Chung tay chống giấy giả
Giấy và sản phẩm từ giấy là mặt hàng bị làm giả khá nhiều. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự mình thực hiện hoạt động nghiệp vụ chống hàng giả, hàng nhái, đòi hỏi sự chung tay, đồng hành của lực lượng chức năng.
Sản phẩm giấy bị làm giả tinh vi
Các sản phẩm của ngành giấy như: Bột giấy, giấy in, viết, tissue… là hàng thiết yếu trong cuộc sống của người dân, bị làm giả rất nhiều. Ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam - cho biết, các doanh nghiệp sản xuất tập vở, sổ như Văn phòng phẩm Hồng Hà; sản phẩm từ giấy tissue như Xương Giang, Sông Đuống, Thuận Phát đều bị làm giả, làm nhái từ rất lâu. Có địa bàn, sản phẩm giấy bị làm giả, nhái chiếm đến 50%; có nhãn hàng vừa giới thiệu ra thị trường đã bị làm nhái. Thậm chí, một số địa phương chưa thiết lập đại lý bán hàng nhưng ở đó đã bán hàng giả và hàng nhái.
Hàng giả, hàng nhái trong ngành giấy rất tinh vi, làm như hàng thật, chỉ có nhà sản xuất mới phân biệt được. Theo ông Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc Công ty Cổ phần Thuận Phát - có cơ sở sản xuất giả dùng giấy tái sinh, làm mặt lớp trên của giấy là sản phẩm của đơn vị tốt, còn mặt dưới là dùng giấy tái sinh rất nguy hiểm, sau đó đưa ra thị trường với giá chỉ bằng 50 - 60% giá giấy của các công ty chân chính. “Tình trạng giấy bị làm giả chiếm lên đến 60 - 70% hàng thật. Thậm chí, có nhà phân phối chỉ bán 50 - 60% hàng thật, sau đó, trà trộn hàng giả để bán kiếm lời; vẫn có bao bì, hóa đơn của đơn vị cung cấp chính hãng” - ông Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Thực trạng này khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giấy chân chính bị sụt giảm doanh số vì không bán được hàng, thương hiệu bị mất uy tín, gây thất thu thuế và rối loạn thị trường, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Đồng thời, còn đánh mất đi niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp sản xuất giấy chân chính và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cần sự phối hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị hậu kiểm
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương, mặc dù thời gian, lực lượng QLTT tích cực bắt giữ nhiều vụ vi phạm về gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trong ngành giấy và bột giấy, song mặt hàng này bị làm giả rất tinh vi, bằng mắt thường không thể phát hiện được. Trong khi đó, sản xuất ra sản phẩm giấy quá dễ dàng, giá trị mặt hàng giấy lại thấp, nên nhiều đối tượng sản xuất hàng giả, hàng nhái rất nhiều. “Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất chân chính trong ngành này khi phát hiện mặt hàng của mình bị làm giả đều né tránh, ngại ngần thông báo, vì sợ người tiêu dùng quay lưng”- ông Trần Hữu Linh thông tin thêm.
Thực tế, hiện nay, các cơ sở sản xuất và tiêu thụ hàng nhái, hàng giả luôn tìm kẽ hở để chống đối cơ quan quản lý và lực lượng thực thi pháp luật. Người tiêu dùng không có thông tin, hoặc chấp nhận mua hàng giả và nhái với giá rẻ hơn. Trong khi đó, chế tài xử lý còn quá thấp, không đủ răn đe.
Nhằm ngăn chặn hiệu quả vấn nạn hàng giả, hàng nhái đối với mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy, theo ông Trần Hữu Linh, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp và đơn vị hậu kiểm. Khi doanh nghiệp giấy phát hiện trường hợp có hành vi gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng nhái cần chủ động thông báo ngay cho lực lượng QLTT. Đồng thời, QLTT sẽ tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ trong việc trinh sát, điều tra các cơ sở làm nhái, làm giả.
Mới đây, Tổng cục QLTT, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã ký quy chế phối hợp về cung cấp thông tin, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các mặt hàng giấy và sản phẩm từ giấy tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác quản lý, lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tay-chong-giay-gia-150894.html