Chung quanh thông tin một số hộ ở bản Lòm vào rừng tránh dịch Covid-19
Trong mấy ngày nay, tại Quảng Bình rộ thông tin một số hộ gia đình ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa vì lo sợ nên phải vào rừng để tránh dịch Covid-19. Phóng viên Báo Nhân Dân tại Quảng Bình đã vượt rừng, đến tận rẫy tìm hiểu sự việc thì được biết, bà con dựng lán ở tạm vài ngày ngay trên rẫy là để trồng cây và bảo vệ rẫy trước sự phá hoại của động vật hoang dã chứ không phải đi tránh dịch bệnh.
NDĐT - Trong mấy ngày nay, tại Quảng Bình rộ thông tin một số hộ gia đình ở bản Lòm, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa vì lo sợ nên phải vào rừng để tránh dịch Covid-19. Phóng viên Báo Nhân Dân tại Quảng Bình đã vượt rừng, đến tận rẫy tìm hiểu sự việc thì được biết, bà con dựng lán ở tạm vài ngày ngay trên rẫy là để trồng cây và bảo vệ rẫy trước sự phá hoại của động vật hoang dã chứ không phải đi tránh dịch bệnh.
Bản Lòm thuộc xã biên giới Trọng Hóa, nơi sinh sống chủ yếu của người Mày (dân tộc Chứt), Khùa (dân tộc Bru- Vân Kiều)… Từ trung tâm bản, người dẫn đường là Hồ Sơn vừa đi vừa cho chúng tôi biết là sau ba ngày ở trong rẫy, ông cũng vừa trở về bản. Đôi chân dẻo dai của người đàn ông trung niên này phăm phăm trên con đường mòn mấp mô ven suối như thể đi trên con đường thảm nhựa, bám được theo ông, chúng tôi cũng bở hơi tai. Dọc đường đi, chúng tôi thấy nhiều lán dựng tạm được che bằng tấm bạt cũ và lá chuối rừng nhưng không có người ở. Trong lán, có vài vật dụng như nồi, can đựng nước, bát ăn…
Chừng 30 phút sau, chúng tôi đến được vùng rừng bà con đang dựng lán ở để làm rẫy. Gọi là rừng nhưng thực ra khu vực này khá bằng phẳng, lại nằm bên hai con suối Pờ re và A lích nên đất đai tương đối ẩm. Cả khu vực chủ yếu lau lách, gần như không có cây gỗ nào. Phía dưới có nhiều rẫy sắn, xen giữa những cây mít, chuối đang ra nhiều quả non.
Đến khoảng đất rộng bên suối A lích, chúng tôi thấy ba lán làm bằng tre khá vững chãi nhờ phần sau của lán kê vào các tảng đá. Lán được che chung quanh kỹ càng nên ấm hơn. Lán phía bên phải bờ suối là của vợ chồng Hồ Xi. Khi chúng tôi đến chỉ còn vợ và con trai khoảng ba tuổi đang ăn sáng, còn Hồ Xi lên rẫy phía sau lán phát quang để trồng ngô.
Thấy có khách đến, Hồ Xi buông rựa xuống lán trò chuyện với chúng tôi bên bếp củi đang nấu dở nồi sắn. Hồ Si cho biết, gia đình anh ở bản Lòm K Chăm. Nhà làm rẫy ở đây từ lâu. “Cứ khi mô trỉa bắp (ngô), trồng sắn là vợ chồng miềng (tôi) vô trong ni làm lán ở vài ngày mới ra lại bản. Dạo ni mấy đứa con được nghỉ học do dịch Covid-19 nên miềng đưa cả gia đình vô ở đây bốn ngày rồi. Ngày miềng phát rẫy, trỉa bắp, đêm thì canh để đuổi khỉ xuống phá cây”, Hồ Xi chia sẻ.
