Chung tay bảo vệ môi trường: Ghi nhận ở huyện Gia Lâm

Từ việc chăn nuôi bò sữa dẫn đến ô nhiễm môi trường, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, chính vì thế nhiều nơi tại huyện Gia Lâm đã áp dụng cách làm mới như biến giun quế thành 'công nhân' xử lý chất thải. Nhờ cách làm này, không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, mà còn trả lại cảnh quan trong sạch, từng bước xây dựng lối sống mới, văn minh ở các làng quê của huyện Gia Lâm.

Đến với các xã như Đặng Xá, Phù Đổng, huyện Gia Lâm những năm gần đây, không khó để nhận thấy bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Nhờ nuôi bò sữa, thu nhập của người dân địa phương tăng lên đáng kể. Bên cạnh con đường đê chạy dọc xã là những ngôi nhà tầng nhiều màu sắc, khang trang và bề thế. Hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng đầy đủ, cùng với đó là cảnh quan xanh – sạch – đẹp, vấn đề về vệ sinh môi trường đã được giải quyết triệt để, tạo không gian sống văn minh, lành mạnh cho người dân trong xã. Để có được điều này là do người dân nơi đây đã tìm tòi, nghiên cứu mô hình nuôi giun quế trong việc xử lý chất thải vốn là vấn nạn của các địa phương.

Trong đó có thể nhắc đến mô hình nuôi giun quế của Hợp tác xã Làng Gióng (xã Đặng Xá), hàng tháng xử lý cho địa phương từ 100 - 200 tấn phân bò tươi, sử dụng vào việc nuôi giun quế. Các sản phẩm đầu ra của giun quế như phân giun, dịch giun, bột giun phục vụ nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi gia cầm, thủy sản hữu cơ.

 Trang trại nuôi giun quế của ông Nguyễn Bạch Xuyến ở Đặng Xá, Gia Lâm.

Trang trại nuôi giun quế của ông Nguyễn Bạch Xuyến ở Đặng Xá, Gia Lâm.

Quy trình sản xuất tốn khá nhiều nhân công, hợp tác xã cho công nhân đi thu gom phân bò ở từng hộ chăn nuôi, cho vào bể chứa ủ trong vòng 1 tháng, sau đó được đem phối trộn với mùn cưa và các chất thải hữu cơ khác để đảm bảo độ xốp đưa vào làm thức ăn cho giun. Chất thải sau quá trình nuôi sẽ đảm bảo 100% là phân giun. Trong quá trình sản xuất, phân giun được đem sấy khô và cấy vi sinh làm phân bón cho các loại cây trồng hữu cơ. Hiện tại hợp tác xã đang xây dựng nhà lưới để trồng rau hữu cơ, sử dụng sản phẩm phân bón từ giun quế. Theo ông Nguyễn Văn Anh, Giám đốc Hợp tác xã làng Gióng, sản phẩm dịch giun ở một số nơi trên thế giới còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm.

Xuất phát từ việc ô nhiễm ở địa phương kéo dài do các hộ chăn nuôi bò sữa ở địa phương, lượng phân bò thải ra hàng ngày rất lớn nhưng không được xử lý trước khi thải ra môi trường. Qua tìm hiểu được biết con giun quế rất phù hợp cho việc nuôi xử lý phân bò, ông Xuyến quyết định nghiên cứu và đưa về nuôi thử. Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, thời tiết liên tục có nắng nóng nên giun bị chết khá nhiều. Ông liên tục phải mày mò, tìm hiểu, rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình cũng như học hỏi từ những trang trại ở nơi khác, cuối cùng việc nuôi giun cũng đạt được những thành công bước đầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ánh Quang, Phó Chủ tịch xã Đặng Xá cho biết: “Đặng Xá là một xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa ở huyện Gia Lâm, cũng từ việc phát triển nghề nuôi bò sữa mà đời sống của người dân trong xã được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, chất thải trong chăn nuôi lại gây ra ô nhiễm môi trường khá nặng nề cho Đặng Xá cũng như khu vực lân cận. Trước đây, vì không có quy trình xử lý nên chất thải được xả thẳng ra môi trường, đặc biệt là hệ thống cống rãnh trong thôn rồi đổ ra sông Giàng, thực trạng này gây nên những bức xúc đối với nhiều người dân xung quanh.

Ông Quang nhớ lại, thời gian trước, phân bò thải ra từ các hộ chăn nuôi được thải ra môi trường mà chưa qua xử lý, dọc theo khúc sông Giàng chảy qua thôn Đồng Xuyên, lượng phân ùn ứ lại nhiều ngày nổi trên mặt nước dày cả mét, rộng hàng trăm mét vuông. Đi dọc các đường làng, ngõ xóm đâu đâu cũng ngửi thấy mùi khó chịu.

