Chung tay bảo vệ môi trường

Ngày Môi trường thế giới 5-6 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề 'Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa'. Mục tiêu là để kêu gọi các nước trên thế giới cùng chung tay phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa, chống hạn hán để làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn cầu.

Theo Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa, hiện có 40% diện tích đất đai trên hành tinh bị suy thoái, ảnh hưởng trực tiếp đến một nửa dân số thế giới và đe dọa khoảng một nửa GDP toàn cầu (44 ngàn tỷ USD). Do đó, nếu cộng đồng không có hành động khẩn cấp, hạn hán có thể ảnh hưởng đến hơn 75% dân số thế giới vào năm 2050.

Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2024, Bộ Tài nguyên và môi trường đã có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương yêu cầu xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các chương trình bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, rà soát, phân loại, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường đất, điều tra, đánh giá khu vực đất bị ô nhiễm, có nguy cơ ô nhiễm để thực hiện xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất bị ô nhiễm theo quy định. Đồng thời, có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tối đa quá trình sa mạc hóa, hạn hán trên địa bàn.

Đồng Nai hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới bằng những kế hoạch, hành động cụ thể như tổ chức sự kiện Tuần lễ Đồng Nai xanh với các hoạt động: mít-tinh, trồng cây xanh, dọn dẹp vệ sinh môi trường; tuyên truyền về bảo vệ môi trường…

Thực tế, từ nhiều năm trước, Đồng Nai đã xác định phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Vì thế, trên mỗi lĩnh vực đều có xây dựng những kế hoạch ngắn hạn, dài hạn trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đơn cử như trên lĩnh vực công nghiệp, tỉnh quản lý chặt chẽ việc xử lý chất thải, bắt buộc phải xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để tham gia vào sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn, giảm phát thải hướng đến phát triển bền vững. Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ít gây hại cho môi trường. Các lĩnh vực khác là tiêu dùng, logistics, du lịch… cũng tham gia vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng xanh… Đồng Nai cũng là nơi trồng rừng, giữ rừng rất tốt. Do đó, năm 2023, Đồng Nai là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số xanh.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/chung-tay-bao-ve-moi-truong-8ff5573/