Chung tay đẩy lùi bệnh sốt xuất huyết

Mặc dù ngành y tế tỉnh Long An sớm có những dự báo và không lơ là trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết (SXH) nhưng đến nay, số ca mắc SXH tăng đột biến. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành y tế cùng các đơn vị, địa phương tập trung triển khai các biện pháp đẩy lùi, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Vào mùa cao điểm

Hiện đang vào cao điểm mùa mưa, muỗi sinh sôi nên phát sinh nhiều ổ dịch SXH, đặc biệt là tại những huyện công nghiệp, đông dân cư. Trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH liên tục tăng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến ngày 15/9/2019, toàn tỉnh ghi nhận trên 4.200 ca mắc bệnh SXH (trên 3.500 ca nội trú, 735 ca ngoại trú), tăng gấp 3,4 lần so cùng kỳ năm 2018, trong đó có 1 ca tử vong. Số ca nội trú tăng 89% so với số ca mắc trung bình 5 năm 2011-2015 (1.868 ca). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh phát hiện 817 ổ dịch SXH, công tác xử lý ổ dịch đạt 97%. Các địa phương có số ca mắc cao: Đức Hòa, Bến Lức, TP.Tân An, Cần Đước và Cần Giuộc.

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo công tác phòng, chống SXH bằng nhiều giải pháp. Hàng năm, toàn tỉnh tổ chức ra quân đồng loạt nhiều chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng tại cộng đồng. Tuy nhiên, cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo các ban, ngành phối hợp ngành y tế trong hoạt động phòng, chống dịch, còn khoán trắng cho ngành y tế: Chưa thành lập đội đáp ứng để xử lý ổ dịch nhỏ, các chiến dịch diệt lăng quăng tại địa phương. Công tác truyền thông còn hạn chế, đặc biệt là vãng gia từng hộ gia đình nên cộng đồng chưa hưởng ứng cao trong việc thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, chưa huy động sự tự giác tham gia trực tiếp của người dân của từng gia đình, từng khu phố, ấp, công sở, trường học.

Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi Aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Loại muỗi này thường trú ngụ trong các góc tối, trên quần áo, mùng mền và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn không đẻ ở ao tù, cống, rãnh có nước hôi thối, phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 200C. Chính vì thế, thu gom phế thải, lật úp các dụng cụ chứa nước, không để nước tù đọng làm phát sinh ổ bọ gậy, lăng quăng là những việc cần làm để phòng, chống dịch bệnh SXH.

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện Cần Đước ghi nhận 337 ca mắc SXH, tăng 3,1 lần so cùng kỳ năm 2018 và tăng 1,7 lần so với trung bình mắc 5 năm (2011-2015) và 52 ổ dịch (đã xử lý 50 ổ). Trước tình hình dịch bệnh tăng cao, UBND huyện và các xã tăng cường công tác phòng, chống dịch như tổ chức chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy; điều tra dịch tễ, khoanh vùng cách ly và xử lý các ca bệnh kịp thời theo quy định; thực hiện phun hóa chất các khu vực có bệnh nhân, ổ dịch SXH tại cộng đồng; thường trực đội cơ động chống dịch;...

Phó Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Cần Đước - y sĩ Lê Văn Lanh cho biết: “Từ đầu năm 2019 đến nay, huyện thực hiện 1 đợt chiến dịch diệt lăng quăng, thả cá tại các xã Long Định, Long Trạch, Tân Chánh và 2 đợt diệt lăng quăng trên địa bàn toàn huyện; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền đến người dân cách duy trì diệt lăng quăng tại hộ gia đình. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường nên tình hình dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm. Người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống SXH, nhất là diệt lăng quăng”.

