Chung tay chống rác thải nhựa

Rác thải nhựa đang tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống và sức khỏe con người. Nhận thức được điều này, những năm qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm huy động sự chung tay của cả cộng đồng để giảm thiểu rác thải nhựa.

Đoàn viên thanh niên huyện Đình Lập tuyên truyền các hộ kinh doanh về sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường

Đoàn viên thanh niên huyện Đình Lập tuyên truyền các hộ kinh doanh về sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Trung bình, mỗi hộ dân sử dụng khoảng 1kg túi nilon mỗi tháng và hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ TN&MT phát động ngày 10/10/2018, những năm qua, các cấp, ngành, các hội, đoàn thể trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.

Ông Nguyễn Hữu Trực, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Từ năm 2018 đến nay, sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức phát động 7 đợt hưởng ứng về phong trào “Chống rác thải nhựa”. Trong các đợt phát động, ban tổ chức đã triển khai các hoạt động như phát tờ rơi, treo pano, áp phích tuyên truyền nội dung về tác hại của rác thải nhựa; cấp phát miễn phí từ 100 đến 500kg túi nilon thân thiện với môi trường cho hộ dân, hộ kinh doanh; tổ chức thu gom, phân loại, xử lý chất thải, nạo vét cống rãnh… Mỗi đợt phát động thu hút trên 1.000 cán bộ, công chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia. Cùng với đó, mỗi năm chúng tôi lồng ghép tuyên truyền 10 - 20 lớp tập huấn nâng cao nhận thức của người dân về hạn chế sử dụng túi nilon không thân thiện với môi trường tại các hội thảo, hội nghị xây dựng nông thôn mới…

Thông qua các hoạt động đã góp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và những giải pháp hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ túi nilon thân thiện với môi trường cho người dân tại các khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại; hướng dẫn người dân phân loại chất thải rắn tại nguồn. Từ đó, góp phần thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy của người dân.

Ông Nguyễn Công Hưng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Đình Lập cho biết: Hằng năm, Phòng TN&MT đã phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức 7 - 10 hội nghị tuyên truyền tại các xã, thị trấn nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người. Cùng với đó, chúng tôi cũng vận động người dân tích cực sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; xây dựng các mô hình điểm về chống rác thải nhựa để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhờ đó, nhận thức của người dân đã được nâng lên, hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy, chủ động thu gom rác thải nhựa.

Tại thành phố Lạng Sơn, phong trào “Chống rác thải nhựa” đang được lan tỏa bằng những việc làm thiết thực. Hiện thành phố Lạng Sơn đã và đang duy trì hiệu quả mô hình “Ngôi nhà xanh” với hơn 190 ngôi nhà xanh được đặt tại các khu dân cư, nhà văn hóa, các trường học… để người dân và học sinh thực hiện phân loại rác thải nhựa và giấy có khả năng tái chế. Các siêu thị, trung tâm thương mại như: Đồng Tiến, Thành Đô, Lasvilla cũng đã bày bán nhiều sản phẩm thay thế đồ nhựa như bộ ống hút bằng thủy tinh, kim loại, giấy, túi nilon dễ phân hủy, túi vải... Đặc biệt, nhiều hộ dân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đã hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt hàng ngày.

Chị Hà Diệu Linh, hộ kinh doanh thực phẩm tại đường Bà Triệu, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Gia đình tôi chế biến đồ ăn vặt như chân gà, xôi, các loại nước ép trái cây. Bình quân mỗi tháng, tôi sử dụng khoảng 20kg túi nilon, 3.000 chiếc hộp, cốc để đựng thực phẩm. Nhận thấy việc sử dụng túi nilon thông thường, các hộp nhựa rất khó phân hủy, tôi đã mua túi nilon sinh học, cốc, hộp giấy để đựng thực phẩm. Mặc dù các sản phẩm này đắt hơn với túi nilon thông thường khoảng 30% nhưng tôi vẫn dùng để bảo vệ môi trường và sức khỏe của mọi người.

Cùng với đó, các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động, xây dựng mô hình hiệu quả để chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Điển hình như hội liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh đến nay đã xây dựng được gần 80 mô hình về chống rác thải nhựa. Hằng năm, Tỉnh đoàn Lạng Sơn triển khai phong trào đổi rác lấy quà, tổ chức các cuộc thi trình diễn thời trang, vẽ tranh với chủ đề “Chung tay bảo vệ môi trường”…

Theo đánh giá của Sở TN&MT, những năm qua phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cán bộ, công chức, người lao động, người dân đã thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Hiện nay, tỷ lệ thu gom rác thải nhựa tái chế của tỉnh đạt khoảng 10% trong tổng số khối lượng rác thải rắn được thu gom, xử lý. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả chung vào thực hiện phong trào chống rác thải nhựa của cả nước.

Để phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, thời gian tới, cùng với việc các cấp, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, các doanh nghiệp, người dân cũng cần chung tay hành động như chủ động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm được chế biến từ nguyên liệu hữu cơ; tăng cường sử dụng các loại túi, sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

HOÀNG HƯƠNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lang-son-chung-tay-chong-rac-thai-nhua-5021049.html