Chung tay chặn nguy cơ cháy chợ
Các chợ truyền thống lâu đời không chỉ là trung tâm giao thương mà còn là địa điểm tập trung đông người, hàng hóa đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau sự nhộn nhịp ấy là nỗi lo về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) khi không ít chợ được xây dựng lâu đời, đang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, đe dọa đến an toàn của cả người bán lẫn người mua.

Công an tỉnh tổ chức diễn tập chữa cháy tại chợ Biên Hòa (phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa). Ảnh: M.Thành
Còn nhiều bất cập về phòng cháy, chữa cháy tại các chợ
Theo UBND tỉnh, toàn tỉnh có 137 chợ truyền thống, 280 cửa hàng tiện ích và hơn 10 ngàn hộ kinh doanh. Tại các chợ truyền thống chứa nhiều hàng hóa bằng vật liệu dễ cháy như: đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy…
Hiện nay, đoàn liên ngành của UBND tỉnh đang kiểm tra 13 chợ truyền thống được xây dựng lâu đời (trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực) để tìm giải pháp khắc phục nguy cơ cháy tại đây. Qua việc kiểm tra trực tiếp tại một số chợ truyền thống lâu đời ở thành phố Biên Hòa, các cơ quan chức năng đã ghi nhận tình trạng hạ tầng xuống cấp, không đảm bảo an toàn PCCC.
Cụ thể như, chợ Sặt (phường Tân Biên) có nhà lồng chợ đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo điều kiện an toàn PCCC. Còn chợ Tam Hòa (phường Bình Đa) đã xuống cấp trầm trọng, xung quanh khu vực chợ các hộ gia đình sinh sống sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình sinh hoạt có khả năng gây cháy lan khi xảy ra sự cố; hiện nay đơn vị quản lý chợ đang chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động toàn bộ khu vực nhà lồng. Riêng chợ Long Bình Tân (phường Long Bình Tân) đang gặp nhiều khó khăn về việc cải tạo đầu tư trang bị phương tiện, hệ thống PCCC; hiện nay đơn vị quản lý chợ đang chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động với khu vực nhà lồng, ki-ốt và sạp (trừ các khu vực ki-ốt, sạp kinh doanh các mặt hàng tươi sống, thịt, cá, rau củ)…
Trên thực tế, do được xây dựng và đi vào hoạt động hàng chục năm, theo thời gian, các chợ nói trên đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Bên cạnh các gian hàng trong nhà lồng thì các hộ xung quanh chợ lại tự hình thành các gian hàng tự phát, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, tạo thành những lối đi chật hẹp, gây khó khăn cho việc chữa cháy, thoát hiểm.
Không chỉ vậy, lực lượng chức năng cũng ghi nhận tình trạng các tủ điện sử dụng vật liệu dễ cháy (tủ gỗ), đường dây dẫn điện một số điểm kinh doanh bên trong nhà lồng chợ không đi trong ống bảo vệ bằng vật liệu không cháy, không bảo đảm điều kiện an toàn điện; một số vị trí gian hàng lắp đặt không bảo đảm theo quy định về an toàn điện hiện hành (tại chợ Long Bình Tân). Hoặc các lối ra vào nhà lồng chợ không trang bị đầy đủ phương tiện chiếu sáng sự cố và phương tiện chỉ dẫn thoát nạn (tại chợ Tam Hòa)…
Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, thượng tá Nguyễn Công Lợi đánh giá, đặc thù của chợ truyền thống là sự đa dạng về hàng hóa khi có nhiều mặt hàng dễ cháy như: quần áo, giày dép, đồ điện, hóa chất, gas, vật liệu trang trí... Việc kinh doanh, lưu trữ và bày bán các mặt hàng này nếu không tuân thủ các quy định về PCCC sẽ làm tăng nguy cơ cháy lan nhanh và tạo ra đám cháy lớn, khó kiểm soát.
Phó giám đốc Công an tỉnh, đại tá Trần Anh Sơn nhấn mạnh, việc đảm bảo an toàn PCCC tại các chợ truyền thống là nhiệm vụ cấp bách cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, ban quản lý chợ, tiểu thương và người dân. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng vai trò của lực lượng PCCC tại chỗ, nâng cao trách nhiệm của ban quản lý chợ và tiểu thương để sẵn sàng ứng phó sự cố cháy theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Giải pháp cấp thiết phải đến từ nhiều phía
Ngay sau các buổi kiểm tra an toàn PCCC, đoàn liên ngành của UBND tỉnh xác định, để giải quyết vấn đề PCCC tại các chợ truyền thống, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ chính quyền địa phương, Ban quản lý chợ, tiểu thương và các hộ dân quanh chợ. Trong đó cần tăng cường tuyên truyền PCCC cho tiểu thương, ban quản lý chợ và người dân bằng nhiều hình thức; đồng thời cải thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị PCCC.
Giám đốc Hợp tác xã Thanh Niên (đơn vị quản lý chợ Tam Hòa) Võ Thị Sâm cho hay, Ban quản lý chợ đã rà soát, nâng cấp hệ thống điện, ưu tiên đi dây trong ống bảo vệ, lắp đặt aptomat chống quá tải, chống rò điện. Vừa qua, Ban quản lý chợ và các tiểu thương đã tự trang bị 80 bình chữa cháy xách tay các loại (trong đó tiểu thương tự trang bị 65 bình) và thời gian tới sẽ bố trí thêm sơ đồ chỉ dẫn về PCCC. Cơ sở cũng sẽ phối hợp với hộ tiểu thương, hộ gia đình lân cận và các đơn vị có liên quan (UBND các cấp) thực hiện việc tháo dỡ các mái che, mái vẩy và các khu vực tự ý cơi nới mở rộng phải bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC.
Theo đại diện Phòng Kinh tế - hạ tầng và đô thị thành phố Biên Hòa, ban quản lý các chợ cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về PCCC, xây dựng, sửa chữa sạp chợ và các quy định khác về quản lý chợ. Đề nghị thực hiện đảm bảo khoảng cách đường giao thông cho xe chữa cháy. Với các công trình tạm nếu không đảm bảo PCCC cần khắc phục để bảo đảm an toàn PCCC.
Ngoài ra, Công an tỉnh cũng yêu cầu ban quản lý các chợ vừa được kiểm tra phải tổ chức thực hiện nghiêm các yêu cầu khắc phục tồn tại, thiếu sót. Cơ quan chức năng sẽ tổ chức phúc tra hoặc kiểm tra đột xuất việc chấp hành các điều kiện an toàn PCCC tại cơ sở. Những hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, nếu để xảy ra cháy, nổ cơ sở phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202505/chung-tay-chan-nguy-co-chay-cho-7ed4439/