Chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phát triển tích cực

Theo giới chuyên gia, trong dài hạn chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phát triển tích cực nhờ yếu tố vĩ mô ổn định.

Tuần qua, căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đã đẩy nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới lao dốc mạnh và thị trường Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vấn đề căng thẳng địa chính trị thường chỉ có tác động ngắn hạn đến thị trường chứng khoán, còn trong dài hạn chứng khoán Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng phát triển tích cực nhờ yếu tố vĩ mô ổn định.

Bảng giá chứng khoán được cập nhật thường xuyên tại sàn HOSE. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Bảng giá chứng khoán được cập nhật thường xuyên tại sàn HOSE. Ảnh tư liệu: Hứa Chung/TTXVN

Chỉ số VN-Index đóng cửa tuần thứ 9 của năm 2022 với 3 phiên tăng, 2 phiên giảm, mất đi 5,95 điểm, tương đương 0,4% đóng cửa tại 1.498,89 điểm. Riêng ngày 24/2, khi căng thẳng Nga - Ukraine lên tới đỉnh điểm, cùng với nhiều chỉ số chứng khoán khác, VN-Index đã “bốc hơi” hơn 17 điểm, có thời điểm giảm mạnh tới 30 điểm với nhiều cổ phiếu nằm sàn hoặc giảm mạnh.

Nhìn vào lịch sử thị trường, bà Bùi Hoàng Minh, chuyên gia phân tích cao cấp khối khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) cho biết, vấn đề căng thẳng địa chính trị thường chỉ tác động trong ngắn hạn đến thị trường chứng khoán.

Về tác động trực tiếp, căng thẳng Nga - Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao, tạo áp lực chi phí tăng, dẫn đến lạm phát ở các nước trên thế giới có thể tăng cao. Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao là vấn đề đã được dự đoán từ trước. Trong năm 2021, thị trường chứng kiến siêu chu kỳ tăng giá của các loại hàng hóa trên thế giới, bao gồm cả giá năng lượng.

Theo bà Minh, nếu như giá năng lượng tiếp tục ở mức 80-90 USD/thùng thì nhóm năng lượng, phân bón hưởng lợi và gây áp lực lên quyết định chính sách thắt chặt tiền tệ. Dẫu vậy, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có tăng lãi suất nhanh như thị trường kỳ vọng hay không lại là câu chuyện khác.

“Mỗi lần thị trường điều chỉnh sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư mới tham gia thị trường với các nhóm ngành được hưởng lợi từ câu chuyện này. Thực tế khi chu kỳ lãi suất tăng, cầu tín dụng tăng theo thì nhóm ngành ngân hàng sẽ được hưởng lợi. Lạm phát tăng cao nhưng hồi phục kinh tế toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu dùng tăng, khi đó các doanh nghiệp có khả năng chuyển chi phí cho khách hàng cũng được hưởng lợi”, bà Minh cho biết.

Đại diện HSC cũng nhận định, căng thẳng địa chính trị sẽ là vấn đề nóng kéo dài trong quý I và quý II, nhưng khi đầu tư cần nhìn một thị trường trong nền kinh tế tăng trưởng vững chắc trong 2-3 năm, từ đó nhìn nhận ngành được hưởng lợi như nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu dầu mỏ, cầu tiêu dùng tăng thì nhóm ngành bán lẻ sẽ tăng trưởng. Khi căng thẳng địa chính trị qua đi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn cao và trong chu kỳ tăng dài hạn sẽ hấp dẫn nhà đầu tư.

Trong thư gửi đến nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital cũng đã có những phân tích về tác động của cuộc chiến Nga – Ukraine đến tình hình thị trường và các quỹ mở do VinaCapital quản lý.

