Chung sức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc

Là huyện vùng cao có 5 dân tộc cùng sinh sống, Đà Bắc có kho tàng văn hóa phong phú, độc đáo. Những năm qua, huyện luôn chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, gắn với phát triển KT-XH, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống được huyện Đà Bắc gìn giữ, phát huy.

Điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống được huyện Đà Bắc gìn giữ, phát huy.

5 năm qua, các hoạt động bảo tồn văn hóa được cấp ủy, chính quyền huyện chỉ đạo thực hiện theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Hội nghị T.Ư 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 41, ngày 5/2/2015 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác lễ hội.

Phó Trưởng phòng VH-TT huyện Bùi Thị Hồng Anh cho biết: Dưới sự chỉ đạo của huyện, Phòng đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Đồng thời, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa gắn với khôi phục lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một; tổ chức các lễ hội thường niên tại cộng đồng. Khuyến khích cơ sở giữ gìn phong tục, tập quán đặc sắc, chữ viết, trang phục dân tộc gắn với thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) để thu hút khách du lịch. Từ đó, khơi dậy tinh thần đoàn kết, sức mạnh nội lực để hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TƯ, các hoạt động tuyên truyền được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức. Đến nay, toàn huyện có 2 lễ hội quy mô cấp tỉnh diễn ra hàng năm là lễ hội Cầu Mường của người Tày (xã Mường Chiềng), lễ hội người Dao mừng xuân mới (xã Cao Sơn). Những di sản văn hóa vật thể, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: đền Chúa Thác Bờ, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Chiến khu Mường Diềm (xã Trung Thành)... được tu sửa, nâng cấp. Hàng năm, có trên 10 lớp dạy chữ viết dân tộc Tày, Dao được tổ chức với sự tham gia của gần 250 học viên là con em người dân tộc, cán bộ cơ sở.

Từ phong trào TDĐKXDĐSVH đã thúc đẩy hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, đậm đà bản sắc với 122 đội văn nghệ, 17 tổ đội thông tin được thành lập và gần 2.000 diễn viên quần chúng, tuyên truyền viên cơ sở. Thực hiện đề án của UBND tỉnh về xây dựng nhà văn hóa xóm, bản giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã có 110 nhà văn hóa được xây dựng, sửa chữa và đi vào hoạt động.

Trong thời gian tới, huyện bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc; phổ biến, tổ chức dạy chữ viết dân tộc Mường trên địa bàn. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng để tổ chức lễ hội đền Thác Bờ tại xã Vầy Nưa trong năm 2021 với quy mô cấp tỉnh.

Thu Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/144097/chung-suc-giu-gin,-phat-huy-ban-sac-van-hoa-cac-dan-toc.htm