Người dân còn chủ quan

Xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa là địa bàn đầu tiên của tỉnh ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Nơi đây trở thành điểm “nóng” của tỉnh. Từ đầu năm 2019 đến nay, xã ghi nhận hơn 200 ca SXH và 25 ổ dịch, tăng 175 ca so cùng kỳ năm 2018. Điều đáng nói người dân chưa tự giác tham gia diệt muỗi, lăng quăng nên tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Nhân viên y tế vãng gia hộ gia đình, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Nhân viên y tế vãng gia hộ gia đình, tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch

Gia đình bà Đoàn Thị Thảo (xã Mỹ Hạnh Nam) có 5 người thì có đến 3 người mắc bệnh SXH. “Hơn 1 tháng nay, các thành viên trong gia đình tôi và người dân xung quanh đã cảnh giác hơn với loại muỗi vằn truyền bệnh. Địa phương có ca mắc và tử vong do SXH nên giờ ai cũng sợ, lo dọn vệ sinh. Cứ vào 16, 17 giờ hàng ngày, gia đình tôi đốt nhang xua muỗi xung quanh nhà, mặc quần áo dài tay phòng tránh muỗi đốt” - bà Thảo cho biết.

Trưởng trạm Y tế xã Mỹ Hạnh Nam - Huỳnh Thị Lăng thông tin: “Người dân trên địa bàn xã còn chủ quan, chưa chú trọng vệ sinh môi trường, không thường xuyên súc, rửa các dụng cụ chứa nước như lu, khạp và loại bỏ các vật dụng phế thải chứa nước không cần thiết. Vì vậy, chỉ số lăng quăng khó kiểm soát và muỗi gây bệnh SXH ngày càng nhiều. Mặt khác, khi phun thuốc thì một số hộ dân không mở cửa do vắng nhà. Một ổ dịch quá nhiều ca (từ 10-12 ca/ổ) nên vấn đề phun thuốc gặp khó khăn”.

Đức Hòa là địa phương có số ca mắc SXH nhiều nhất tỉnh, với hơn 1.100 ca, tăng gấp 5 lần so cùng kỳ năm 2018. Đáng lưu ý, tại Đức Hòa, số ca mắc SXH ở người trưởng thành chiếm tỷ lệ khá cao, tập trung tại các xã: Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông, Mỹ Hạnh Nam và thị trấn Đức Hòa.

Thường xuyên súc rửa bình hoa để diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết

Thường xuyên súc rửa bình hoa để diệt lăng quăng, phòng bệnh sốt xuất huyết

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - bác sĩ Lê Văn Xành cho biết: “Người dân chưa quan tâm phối hợp ngành y tế để diệt bọ gậy, lăng quăng. Quan niệm của người dân chỉ có phun thuốc diệt muỗi là hết. Khi chúng ta phun thuốc diệt muỗi, muỗi chỉ chết tại thời điểm phun và sau 3-5 ngày, nếu bọ gậy, lăng quăng còn sẽ phát triển thành muỗi. Vì vậy, việc xử lý ổ dịch nhỏ chưa triệt để và căn cơ. Khu nhà trọ, dân cư đông đúc, lực lượng y tế ít chưa đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Ngành y tế tham mưu UBND huyện tăng cường tuyên truyền chiều rộng lẫn chiều sâu, nhất là vãng gia đến từng hộ gia đình; đồng thời, thành lập đội phun thuốc, đội diệt lăng quăng tại địa phương nhằm triển khai kịp thời các phương pháp phòng, chống dịch”.

Dịch bệnh SXH đang vào mùa cao điểm do thời tiết mưa nắng đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát sinh nhiều ổ dịch. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Dengue gây ra. Để giảm số ca mắc SXH, ngành y tế cần phối hợp các ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, người dân cần tích cực phối hợp chính quyền, ngành y tế trong các đợt phun hóa chất, phòng, chống dịch; tự giác thực hiện diệt trừ muỗi, lăng quăng, giữ vệ sinh thông thoáng nhà ở, dọn dẹp các vật dụng ứ đọng nước, đậy kín dụng cụ chứa nước xung quanh nhà,... bởi không có lăng quăng là không có SXH./.

Ngọc Mận - Huỳnh Hương

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/chung-tay-day-lui-benh-sot-xuat-huyet-a82742.html