Chứng nhận y tế giả, đại dịch trong lòng đại dịch COVID-19 tại Pháp

Nước Pháp, một trong những quốc gia ghi nhận tỉ lệ tiêm ngừa COVID-19 rất cao trên thế giới, đang phải đối mặt với nạn làm giả, buôn bán và sử dụng chứng nhận y tế giả, vấn nạn được báo chí Pháp gọi là 'đại dịch trong lòng đại dịch'.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hàng trăm nghìn giấy chứng nhận giả

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin trong một tuyên bố cho biết, tính đến ngày 30/12/2021, đã có gần 200.000 chứng nhận y tế giả đã bị nhà chức trách phát hiện. Truyền thông Pháp cho biết, nạn buôn bán chứng nhận y tế giả đã tăng với quy mô chưa từng có tại nước này, nhất là từ giữa tháng 7/2021, sau khi Tổng thống Emmanuel Macron trong phát biểu nhân dịp Quốc khánh Pháp khẳng định người dân phải trình chứng nhận y tế, chứng nhận họ hoặc đã tiêm phòng, hoặc đã nhiễm COVID-19 và đã lành bệnh, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 khi đến các nhà hàng, quán cà phê và cơ sở văn hóa, thể thao… Trả lời tại phiên chất vấn của Chính phủ Pháp tại Quốc hội nước này cuối năm ngoái, ông Darmanin cho hay, các tòa án tại Pháp đã mở 435 cuộc điều tra liên quan đến chứng nhận y tế giả.

Song, theo nhiều chuyên gia, con số gần 200.000 chứng nhận y tế giả đang lưu hành mà Bộ Nội vụ Pháp công bố chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Chứng nhận y tế giả bao gồm chứng nhận xét nghiệm với kết quả âm tính với COVID-19 được làm giả và chứng nhận giả mạo về việc tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong đó, giấy chứng nhận giả mạo tiêm chủng chiếm đa số. Khó phát hiện hơn cả trong số này là loại chứng nhận do chính các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế làm giả cho người quen hoặc tiếp tay cho các mạng lưới buôn bán chứng nhận bất hợp pháp để bán kiếm lời. Những chứng nhận này được nhập vào hệ thống đầy đủ và chính thức, chỉ có điều người có tên trên chứng nhận không hề được tiêm vaccine. Chứng nhận y tế giả thường được rao bán trên các mạng xã hội với giá thường dao động trong khoảng từ vài chục đến vài trăm euro. Mới đây, một bác sĩ ở thành phố Jointville Le Pont, tỉnh Val de Marne, ngoại ô Paris, đã bị phát hiện làm giả 220 chứng nhận y tế và bán với giá lên tới hàng nghìn euro/giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, một số bác sĩ, y tá cũng vô tình trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, bị tin tặc đánh cắp thông tin bảo mật rồi mạo danh đột nhập vào hệ thống y tế để làm chứng nhận giả. Ngày 31/12/2021, trả lời phỏng vấn tờ Libération, Tướng Sylvain Noyau – người đứng đầu Cơ quan trung ương Pháp về đấu tranh chống các vụ xâm hại môi trường và sức khỏe cộng đồng (Oclaesp), cơ quan tiến hành và hỗ trợ điều tra về chứng nhận y tế giả trong giai đoạn COVID-19, cho biết, trên thực tế, số nhân viên y tế bị kẻ xấu lừa gạt và trở thành nạn nhân lớn hơn con số những người chủ động gian lận làm giả chứng nhận.

Giấy chứng nhận giả, hậu quả thật

Vấn nạn giấy chứng nhận y tế là giả đã được chứng minh gây ra những hậu quả khôn lường. Điển hình là trường hợp được báo chí Pháp đặt tên gọi “bi kịch Aicha”. Hồi tháng 12/2021, bà Aocha, 57 tuổi, đã qua đời tại bệnh viện Raymond-Poincaré ở thành phố Garches, tỉnh Haut-de-Seine. Trước đó, bà này nhập viện vì COVID-19 trở nặng. Tại bệnh viên, bà này khai đã tiêm chủng. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm huyết thanh cho thấy bà không hề có kháng thể ngừa COVID-19. Cuối cùng, chồng bà là ông Patrick thú nhận chứng nhận y tế của bà Aicha là giả, được mua trên internet với giá 200 euro. Sau cái chết của vợ, ông Patrick đã khởi kiện vị bác sĩ có tên trên chứng nhận của bà Aicha. Kết quả điều tra của giới chức Pháp sau đó cho thấy vị bác sĩ làm giả giấy chứng nhận cho bà AIcha từng làm việc tại trung tâm tiêm chủng lớn nhất thành phố Nice, miền nam Pháp, nơi mỗi ngày cấp tới 5.000-6.000 chứng nhận tiêm chủng. Song, bác sỹ này khẳng định đã bị kẻ gian đánh cắp thông tin để xâm nhập hệ thống làm giấy chứng nhận tiêm chủng.

Việc người dùng chứng nhận giả chỉ sử dụng chúng để đi nhà hàng, quán cà phê, cơ sở văn hóa thể thao… rất khó bị phát hiện và cũng không gây nhiều hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, số người nhập viện ngày càng tăng, chứng nhận y tế là một chỉ dấu được quan tâm khi bệnh nhân nhập viện bởi nó có thể giúp các bác sĩ đưa ra liệu pháp điều trị cho phù hợp, tránh nguy cơ bệnh nhân lâm bệnh nặng hoặc tử vong. Giáo sư Frederic Adnet, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Avicenne tại thành phố Bobigny nhấn mạnh, phương pháp điều trị sớm có thể chỉ định cho bệnh nhân tùy thuộc vào việc họ đã tiêm chủng hay chưa. “Đối với chúng tôi, một bệnh nhân chưa chích ngừa rõ ràng là một bệnh nhân có nhiều nguy cơ, nhất là nếu bệnh nhân có các bệnh nền khác. Khi đó, chúng tôi có thể chỉ định cho họ tiêm các loại kháng thể đơn dòng đã chứng minh hiệu quả làm giảm nguy cơ tử vong, nhờ đó giảm được nguy cơ bệnh nhân lâm bệnh nặng”, ông Adnet phân tích.

Bộ trưởng Y tế Pháp trong một tuyên bố khẳng định có tới 5% số bệnh nhân nhập viện dùng chứng nhận y tế giả và kêu gọi những người dùng chứng nhận giả nên khai báo thành thật với cơ quan y tế để được điều trị phù hợp, tránh tái diễn “bi kịch Aicha”. Chứng nhận y tế giả vì vậy đã trở thành mối lo ngại đối với chính quyền Pháp, buộc nhà chức trách nước này phải tăng cường biện pháp đối phó. Tổng thống Pháp Macron vừa qua tuyên bố không để tình trạng này và sẽ có những biện pháp đối với những người không chịu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, hạn chế ở mức tối đa việc những người này tham gia vào các hoạt động xã hội. Quốc hội Pháp cũng đã thông qua một dự luật, theo đó quy định những người làm giả hoặc bán chứng nhận y tế giả, đặc biệt là trên các mạng xã hội, sẽ đối mặt với hình phạt nặng cả về hành chính và hình sự.

Minh Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chung-nhan-y-te-gia-dai-dich-trong-long-dai-dich-covid-19-tai-phap-post433760.html