'Chúng ta nói rất nhiều đến blockchain, tiền ảo song khung pháp lý chưa có'

'Có nhiều startups rất lớn, những game được quy đổi ra hàng tỷ USD nhưng mà phần lớn lại thành lập công ty ở Singapore mà không thành lập tại Việt Nam, vì chúng ta không có khung pháp lý'.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 3 về Chương trình xây dựng luật pháp lệnh 2023, đại biểu Quốc hội cho rằng thời gian tới phải thay đổi cách nhìn, tăng tính dự báo, trước hết đó là xu hướng tác động đến hoạt động lập pháp.

Đề xuất nghiên cứu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) dẫn thực tế hời gian qua chúng ta xác định chuyển đổi số sẽ chiếm 20% GDP, nói rất nhiều đến blockchain, đến tiền ảo, tiền số, tuy nhiên, khung pháp lý cho hệ thống này thế nào thì chưa có. Hiện Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với cơ quan có liên quan nghiên cứu vấn đề này.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai)

Xuất phát từ vai trò cũng như là tiềm năng của lĩnh vực này, đại biểu đề nghị cần phải nghiên cứu sớm để có quy định về tài sản ảo, tiền ảo, tiền mã hóa và tài sản mã hóa.

“Có những game của chúng ta hiện nay được quy đổi ra tới khoảng độ 9,7 tỷ USD, nhưng mà phần lớn là các startups lại thành lập công ty ở Singapore mà không thành lập tại Việt Nam, vì chúng ta không có khung pháp lý” – ông Trịnh Xuân An dẫn chứng và đề nghị hết sức nghiên cứu về vấn đề này.

Nhấn mạnh cần thiết phải nghiên cứu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao vì đây là 1 trong 3 khâu đột phá phát triển đất nước, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho rằng yêu cầu đặt ra là phải tạo môi trường và điều kiện để phát triển thị trường lao động hiện đại, thông thoáng, thống nhất nâng cao hiệu quả đào tạo nhằm nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Hơn nữa, kinh tế số và kỷ nguyên công nghệ số đang mang đến những cơ hội bứt phá về năng suất lao động, phát triển nhân lực chất lượng cao, nhưng chính cơ hội này cũng là thách thức, đòi hỏi phải có những đổi mới trong quản lý nhà nước về đào tạo, phát triển và sử dụng lao động.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)

“Từ thực tiễn đó, tôi đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, bổ sung dự án Luật Việc làm (sửa đổi) để đưa vào chương trình” – nữ đại biểu nêu ý kiến.

Còn đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) bày tỏ lưu tâm đến Luật Thương mại và Luật Trọng tài thương mại.

Bởi, Luật Thương mại được Quốc hội ban hành vào năm 2005, tới nay đã 17 năm trong khi tình hình kinh doanh và hoạt động thương mại của đất nước và kể cả kinh doanh quốc tế phát triển gần như hằng ngày, hằng giờ. Hiện nay thương mại điện tử được điều chỉnh bằng nghị định, thông tư, chưa có sửa đổi luật căn bản trong luật.

Tương tự, Luật Trọng tài thương mại có hiệu lực 2011, chưa có một cơ chế thoáng, mở và giải quyết tranh chấp thương mại một cách hiệu quả để có thể kêu gọi đầu tư và tất cả các hoạt động về giải quyết tranh chấp nhanh, hiệu quả, công khai, minh bạch.

“Tôi nghĩ rằng nên đặt vấn đề để sửa hai luật này cùng với Luật Giao dịch điện tử và một số các văn bản luật đồng bộ với kinh tế thị trường của đất nước ta” – ông Lê Xuân Thân nêu ý kiến.

Cần luật hóa chủ trương bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) mong muốn thể chế hóa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nên cần những đột phá trong các chính sách, trong công tác điều hành.

“Những đột phá thường đi trước pháp luật hoặc pháp luật đã quy định nhưng trong một số trường hợp cần phải bỏ qua để đạt được những kết quả cao hơn vì lợi ích chung. Muốn có đột phá và vẫn tuân thủ Hiến pháp thì chúng ta cần có Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Lúc này có thể xung đột với nhiều luật khác nhưng nếu Quốc hội đồng ý, khi có xung đột giữa các luật thì Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ có giá trị pháp lý cao hơn thì chủ trương bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung sẽ sớm đi vào cuộc sống” – vị đại biểu Quốc hội đoàn Bình Định nêu đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định)

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Cảnh cho rằng Luật Bảo vệ người dám nghĩ, dám làm sẽ có 2 phần. Một là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc chưa được pháp luật quy định. Hai là phần cá nhân, tổ chức quyết định những công việc trái với pháp luật hiện hành quy định và trong mỗi trường hợp đều có quy định tổ chức lấy ý kiến tập thể, ý kiến Mặt trận, xin ý kiến của cấp lãnh đạo, cấp trên khác nhau. Nội dung của các quyết định đó là những quyết định vì lợi ích chung và phải mang lại lợi ích lớn.

Ví dụ như quyết định đó sẽ giúp cho tốc độ tăng trưởng của địa phương tăng lên 1%, giúp cho ngân sách địa phương tăng thêm 10%, giúp đẩy nhanh hơn 50% tốc độ của các công trình hạ tầng quan trọng của địa phương. Những con số này cần được chứng minh một cách khoa học. Các quyết định đó cũng không làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp. Các cá nhân, tổ chức sẽ được tuyên dương, khen thưởng khi các quyết định đột phá, mang lại lợi ích để tạo sự lan tỏa trong xã hội./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/chung-ta-noi-rat-nhieu-den-blockchain-tien-ao-song-khung-phap-ly-chua-co-post946064.vov