Chung tay bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc
Hai ngày nữa sẽ đến Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23-11). Đó là ngày nhắc nhớ người dân Việt Nam về trách nhiệm bảo vệ, gìn giữ những giá trị gắn liền với lịch sử, văn hóa dân tộc và sự phát triển của từng ngành nghề, địa phương.
Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg, lấy ngày 23-11 hàng năm là Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL, ngày 23-11-1945 “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện” - Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, khẳng định việc bảo tồn cổ tích "là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Việc có riêng một ngày dành cho di sản văn hóa là bước phát triển cao hơn, không chỉ góp phần nâng tầm giá trị, tôn vinh đúng mực di sản, mà còn tạo động lực để thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ di sản văn hóa của dân tộc trước các thách thức mới.
Suốt những năm qua, song hành với việc ban hành các chủ trương, đường lối về văn hóa, một nguồn kinh phí rất lớn đã được huy động từ ngân sách cũng như thông qua xã hội hóa để đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo di sản văn hóa. Di tích, danh thắng được kiểm kê, bảo vệ; thêm nhiều di sản văn hóa phi vật thể được sưu tầm, truyền dạy... Những con số được ngành văn hóa thống kê qua mỗi năm cho thấy một sự nỗ lực trong việc bảo vệ, gìn giữ tài sản quý báu của dân tộc. Trong đó có những bảo vật Quốc gia, hiện vật giá trị đã được hồi hương theo các diện khác nhau như qua con đường ngoại giao văn hóa, qua đấu giá... Gần nhất, ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” - một bảo vật Quốc gia qua nhiều năm lưu lạc sắp trở về nước sau nỗ lực đàm phán giữa Việt Nam và Pháp. Những hiện vật quý đang làm dày dặn và đầy đặn hơn kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Đó là nền tảng tinh thần, động lực to lớn thúc đẩy đất nước phát triển.
Tuy nhiên, trái ngược với những thông tin tích cực, nguồn di sản văn hóa đất nước vẫn tiếp tục bị thẩm lậu, mai một và hư hại theo những cách khác nhau. Đó là tình trạng đánh cắp cổ vật của những kẻ bất nhân, tàn phá di sản một cách vô thức thông qua việc trùng tu, tôn tạo một cách màu mè và chạy đua, trong đó có cả sự thiếu trách nhiệm của một số cơ quan quản lý trong việc cấp phép, giám sát...
Những con số thống kê về tình trạng mất mát, hư hại của di sản văn hóa, và lâu lâu những thông tin nhói lòng liên quan đến di sản văn hóa ở nơi này, nơi kia bị biến dạng sau quá trình trùng tu, tôn tạo một cách máy móc và thái quá đã, đang làm cho di sản văn hóa thêm hư hao. Trong số ấy có cả một ngôi chùa cổ trên địa bàn TP Thanh Hóa bị hư hại sau quá trình tu bổ thiếu trách nhiệm vừa được phát hiện... Tình trạng như thế đã đề cập ở nhiều diễn đàn, nhưng chưa có dấu hiệu chấm dứt. Hy vọng, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam sẽ là dịp để nhắc nhớ, cảnh tỉnh chúng ta trong bảo vệ, gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc.