Chứng nhân tình báo tín hiệu và những năm tháng 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'

Được biên chế vào tổ trinh sát chuyên dịch mật mã truyền tin của địch, ông Nguyễn Văn Thí nắm được nhiều tin cơ mật của đối phương, giúp ta làm chủ thế trận. Với ông, những năm tháng chiến đấu 'quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh' mãi là niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ.

Xếp bút nghiên vào chiến trường

Những ngày tháng Tư lịch sử, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thí (sinh năm 1952, trú tại bon Đắk R’la, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bồi hồi khi nhắc nhớ về những năm tháng chiến đấu giải phóng Tây Nguyên và miền Nam, thống nhất đất nước.

Bằng chất giọng bổng đầy khỏe khoắn, ông Thí hồi kể: “Quê tôi ở Nam Định. Cuối năm 1969 khi đang theo học tại Trường Trung học cơ khí nông nghiệp Trung ương ở Vĩnh Phúc, tôi cùng 150 sinh viên xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Tôi được đưa về Sư đoàn 304B đóng chân ở Thái Nguyên huấn luyện suốt 11 tháng, rồi lên tàu vào Vinh để tới chiến trường Kon Tum”.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thí.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Thí.

Năm 1970, ông Thí đến Kon Tum, được biên chế vào Đại đội 17, Trung đoàn 28 tại Mặt trận Tây Nguyên. Đến tháng 6/1971 ông được điều về tổ A50 của Tiểu ban trinh sát, Trung đoàn 28. “Tôi được học tình báo qua việc nghe máy PRC-25 (một loại máy vô tuyến) thu được của địch. Bọn chúng tinh quái lắm, nói tiếng Anh, tiếng Việt, thỉnh thoảng bồi tiếng lóng”, ông Thí thuật lại.

Năm 1972, ông Thí cùng đồng đội tham gia và giành thắng lợi giải phóng Đắk Tô - Tân Cảnh. Thừa thắng xông lên, lực lượng của ta tiến vào thị xã Kon Tum dưới làn bom đạn.

“Đây là trận chiến đầy cam go và quyết liệt, đồng đội tôi hi sinh rất nhiều. Địch cài mìn, đặt bom dưới thi thể của đồng đội để dụ ta vào tròng. Vì chúng biết bằng mọi giá ta cũng sẽ tìm cách đưa tử sĩ ra ngoài”, ông Thí rơi nước mắt.

Sau chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh, ngày 11/11/1973, dưới căn hầm nhỏ, ông Thí đã tuyên thệ dưới lá cờ Đảng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Ông Nguyễn Văn Thí chia sẻ về những năm tháng chiến đấu vì độc lập dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Thí chia sẻ về những năm tháng chiến đấu vì độc lập dân tộc.

“Trước Tết âm lịch năm 1975 khoảng 3 tháng, Trung đoàn 28 được nhận gạo nếp, lá dong, đậu xanh, thịt heo, thịt hộp. Đây là cái Tết tươm tất nhất từ khi vào chiến trường, chúng tôi được ăn no, được hút thuốc lá Tam Đảo, Điện Biên nên vui lắm”, ông Thí kể.

Sau 3 ngày Tết, Trung đoàn 28 được lệnh rút khỏi căn cứ theo hai hướng. Hướng 1 do đồng chí Nguyễn Bá Thước - Trung đoàn phó, chỉ huy, liên tục phát tín hiệu hoạt động tại địa bàn Kon Tum để nghi binh.

Hướng 2 do ông Nguyễn Đức Cẩm - Trung đoàn trưởng, bí mật dẫn đội quân tinh nhuệ nhất hành quân vào biên giới Campuchia (nay là ngã ba biên giới huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Suốt nửa tháng đóng quân tại đây, ta giữ bí mật tuyệt đối “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Thậm chí đến giao tiếp cũng dùng ký hiệu.

Giải phóng Tây Nguyên, tiến về Sài Gòn

Sáng sớm ngày 9/3/1975, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 28 từ hai phía mở đầu với loạt pháo nã vào căn cứ núi lửa Thuận An (Quận lỵ Đức Lập, Quảng Đức; nay là huyện Đắk Mil) khiến quân địch bất ngờ.

“Chúng truyền tin cho nhau nhưng không biết quân ta thuộc đơn vị nào. Cùng với trận pháo giòn giã của Trung đoàn 28, lực lượng của ta ở Cư Jút, Gia Nghĩa… cũng đồng loạt khai trận, chặn đường chi viện của địch”, ông Thí kể và cho hay, chiến thắng Đức Lập đã mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên.

Đêm 9/3, Trung đoàn 28 tiếp tục hành quân về Buôn Ma Thuột. Tại đây, Trung đoàn quyết chiến và chiến thắng 2 đội quân địch được chi viện bằng máy bay từ Pleiku (Gia Lai) và Sài Gòn. Đơn vị tiếp tục hành quân ra ngã ba Ninh Hòa (Nha Trang) vào cửa cảng Cam Ranh. Sau đó lệnh hành quân sang Lâm Đồng, hướng về Di Linh nhưng địch đã bỏ chạy nên tiếp tục tiến vào Sài Gòn, đánh địch tại Đồng Dù (Củ Chi).

“Trên đường đi tôi nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Quân ngụy tháo chạy hoảng loạn, vứt bỏ súng đạn và quần áo dọc đường phố”, ông Thí nhớ lại.

Ông Thí tự hào những năm tháng chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Ông Thí tự hào những năm tháng chiến đấu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Sau ngày đất nước thống nhất, ông Thí trở về quê. Người bố ôm chầm đứa con trai duy nhất đã biệt tích 6 năm. Ông lặng người khi xem bức truyền thần về chính mình. Bên nội và bên ngoại nhà ông Thí có 6 người đi bộ đội, 3 người hy sinh. Trong đó có 2 anh em của dì.

Kể tới đây ông Thí nức nở: “Con trai đầu của dì hy sinh năm 1968 nên người em tiếp bước vào chiến trường. Khi hành quân từ Vinh vào Kon Tum, tôi gặp người con trai thứ 2 của dì tại Quảng Nam. Chúng tôi ôm nhau khóc, dặn nhau nếu ai còn thì về quê lo cho gia đình. Em còn cho tôi ít muối trắng. Rồi hai chúng tôi hành quân hai nơi, mất liên lạc từ đó. Nay trở về thì em đã hy sinh”.

Huỳnh Thủy

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chung-nhan-tinh-bao-tin-hieu-va-nhung-nam-thang-quyet-tu-cho-to-quoc-quyet-sinh-post1738721.tpo