Chung tay duy trì miễn dịch cộng đồng với COVID-19
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nhằm đảm bảo độ bao phủ vắc xin cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trong tháng 5/2022, tỉnh Lâm Đồng đã được Bộ Y tế cấp 514.070 liều vắc xin Pfizer. Trong tháng 6/2022, Sở Y tế tỉnh tiếp nhận thêm 73.000 liều vắc xin để tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Như vậy, số lượng vắc xin trong tháng 6 trên địa bàn tỉnh là rất lớn, cần huy động toàn thể các lực lượng vào cuộc khẩn trương phối hợp với ngành Y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin mới đảm bảo tiến độ tiêm chủng theo quy định.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mọi người dân được tiêm đủ liều vắc xin theo quy định của Bộ Y tế, đặc biệt là tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm đủ liều nhắc lại (lần 1, lần 2) cho người từ 18 tuổi trở lên, tuyệt đối không để vắc xin hết hạn sử dụng, UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo các đơn vị khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Mới đây, Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức hội nghị trực tuyến đôn đốc công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID -19 nhằm đảm bảo tiến độ tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và tiêm liều nhắc lại lần 1, lần 2 cho người từ 18 tuổi trở lên. Theo Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế, trong tháng 1, 2, 3, 4/2022, số lượng người nhiễm COVID-19 tại tỉnh Lâm Đồng tương đối cao, toàn tỉnh có 133.977 người mắc, tình hình dịch bệnh hiện nay đã giảm do đó dẫn đến tình trạng người dân chủ quan, không đi tiêm vắc xin liều nhắc lại lần 1 và liều nhắc lại lần 2 dẫn đến tình trạng vắc xin tiêm chậm, còn tồn nhiều mặc dù ngành Y tế tổ chức tiêm chủng hằng ngày, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Thời gian qua, Lâm Đồng được cấp 1.220.280 liều vắc xin Vero Cell và đã tiêm mũi 1 cho 614.442 người, mũi 2 là 610.572 người, do đó số lượng người tiêm liều bổ sung rất lớn, toàn tỉnh đã tiêm liều bổ sung cho hơn nửa triệu người, tuy nhiên khi tiếp tục tiêm liều nhắc lại lần 1 (mũi 4) thì người dân ngại không muốn tiêm. Hơn nữa, số đối tượng này đang trong độ tuổi lao động (18 đến dưới 50 tuổi) sau khi hết dịch đã di dân đến nơi khác làm việc hoặc đã mắc COVID-19 nên không muốn tiêm dẫn đến tình trạng số lượng người đi tiêm mũi nhắc lại thấp.
Ngoài số liệu được báo cáo thống kê, một số lượng người mắc COVID-19 nhưng không báo cho y tế dẫn đến việc khó khăn trong tính toán nhu cầu vắc xin, đặc biệt là tổ chức tiêm mũi nhắc lại lần 2 (quy định các trường hợp mắc COVID-19 tiêm sau 3 tháng). Ngoài ra, hạn sử dụng vắc xin chỉ có 30 ngày (nhiều đợt vắc xin về hạn chỉ còn 5 đến 7 ngày), tạo áp lực lớn cho các cơ sở tiêm chủng. Mặc dù, ngành Y tế đã nhắn tin mời đối tượng tiêm rất nhiều lần, nhưng nhiều người dân không đến cơ sở y tế để tiêm chủng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có nhiều trường hợp đã nhiễm COVID-19, không muốn tiêm, một số sau tiêm các đợt trước có các tác dụng phụ làm người sốt, mệt mỏi nên không muốn tiêm các mũi tiếp theo, một bộ phận người dân chủ quan do tình hình dịch bệnh đã giảm.
Đối tượng tiêm các mũi trước hiện không còn ở tại địa phương: đi học, đi làm, về quê... Một số nơi còn thiếu sự quan tâm của một số lãnh đạo tuyến xã, phường cho công tác tiêm chủng COVID-19, thiếu sự quan tâm của các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, vận động phụ huynh có con trong độ tuổi từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi đưa con đi tiêm chủng.
Do tiêm trẻ em vào cuối năm học nên học sinh thi học kỳ, bố mẹ không đồng ý tiêm, đợt tới càng khó khăn hơn do học sinh đã nghỉ hè, rất khó tập trung.
Không có chế tài đối với các trường hợp không đi tiêm vắc xin COVID-19, hơn nữa tiêm vắc xin không phải là bắt buộc, do vậy, người dân không đi tiêm mặc dù ngành Y tế đã tổ chức nhiều buổi tiêm, đã tuyên truyền, vận động nhưng nhiều người dân vẫn không đi tiêm, các trường hợp muốn tiêm mũi nhắc lại lần 2 thì lại mới mắc COVID-19 chưa đủ thời gian tiêm (3 tháng sau mắc COVID-19) theo quy định của Bộ Y tế.
Ông Đào Thành Trung - Phó Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng nhấn mạnh: Để đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin, với mục tiêu tiêm hết số vắc xin đã phân bổ nhằm hoàn thành trong tháng 6 này là việc cấp bách hiện nay, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các thành viên Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 các cấp cần nêu gương trong việc tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 ở các mũi nhắc lại khi đến định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em và người lớn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp bảo vệ sức khỏe mọi người trong gia đình và cộng đồng, duy trì miễn dịch, phòng ngừa COVID-19 có thể quay trở lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất, bởi sau khi tiêm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin sẽ giảm dần theo thời gian, đặc biệt là đối với một số nhóm đối tượng nguy cơ như: Người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người từ 50 tuổi trở lên, người suy giảm miễn dịch. Vì vậy, việc tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 là rất cần thiết và là trách nhiệm của mỗi công dân đối với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đến hết ngày 19/6, tỉnh Lâm Đồng đã nhận tổng số 3.663.236 liều vắc xin, đã tiêm 3.506.375 liều, đạt tỷ lệ 95,72%. Trong đó, số đã tiêm 1 mũi là 1.237.948 người; tiêm đủ 2 mũi 1.151.775 người; tiêm liều bổ sung 566.101 người; tiêm liều nhắc lại lần 1 có 484.078 người; tiêm liều nhắc lại lần 2 có 66.473 người. Tiêm cho trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi 1 mũi cho 141.623 trẻ, đạt 99,89%; tiêm 2 mũi cho 137.983 trẻ, đạt 97,32%. Tiêm cho trẻ em từ đủ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi 1 mũi có 105.251 trẻ, đạt 58,58% và đủ 2 mũi có 28.984 trẻ, đạt 16,13%.
Tỷ lệ bao phủ vắc xin trên dân số Lâm Đồng tiêm 1 mũi đạt 87,62%; phủ 2 mũi đạt 81,52 %. Trong đó, bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên tiêm 1 mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 99,38%; tiêm liều bổ sung đạt 92,17%; tiêm liều nhắc lại lần 1 đạt 51,07% và tiêm liều nhắc lại lần 2 đạt 18,3%.