Chứng quyền có đảm bảo: Nhiều dư địa tăng trưởng

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa tổ chức chương trình tổng kết hoạt động của sản phẩm Chứng quyền có có bảo đảm (CW) sau 1 năm giao dịch với sự tham dự của các công ty chứng khoán (CTCK), ủy ban chứng khoán nhà nước (UBCKNN) và giới truyền thông nhằm mục đính nhìn nhận mức độ thu hút của sản phẩm đối với thị trường.

Theo đánh giá của HOSE, sau 3 năm chuẩn bị và một năm chính thức triển khai giao dịch trên thị trường, sản phẩm Chứng quyền có có bảo đảm (CW) đã có tác động tích cực lên thị trường cổ phiếu, góp phần gia tăng thanh khoản cho các cổ phiếu cơ sở. Tính đến ngày 29/5/2020, đã có 134 mã CW được chào bán và niêm yết trên HOSE do 8 CTCK phát hành ứng với tổng khối lượng chào bán là 410,2 triệu chứng quyền tăng mạnh so với ngày đầu tiên giao dịch (28/06/2019) chỉ có 10 mã được niêm yết.

Ông Hoàng Phú Cường - đại diện UBCKNN đánh giá CW sau 1 năm giao dịch

Ông Hoàng Phú Cường - đại diện UBCKNN đánh giá CW sau 1 năm giao dịch

Sau 11 tháng triển khai tổng khối lượng giao dịch CW đạt trên 990,32 triệu CW tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.481 tỷ đồng. Trong đó khối lượng giao dịch cao nhất là vào tháng 5/2020 (15,92 triệu CW) và giá trị giao dịch CW đạt cao nhất vào tháng 11/2019 (221,1 tỷ đồng).

Ông Hoàng Phú Cường - Vụ phó Vụ Quản lý Kinh doanh UBCKNN nhìn nhận: Sau 1 năm triển khai giao dịch CW với mục tiêu chính sách đưa sản phẩm này vào thị trường đã hoàn thành xuất sắc dựa trên các yếu tố: đông đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước đã chào đón sản phẩm chứng quyền; Đã thu hút được 8 công ty chứng khoán có tiềm lực tài chính để phát hành mã chứng quyền; về phía cơ quan quản lý đã vận hành an toàn từ khâu lưu ký phát hành, khâu niêm yết đến giao dịch...

Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc công ty chứng khoán HSC phân tích về phản hồi của thị trường đối với CW

Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc công ty chứng khoán HSC phân tích về phản hồi của thị trường đối với CW

Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng giám đốc CTCK HSC, 1 trong 8 công ty phát hành CW cũng nhìn nhận: trong 1 năm qua việc đưa sản phẩm CW bước đầu ra thị trường Việt Nam đã thực hiện thành công, với khung pháp lý an toàn và hiệu quả. Nhờ đó chúng tôi cũng kiếm được tiền dù thị trường biến động rất mạnh….

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để thị trường phát triển bền vững hơn đó là: thủ tục phát hành CW còn khá dài và phức tạp. Cần mở rộng danh mục cổ phiếu cơ sở được phát hành CW. Hiện hệ thống giao dịch của Hose khá hạn chế nên nếu đưa quá nhiều lệnh vào ( ví dụ 300 lệnh/s) sẽ khó thực hiện cũng làm hạn chế giao dịch.

Phân tích về phản hồi của thị trường đối với sản phẩm CW, ông Lê Hải Trà - thành viên HĐQT HOSE nhìn nhận khá thẳng thắn: khối lượng chào bán tăng từ 29 triệu lên 410.2 triệu nhưng khối lượng giao dịch bình quân hàng ngày không tăng cấp số nhân như khối lượng chào bán cho thấy dường như số lượng nhà đầu tư mới không tăng nhiều.

Đồng quan điểm trên, ông Giang phân tích cụ thể hơn: CW cần có thời gian phát triển vì sản phẩm mới chỉ hăm hở ban đầu. Nên sau thời gian đầu nhà đầu tư tăng nhanh trong vài ba tháng đầu( giống sản phẩm hợp đồng tương lai hay phái sinh). Trong vòng hơn 1 năm qua tại HSC thì tài khoản nhà đầu tư không tăng thậm chí giảm đi do 1 số nhà đầu tư lỗ nặng. Giống như ETF phải sau 4 năm các nhà đầu tư mới tăng trưởng.

Nhìn nhận khách quan về khả năng đón nhận của thị trường đối với CW trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng: Để thị trường phát triển bền vững cần tăng cường đào tạo trình độ hiểu biết và nhận biết của các nhà đầu tư về sản phẩm; Khung pháp lý cần được hoàn thiện hơn, đơn cử như sửa đổi thủ tục hành chính cho khâu phát hành trong thông tư 107; Hệ thống công nghệ thông tin được hoàn thiện đáp ứng khối lượng lớn lệnh khi giao dịch… Với những cải tổ đó thì Chứng quyền có đảm bảo (CW) sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng sau 1 năm giao dịch.

Minh Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-quyen-co-dam-bao-nhieu-du-dia-tang-truong-139949.html