Chung tay bảo vệ, phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em
Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách, pháp luật về trẻ em; đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh. Qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt (HCĐB), bị xâm hại, bạo lực, tổn thương trong cuộc sống.
Đoàn Thanh niên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trao xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ban Công (Bá Thước).
Những con số ấn tượng
Về phát triển toàn diện, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em, đến nay, đã duy trì 509/559 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ 91,05%; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT; tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống còn 10,5 (giảm 0,5 so với năm 2021); tỷ suất tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi trên 1.000 trẻ đẻ sống còn 15,5 (giảm 0,5 so với năm 2021); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn 14,2% (giảm 0,4% so với năm 2021); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi còn 24,9% (giảm 1,1% so với năm 2021)...
Về giáo dục, văn hóa, vui chơi, giải trí trẻ em, đến nay tỷ lệ trẻ em đi học mẫu giáo đúng tuổi đạt 95%, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 99,4%, tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi bậc THCS là 99,78%. Toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm văn hóa, 1 rạp chiếu phim, 1 thư viện, 1 bảo tàng cấp tỉnh; 27 trung tâm văn hóa thông tin, thể thao và du lịch cấp huyện; 446/559 đơn vị hành chính cấp xã có cơ sở vật chất văn hóa, thể thao; 4.150/4.357 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa - khu thể thao và các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều đã xây dựng được tủ sách thiếu nhi...
Công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cả 3 cấp độ, từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp. 93% tỷ lệ trẻ có HCĐB được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau đạt. 100% trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em lao động sớm, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được trợ giúp, can thiệp kịp thời bằng các hình thức phù hợp. 100% vụ xâm hại trẻ em đều được các sở, ngành, địa phương phối hợp, can thiệp và xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật...
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tích cực vận động các nguồn lực để tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 460 trẻ em có HCĐB, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng tại 7 huyện và 4 cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng kinh phí 374 triệu đồng. Từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 36 trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 với số tiền 214 triệu đồng cùng nhiều hoạt động khác như: tặng quà, tặng học bổng, xe đạp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập; hỗ trợ đầu tư công trình nước sạch, thiết bị nhà vệ sinh cho một số trường học; hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị sinh hoạt cho trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
Tính đến tháng 5-2022 trên địa bàn tỉnh có 934.926 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm 25,6% dân số toàn tỉnh, trong đó có 12.438 trẻ em có HCĐB chiếm tỷ lệ 1,34% và 104.256 trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB, chiếm tỷ lệ 11,1% trên tổng số trẻ em. Công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tuy đã được quan tâm và đạt được một số kết quả nhất định. Song cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh, việc đảm bảo quyền trẻ em cũng phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như: chênh lệch giàu nghèo, hạ tầng kinh tế - xã hội giữa các khu vực, vùng, miền trong tỉnh, quá trình đô thị hóa và di cư làm gia tăng nguy cơ trẻ em “bị bỏ lại phía sau” do không được tiếp cận đầy đủ chính sách, dịch vụ hỗ trợ, thiếu sự chăm sóc trực tiếp của cha mẹ; các giá trị đạo đức truyền thống thay đổi, lối sống thực dụng, thiếu gương mẫu của người lớn... Trong khi hệ thống, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, còn thiếu và chưa đồng bộ; các nhu cầu tối thiểu về dinh dưỡng, môi trường sống, giáo dục, y tế, an ninh... ngày càng tăng.
Do môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tình trạng trẻ em bị tai nạn, thương tích, nhất là đuối nước. Tai nạn giao thông trẻ em đang là vấn đề đáng báo động, nhất là trong dịp hè. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại còn diễn ra ở một số địa phương (tại gia đình, trong trường học)... Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn, thương tích gây tử vong đối với 34 trẻ, trong đó có 19 vụ với 25 trẻ em tử vong do đuối nước; 13 vụ xâm hại trẻ em, với 16 trẻ em bị xâm hại, trong đó có 10 vụ xâm hại tình dục. Đa số trẻ em bị xâm hại là trẻ em nữ (15/16 em). Ngoài ra còn có những vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được phát hiện và xử lý kịp thời... đang là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em...
Đi tìm giải pháp
Để tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em được dư luận xã hội quan tâm, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các công văn, công điện về việc tăng cường thực hiện các hoạt động phòng ngừa và xử lý hành vi xâm hại trẻ em; tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thực hiện đợt cao điểm hành động vì trẻ em, ngày 18-5 vừa qua UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các ngành trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em. Tập trung tổ chức đợt cao điểm truyền thông, vận động xã hội để huy động, vận động các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và cả cộng đồng trong việc thực hiện các quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em; quan tâm, tạo điều kiện để tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa, an toàn và lành mạnh, giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích.
Trên cơ sở nội dung kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tháng hành động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em; bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột trẻ em; phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em. Đăng tải các khẩu hiệu, thông điệp của Tháng hành động vì trẻ em. Chú trọng truyền thông trực tiếp, tăng cường ứng dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số; thông tin rộng rãi về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, tổng đài Ngôi nhà Ánh Dương 18001744 và các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại địa phương đến từng gia đình, lớp học, cộng đồng dân cư và trẻ em. Phát triển mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em. Huy động, vận động kinh phí thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch, mô hình về công tác trẻ em. Duy trì, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em”, gắn tiêu chí về thực hiện quyền trẻ em với đánh giá nông thôn mới, đô thị văn minh trong cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đến từng địa bàn dân cư... Tin rằng, với những giải pháp căn cơ và sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, sự chung tay vào cuộc của toàn xã hội sẽ tạo ra môi trường thực sự an toàn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.