Cũng từ những hố chứa chất thải chăn nuôi, ruồi nhặng, côn trùng phát triển mạnh, gây ảnh hướng rất lớn đến sức khỏe của người dân địa phương, đặc biệt là trẻ em. Trước tình hình đó, xã đã nhiều lần họp bàn, đưa ra các giải pháp xử lý, nhằm đảm bảo được môi trường sạch đẹp, an toàn trong khu dân cư mà lại không ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân. Rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có cả việc thuê công ty xử lý môi trường từ Hải Phòng lên để xử lý bằng công nghệ Biogas. Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, chi phí bỏ ra khá lớn, hiệu quả thu được lại chỉ nhất thời, không có tinh bền vững. Với công nghệ này, mỗi hộ chăn nuôi phải bỏ ra 4-5 triệu đồng mỗi tháng. Chính vì vậy, việc xử lý theo cách này không thể duy trì được.

Trong khi những bức xúc của người dân về vấn đề môi trường đang được đẩy lên đỉnh điểm, chính quyền địa phương lại chưa có giải pháp phù hợp để xử lý. Ông Nguyễn Bạch Xuyến, một người dân ở thôn Đồng Xuyên đã có ý tưởng xây dựng điểm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Nhận thấy giải pháp anh đưa ra có tính khả thi, lãnh đạo xã đã cùng ngồi lại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và đưa ra lộ trình cụ thể thực hiện cũng như có những đề xuất hỗ trợ kịp thời. Từ khi đi vào hoạt động, tất cả chất thải từ chăn nuôi bò sữa của thôn Đồng Xuyên được Hợp tác xã Làng Gióng thu gom hàng ngày để xử lý.

Xã Đặng Xá đang xây dựng nông thôn mới, mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng việc nuôi giun quế của Hợp tác xã Làng Gióng được coi là điển hình tiên tiến, tạo được môi trường sạch sẽ, an toàn trong khu dân cư. Đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực chăn nuôi của thôn đã được cải thiện đáng kể. Hiện tại, Hợp tác xã của ông Xuyến vẫn đang cùng với huyện Gia Lâm phối hợp với Viện công nghệ môi trường tiếp tục nghiên cứu quy trình xử lý nước thải, nếu thành công sẽ được đưa vào áp dụng để xử lý nước thải trước mắt cho Đồng Xuyên và sẽ sử dụng rộng rãi cho các khu vực nông thôn khác.

Không khác Đặng Xá là mấy, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm cũng đang gặp vấn đề tương tự, mô hình chăn nuôi bò sữa để phát triển kinh tế ở địa phương này cũng gây ra không ít phiền toái về vấn đề môi trường. Giữa lúc bài toán chất thải chăn nuôi ở địa phương đang chưa có lời giải thì đề xuất mô hình nuôi giun quế từ phân bò của ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng xuất hiện. Vì vậy, khi ông có thể giải quyết được nguồn chất thải từ bò sữa, lãnh đạo xã Phù Đổng và huyện Gia Lâm đã đồng ý cho triển khai ngay.

Được sự đồng ý của chính quyền xã, ông Hùng bắt tay vào xây dựng nhà xưởng và thu gom phân bò. Khi mô hình mới đi vào hoạt động, để có nguồn thức ăn cho giun quế, mỗi ngày ông Hùng thu gom khoảng 7 - 8 tấn, thế nhưng con số đó vẫn chẳng thấm tháp vào đâu so với tổng lượng chất thải gia súc của xã vẫn thải ra môi trường mỗi ngày.

…Bước vào nhà xưởng rộng 2.000m2, nơi giun của ông Hùng đang trở thành “công nhân” biến phân bò thành những thứ đem lại giá trị kinh tế cao, ông Hùng giải thích: Nhờ áp dụng công nghệ mới nên trang trại nuôi giun quế luôn sạch sẽ, chất lượng phân tốt, không gây ra mùi hôi thối. Với mô hình của mình, ông Hùng nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của người dân trong vùng. Khi Hợp tác xã đi vào ổn định, mỗi ngày lượng chất thải cần dùng lên tới gần 20 tấn, đến nay, số lượng phân bò thải ra mỗi ngày không đủ để phục vụ mô hình, thậm chí còn phải nhập thêm phân từ các xã, huyện khác. Sau khoảng 4 năm triển khai, mô hình nuôi giun quế của ông Hùng bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Sản phẩm hiện nay của Hợp tác xã là giun quế thành phẩm, giun quế giống và phân sạch từ giun quế, trang trại của ông cung cấp giống và phân bón cho nhiều trang trại lớn ở miền Bắc và trên địa bàn Hà Nội. Ý nghĩa hơn nữa là tất cả đường làng, ngõ xóm ở xã Phù Đổng đều sạch sẽ, không còn phân đổ dọc đường, mương máng, ao hồ nước cũng đã trong hơn, không còn bốc mùi như trước.

Việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng mô hình nuôi giun quế ở Hợp tác xã Làng Gióng của ông Nguyễn Bạch Xuyến (Đặng Xá) hay Hợp tác xã Hiệp Thư của ông Nguyễn Xuân Hùng (Phù Đổng) đang góp phần tích cực vào việc xử lý môi trường và phát triển nông nghiệp bền vững cho địa phương cần được nhân rộng ở các khu vực nông thôn khác, để nông thôn ngày một trở nên đáng sống.

Cao Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/chung-tay-bao-ve-moi-truong-ghi-nhan-o-huyen-gia-lam-97148.html