Chứng nhận 10 vùng trồng cây ăn trái được cấp 36 mã code

Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản được triển khai năm 2018, với mục tiêu là hỗ trợ phát triển các loại giống cây ăn trái đặc sản, khai thác và phát huy tiềm năng diện tích cây ăn trái, nâng cao thu nhập cho nông dân, gia tăng hiệu quả kinh tế vườn, góp phần xây dựng nông thôn mới.Sau thời gian triển khai, đã chứng nhận 10 vùng trồng cây ăn trái được cấp 36 mã code, với diện tích hơn 320ha. Nhằm đánh giá các hoạt động của dự án trong năm 2020, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi cùng Giám đốc Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Huỳnh Ngọc Nhã xung quanh các nội dung trên.

Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá sơ nét kết quả đạt được của Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh trong năm 2020?

Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá sơ nét kết quả đạt được của Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh trong năm 2020?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Ngoài con tôm, cây lúa là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Sóc Trăng thì cây ăn trái cũng là thế mạnh của một số địa phương trong tỉnh. Chính vì vậy, để tạo nguồn nguyên liệu dồi dào và đa dạng các loại trái cây đặc sản, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, Sóc Trăng đã triển khai thực hiện Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh từ năm 2018, đã đem lại nhiều kết quả khả quan.

Trong năm 2020, dự án đã thực hiện nhiều mô hình trồng mới, cải tạo và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây ăn trái... Đồng thời hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung các loại cây ăn trái đặc sản trên địa bàn tỉnh, bước đầu đã làm thay đổi phần nào tập quán sản xuất của người dân, tăng diện tích trồng cây ăn trái đặc sản. Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã (HTX) sản xuất cây ăn trái đặc sản được thành lập mới và củng cố giúp nhà vườn liên kết sản xuất và tiêu thụ trái cây tốt, bởi các HTX đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Song song đó, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật kéo giảm chi phí đầu tư sản xuất, trái cây sau thu hoạch chất lượng tốt, bán được giá cao hơn so với canh tác theo phương thức truyền thống. Đồng thời, dự án đã xây dựng được 4 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm trên cây vú sữa, xoài, bưởi, nhãn; đã hỗ trợ các HTX bằng cách tổ chức liên kết tiêu thụ cùng các công ty, doanh nghiệp trong ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý nhằm tạo đầu ra ổn định cho trái cây đặc sản, góp phần nâng cao thu nhập cho nhà vườn…

Phóng viên: Để hỗ trợ các nhà vườn, HTX trong vùng dự án nắm vững kỹ thuật sản xuất cây ăn trái đặc sản, dự án đã có những chuyển giao khoa học kỹ thuật nào?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Hiện tại diện tích cây ăn trái toàn tỉnh là 31.370ha. Theo đó, để dự án phát huy hiệu quả tốt nhất, ngoài hỗ trợ nhà vườn, HTX theo mục tiêu dự án đề ra thì dự án đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các nhà vườn, HTX trong vùng dự án. Trong năm 2020, dự án đã tổ chức 20 lớp tập huấn chuyển giao khoa học về kỹ thuật trồng mới, cải tạo và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây bưởi, cam, nhãn, xoài, vú sữa, mãng cầu với hơn 300 lượt người tham dự và cấp phát hơn 300 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn trái; tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao cho cán bộ kỹ thuật, cán bộ HTX trong vùng dự án; tổ chức 1 cuộc tọa đàm về “Kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm trái vú sữa” phục vụ liên kết tiêu thụ và xuất khẩu cho thành viên của 4 HTX canh tác cây vú sữa tím…

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ, trong năm 2021, dự án sẽ tiếp tục thực hiện các phần việc nào?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Trong năm 2021, dự án sẽ tiếp tục theo dõi các mô hình trồng mới, cải tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, VietGAP đã thực hiện trong vùng dự án. Đồng thời, phối hợp các chuyên gia đến từ các viện, trường hướng dẫn kỹ thuật canh tác, chăm sóc, quản lý sâu bệnh trên vườn cây ăn trái cho nhà vườn và HTX cây ăn trái; phối hợp với địa phương vùng dự án vận động, khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi các diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đặc sản nhằm tăng hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, dự án còn phối hợp các sở, ban ngành, địa phương tổ chức xúc tiến thương mại, nhằm liên kết với các công ty tiêu thụ tốt sản phẩm trái cây tại thị trường trong nước và xuất khẩu…

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

THÚY LIỄU (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/khoa-hoc-va-cong-nghe/chung-nhan-10-vung-trong-cay-an-trai-duoc-cap-36-ma-code-44152.html