Hỏi vợ chồng Xi có biết thông tin về dịch Covid-19 không, anh bảo xem ti-vi biết dịch bệnh nguy hiểm, rồi bộ đội biên phòng, cán bộ xã tuyên truyền các biện pháp phòng dịch. Tổ chiến sĩ biên phòng cắm chốt bản Lòm còn nói, nếu người lạ vào bản hoặc trong bản có ai sang Lào làm ăn trở thì cũng báo ngay cho bộ đội biết để kiểm tra, xử lý.
Từ lán Hồ Xi chỉ cần bước qua vài tảng đá giữa suối trong mùa nước kiệt là đến lán của hai gia đình Hồ Lan và Hồ Hội. Nhà Hồ Lan có ba người, Hồ Hội có bốn người đều vào rẫy ở. Họ quây lại bên suối tạo thành “xóm” nhỏ. Gạo, mì tôm, mắm muối mang theo. Ở gần khe nên thỉnh thoảng kiếm được con cá, con ếch, lại có măng và rau rừng nên cuộc sống cũng tạm ổn. Họ nói ở gần bản không còn đất nên vào đây làm rẫy là chuyện bình thường, năm nào đến dịp trỉa ngô, trồng sắn cũng thế. Đường đến rẫy vì vậy mòn vẹt đến mức trẻ em học lớp một, lớp hai ở bản cũng có thể tự đi vào rẫy với bố mẹ mà không sợ bị lạc trong rừng.
Trên đường trở ra, chúng tôi gặp ông Hồ Biên, Trưởng bản Lòm thì được biết, ở khu vực đầu nguồn suối Pờ re và khe A lích có bảy hộ gia đình, 34 người dựng lán ở để làm rẫy là: Hồ Phoong, Hồ Hảo, Hồ Bê, Hồ Xây, Hồ Lan, Hồ Hội và Hồ Xi. Thông thường cứ vào tháng 3, tháng 4 là dân bản vào rẫy canh tác. Một số lán được bà con làm từ những năm trước, vào vụ mới thì chỉ lợp lại để ở lại trong thời gian sản xuất. Một số hộ còn mang theo cả gia súc, gia cầm vào nuôi.
Quá trưa, chúng tôi hỏi đường tìm đến nhà ông Hồ Mút ở tận cuối cùng của bản Lòm. Người đảng viên lão thành này được xem là “cột mốc sống” nơi biên cương Tổ quốc. Khi còn mạnh khỏe, ông thường xuyên lên lau chùi cột mốc, phát quang khu vực mốc giới, góp phần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Bây giờ tuổi ngoài 80, sức khỏe đã yếu nhưng ông vẫn còn khá minh mẫn. Khi biết chúng tôi vừa từ vùng rẫy đầu suối A lích trở ra, ông nói, vùng đó ngày trẻ ông đã vào khai phá. Mấy cây mít còn lại nơi đó là ngày trước chính tay ông trồng. Mùa rẫy năm nay, nhiều hộ trong bản lại vào trỉa bắp, trồng sắn, cắm lán ở lại vài ngày mới ra chứ không phải đi tránh dịch bệnh.
Thiếu tá Lưu Văn Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa cho biết, việc đưa gia đình vào sống trên rẫy khi tới vụ sản xuất là tập quán lâu nay của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Để phòng các dịch bệnh trong rừng và an toàn cho trẻ em, cấp ủy, chính quyền xã và bộ đội biên phòng đang vào vận động bà con sớm trở về bản hoặc đưa con em về bản rồi vào sản xuất.
Theo Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ra Mai, Thượng tá Phạm Minh Dũng, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ngoài việc bám bản làng để truyên truyền về dịch bệnh và cách phòng tránh, hỗ trợ lương thực cho bà con, Đồn đã lập ba chốt chặn trên đường mòn, lối mở biên giới để ngăn chặn người từ vùng dịch trốn về nước. Hiện, công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở xã Trọng Hóa nói riêng, vùng biên giới huyện Minh Hóa nói chung được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả.