Chung sức đưa sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo đi xa hơn

Từ chính sách đến thực tiễn, từ ý tưởng đến hành động, các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để chung tay phát triển sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, để đưa thương hiệu hàng hóa địa phương đi khắp mọi miền Tổ quốc và xa hơn là vươn ra thị trường quốc tế.

Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để thúc đẩy kết nối giao thương, đưa thương hiệu hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đi khắp mọi thị trường

Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để thúc đẩy kết nối giao thương, đưa thương hiệu hàng hóa miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đi khắp mọi thị trường

Động lực từ chính sách

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Các chính sách này bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trong đó, không thể không kể đến Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 và tiếp nối là giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, việc thực hiện Chương trình trong những năm qua đã đem lại những kết quả khả quan về mức tăng trưởng hàng năm về giá trị của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên các địa bàn còn nhiều khó khăn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để đưa vào hệ thống phân phối trong cả nước và phục vụ xuất khẩu.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan bám sát mục tiêu của Chương trình triển khai rất nhiều các đề án, nhiệm vụ; trong đó chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương và triển khai những chương trình xã hội hóa kết hợp với các hệ thống phân phối lớn ở trong nước để hướng dẫn cho các địa phương, hướng đến đối tượng của đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa đạt chuẩn của hệ thống siêu thị và đưa vào trong hệ thống siêu thị.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng triển khai nhiều hoạt động lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa cho khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, như: Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề án đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản; các Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, các Chương trình về khuyến công, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Chương trình đưa hàng hóa, thực phẩm an toàn vào các kênh phân phối,… và mới đây là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đa dạng mô hình hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ hàng hóa

Chung tay cùng Bộ Công Thương, các doanh nghiệp phân phối đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đi xa hơn.

Từ năm 2018, Central Retail tại Việt Nam đã triển khai chương trình Sinh kế cộng đồng, tập trung hỗ trợ nhóm những hộ nông dân, những gia đình nghèo, khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những gia đình đồng bào dân tộc thiểu số. Có thể nói, đây là một trong những dự án thành công nhất của Central Retail khi huy động được cả sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phi chính phủ, địa phương, người nông dân và doanh nghiệp để thay đổi chất lượng cuộc sống người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Vượt qua những rào cản về nhận thức, ngôn ngữ và nhiều khó khăn, Central Retail đã triển khai thành công 7 dự án Sinh kế cộng đồng tại Sơn Hà (Quảng Ngãi), Vân Hồ (Sơn La), Bình Định (Bình Định), A Lưới (Thừa Thiên Huế), Sa Pa (Lào Cai), Mường Khương (Lào Cai), Bắc Kạn (Bắc Kạn); song hành cùng 787 hộ sản xuất nhỏ và nông dân xây dựng đầu ra cho sản phẩm một cách bền vững, giúp người dân cải thiện đời sống và có thu nhập ổn định, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với Bưu điện Việt Nam (VNPost), đồng hành cùng bà con, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, sàn thương mại điện tử Nông sản Việt Postmart.vn đã tham gia tiêu thụ lượng lớn nông sản, trong đó có 72.000 tấn gạo, 15.000 tấn sắn, và hàng trăm nghìn sản phẩm trái cây tươi (mận, vải, nhãn, sầu riêng, bơ,…).

Ông Nguyễn Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Kinh doanh phân phối, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) chia sẻ, sàn Postmart.vn hiện có khoảng 5 triệu người truy cập thường xuyên, với khoảng 20.000 bà con nông dân đang có sản phẩm hiện diện trên sàn. Việc tiêu thụ được lượng lớn nông sản là nhờ vào Postmart đã mạnh dạn đổi mới từ mô hình B2C sang B2B2C. Khi đó, sàn Postmart.vn là trang giới thiệu các sản phẩm, còn toàn bộ hoạt động giao dịch được triển khai offline. Khi có đơn, Postmart triển khai thu mua của bà con, gom đơn và vận chuyển theo chuyến lớn để tiêu thụ thông qua hơn 13.000 điểm phục vụ trên cả nước.

“Việc này có điểm đặc biệt là vận chuyển sẽ dễ dàng hơn. Người tiêu dùng sẽ phải đợi để nhận hàng vào một ngày được chúng tôi ấn định trong tuần, nhưng mặt khác việc đó lại đảm bảo chất lượng sản phẩm và giảm được chi phí, nhất là đối với sản phẩm nông sản tươi”, ông Nguyễn Thế Anh chia sẻ.

Ngoài ra, Postmart cũng tập trung chuẩn hóa lại khâu đóng gói, có sàng lọc và phân loại sản phẩm, mỗi loại sản phẩm khác nhau có kiểu cách đóng gói khác nhau, và hướng dẫn cho bà con nông dân, hộ sản xuất đóng gói theo quy định của mình.

Bưu điện Việt Nam đào tạo tập huấn cho bà con đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Bưu điện Việt Nam đào tạo tập huấn cho bà con đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Lâm Thanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam cho biết, trên nền tảng TikTok có một điểm rất hay, khi người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc, kể câu chuyện của họ, từ cuộc sống thường nhật hay đến các sản phẩm mà họ làm ra, thì lượng người theo dõi đều rất đông.

“Ví dụ như, chị Thơ, một chị người dân tộc cho đến tháng 12/2022 vẫn còn chưa biết sử dụng điện thoại thông minh. Thế nhưng chỉ sau khoảng 4 tháng chị lên kể những câu chuyện về nhà vườn của mình, chị đã thu về hơn 500.000 người theo dõi, và trở thành người đại diện bán hàng cho rất nhiều hợp tác xã”, ông Thanh chia sẻ.

Đại diện TikTok cho biết, nhận thấy tiềm năng đưa yếu tố cảm xúc vào lan tỏa và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, nền tảng này đã tập trung đào tạo cho người dân tận dụng được sức mạnh của Internet và của TikTok để kể câu chuyện của mình, qua đó bán các đặc sản địa phương. Việc có một “hạt giống” ngôi sao sẽ giúp truyền cảm hứng đến nhiều người dân địa phương để cùng nỗ lực, cố gắng hơn trong chia sẻ câu chuyện và tiêu thụ sản phẩm, qua đó giải quyết vấn đề việc làm bền vững cho người dân tại khu vực còn khó khăn, không nhất thiết phải đi xa quê hương mà vẫn có thể kiếm được thu nhập ổn định 5-10 triệu/tháng là tối thiểu.

Thời gian qua TikTok đã phối hợp với các bên tổ chức Chương trình Chợ phiên OCOP trực tuyến vào sáng thứ Bảy hàng tuần, thu hút khoảng 1-2 triệu người xem hàng hóa ngay trong sự kiện và tổng cộng trước - sau sự kiện có khoảng 10 triệu người dùng biết đến đặc sản địa phương được giới thiệu.

Ông Thanh cho rằng, có thể nhân rộng mô hình này để tổ chức một chương trình phát định kỳ mỗi tuần dành riêng cho các sản phẩm khu vực miền núi, hải đảo trên nền tảng TikTok.

Câu chuyện xây dựng chiến lược phát triển và tiêu thụ sản phẩm, câu chuyện kết nối giữa nhà sản xuất và nhà phân phối được xem là chìa khóa quan trọng để giải bài toán thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có thêm nhiều mô hình, nhiều kênh tiêu thụ mới mẻ tham gia vào việc tiêu thụ sản phẩm này. Động lực từ chính sách cộng hưởng với sự chủ động của các địa phương, sự nỗ lực và sáng tạo của các doanh nghiệp và quan trọng hơn hết là sự mạnh dạn chuyển mình của chính người dân, hộ sản xuất đang giúp sản phẩm khu vực miền núi, hải đảo đi xa hơn đến mọi miền đất nước và xa hơn là ra quốc tế.

Phương Chi

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/chung-suc-dua-san-pham-mien-nui-vung-sau-vung-xa-hai-dao-di-xa-hon-114502.htm