủ để hỗ trợ chứng khoán châu Á.

Tại Hồng Kông, để tài trợ cho thâm hụt ngân sách ngày càng tăng, lần đầu tiên trong hai thập kỷ, Chính phủ đã quyết nâng thuế tem (stamp duty) đối với các giao dịch cổ phiếu từ 0,1% lên 0,13%. Chỉ số HangSeng đã bốc hơi 3,17%. Còn tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite đã giảm phiên thứ ba liên tiếp, một phần bởi các nhà đầu tư lo lắng về việc thắt chặt chính sách. Cuối tuần trước, NHTW của Trung Quốc ra quyết định giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản.

Thanh khoản thị trường tăng nhanh khi thị trường rơi sâu. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đều nhỉnh hơn hôm qua, đạt tổng cộng 18.200 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE ghi nhận gần 603 triệu cổ phiếu sang tay với giá trị 15.016 tỷ đồng. Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng phiên thứ tư liên tiếp với giá trị bán ròng tiếp tục nhích cao hơn so với phiên trước (673 tỷ đồng). Hàng loạt cổ phiếu đầu ngành bị bán ra với giá trị bán ròng trên 50 tỷ đồng như VNM (127 tỷ đồng), VHM (76 tỷ đồng), SSI (55 tỷ đồng) hay VRE (53 tỷ đồng). Một vài điểm sáng hiếm hoi được mua vào là chứng chỉ quỹ của quỹ ETF VFMVN Diamond hay HPG, MBB được mua vào khoảng 15-20 tỷ đồng.

"Tội đồ" nào kéo thị trường giảm sâu?

Số lượng cổ phiếu tăng giá khá áp đảo ở thời điểm đầu phiên, nhưng tình thế lại lật ngược kể từ thời điểm điều chỉnh mạnh phiên chiều. Đến thời điểm đóng cửa, sàn HoSE có 258 mã cổ phiếu giảm điểm, trong khi chỉ có khoảng 80 mã tăng điểm. Số lượng mã giảm cũng khá vượt trội trên cả sàn HNX và UPCoM, lần lượt là hơn 110 mã và 130 mã.

Một số cổ phiếu đã tăng nóng thời gian trước ghi nhận mức điều chỉnh mạnh như VIX của Chứng khoán IB (giảm 5%), GVR của Tập đoàn cao su Việt Nam (giảm 3,7%). Cả hai cổ phiếu này đã tăng lần lượt gần 22% và 24,3% từ sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, có những cổ phiếu như RIC của CTCP Quốc tế Hoàng Gia – đơn vị sở hữu casino tại Hạ Long vẫn tăng bất chấp. Đến nay, cổ phiếu này đã có 21 phiên giao dịch tăng trần liên tiếp.

Top 10 cổ phiếu kéo VN-Index giảm nhiều nhất trong phiên điều chỉnh 24/2

Dù đà giảm xảy ra trên diện rộng, các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là những tác nhân chính kéo chỉ số chung giảm điểm. Đến cuối phiên, cổ phiếu VHM của Vinhomes giảm 2.500 đồng (-2,4%) xuống còn 102.800 đồng, VIC cũng giảm 1,6%. Đây là 2 cổ phiếu nằm trong top 3 cổ phiếu “dìm” VN-Index nhiều nhất hôm nay bên cạnh cổ phiếu VCB của Vietcombank. Nhóm bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm cũng là các ngành giảm sâu nhất. Chỉ 2/17 ngân hàng niêm yết giữ được sắc xanh hôm nay gồm CTG và VIB.

Tương tự nhiều phiên gần đây, sàn HoSE tiếp tục xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh khi thanh khoản thị trường tăng cao. Theo phản ánh của nhà đầu tư, các lệnh đặt không vào hệ thống từ khoảng sau 14h, đồng thời, bảng điện tử không hiện thị đúng các lệnh đặt gây khó khăn trong việc quan sát thị trường từ bảng điện tử.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/chung-khoan-viet-nam-co-phien-giam-manh-d138409.html