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Điều hành Khối Đầu tư chứng khoán và Trái phiếu của VinaCapital, dưới góc nhìn của một nhà đầu tư, rủi ro dễ thấy nhất có thể ảnh hưởng danh mục đầu tư từ sự kiện này là rủi ro lạm phát. Ở phía nguồn cung, các lệnh trừng phạt và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nhiều mặt hàng cơ bản, qua đó trực tiếp làm giá đầu vào của các doanh nghiệp tăng cao. Còn phía nguồn cầu, lạm phát có thể làm cho tiêu dùng và tiến độ giải ngân đầu tư trong nền kinh tế (bao gồm cả đầu tư công) chậm lại do mặt bằng giá tăng cao và biến động khó lường.

Các công ty chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể bao gồm các doanh nghiệp lệ thuộc vào giá hàng hóa cơ bản làm nguyên liệu đầu vào, nhưng không có khả năng tăng giá bán bù lại chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp lệ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu đầu vào sẽ gặp rủi ro khan hiếm nguồn cung trực tiếp do căng thẳng Ukraine-Nga gây ra như than (một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Nga) có thể bị ảnh hưởng lớn về lợi nhuận.

Các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng kép khi chi phí giá dầu tăng cao và các đường bay bị gián đoạn. Ngoài các rủi ro cụ thể nói trên, rủi ro vĩ mô thế giới nhìn chung có thể gián tiếp ảnh hưởng đà phục hồi chung của nền kinh tế Việt Nam.

“Danh mục đầu tư của các quỹ mở do VinaCapital quản lý khó tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn của sự kiện trên, chủ yếu do thị trường chứng khoán thường sẽ biến động và nhạy cảm với các tin tức liên quan. Tuy nhiên, những rủi ro trên không ảnh hưởng nhiều đến triển vọng của các doanh nghiệp mà chúng tôi đang đầu tư. Bởi chúng tôi không có cổ phiếu của các hãng hàng không trong danh mục do triển vọng phục hồi các đường bay quốc tế chưa rõ nét”, đại diện VinaCapital cho biết.

VinaCapital hiện tập trung phần lớn danh mục vào các doanh nghiệp có khả năng bảo vệ biên lợi nhuận trước rủi ro tăng giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển. Đồng thời, tập trung đầu tư vào các công ty có lợi thế cạnh tranh bền vững và hưởng lợi từ câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, chủ yếu thuộc các ngành chủ đạo như ngân hàng, khu công nghiệp, dịch vụ nội địa và hạ tầng (bao gồm hạ tầng giao thông, hàng hải, và năng lượng).

Các chuyên gia quản lý quỹ của VinaCapital sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến của sự kiện này và có thể có những điều chỉnh cần thiết nếu căng thẳng tiếp tục leo thang nghiêm trọng.

“Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên bình tĩnh và suy xét kỹ các dự định rút tiền ra khỏi thị trường. Khi thị trường giảm sâu sẽ là cơ hội để VinaCapital có thể mua vào những cổ phiếu tốt với giá rẻ hơn cho các quỹ, vì chúng tôi vẫn luôn tin tưởng vào triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam trong dài hạn”, đại diện VinaCapital nhấn mạnh.

Sau một tuần giao dịch với nhiều biến động, một số công ty chứng khoán nhận định, cơ hội đầu tư sẽ đến nhiều hơn ở những nhóm cổ phiếu được kỳ vọng hưởng lợi từ sự leo thang căng thẳng giữa Nga - Ukraine như dầu khí, phân bón…. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đầu tư trong thời điểm xu hướng chung trên thị trường không quá tích cực như hiện tại.

“Trong tuần tới, chúng tôi kỳ vọng dòng tiền sẽ quay trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn - vốn đã có mức giá chiết khấu khá sâu sau tuần vừa rồi. Với diễn biến như vậy, nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn có thể giải ngân với tỷ trọng nhỏ vào nhóm cổ phiếu “trụ” dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, nhà đầu tư trung - dài hạn vẫn nên chờ đợi thời điểm mặt bằng giá thị trường ổn định hơn rồi mới cân nhắc tiến hành giải ngân”, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) khuyến nghị.

Hứa Chung (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/chung-khoan-viet-nam-van-co-nhieu-trien-vong-phat-trien-tich-cuc-20220226123459629.htm