Chung tay giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Tạo việc làm, tạo sinh kế là những nỗ lực của cả cộng đồng giúp người khuyết tật hòa nhập. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn…
Tạo việc làm cho người khuyết tật có nhu cầu
Anh Phạm Minh Kiệt, 27 tuổi, là người khuyết tật tại Tây Hồ (Hà Nội) mới đây đến Trung tâm Dịch vụ việc làm với mong muốn tìm việc làm phù hợp với thu nhập ổn định hơn. “Trước đây, tôi có làm thiết kế đồ họa với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Mức thu nhập đó cũng giúp tôi trang trải trong cuộc sống. Tuy nhiên, chỗ làm xa nên tôi muốn xin làm đơn vị gần nhà để đảm bảo cho sức khỏe”, anh Phạm Minh Kiệt chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Thế Sơn, người khuyết tật về tay tại Mê Linh (Hà Nội) cũng muốn tìm kiếm một việc làm mới do doanh nghiệp cũ thu hẹp sản xuất. Anh Nguyễn Thế Sơn dự kiến học nghề may để chuyển sang công việc mới phù hợp với sức khỏe hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp tuyển dụng, bà Lê Thị Vân, chuyên viên tuyển dụng Hợp tác xã Tâm Ngọc, đon vị làm dịch vụ spa, cho biết: “Thời gian này, chúng tôi tuyển dụng 20 người khuyết tật với mức thu nhập 4,5 triệu đồng. Học viên được học nghề từ 2 đến 3 tháng. Thực tế từ tuyển dụng cho thấy, quan trọng nhất là người khuyết tật vượt qua tự ti, có ý chí quyết tâm học nghề, tự lập đi làm mới gắn bó với công việc”.
Liên quan đến vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật, ông Lê Viết Tụng, Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Mê Linh cho biết: “Việc làm với người khuyết tật rất quan trọng bởi giúp họ tự tin hơn hòa nhập với cộng đồng, tự vươn lên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là tạo việc làm cho người khuyết tật có nhu cầu, để từ đó có tư vấn, hỗ trợ học nghề phù hợp”.
Ông Trịnh Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP Hà Nội chia sẻ: “Bên cạnh nỗ lực từ chính bản thân người khuyết tật, sự giúp đỡ từ gia đình, trong thời gian qua, Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Phiên giao dịch việc làm chuyên đề để tạo nhiều cơ hội tìm được việc làm trên thị trường lao động”.
Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 người khuyết tật, trong đó có khoảng hơn 30.000 người có khả năng lao động. “Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khuyết tật một công việc phù hợp không chỉ giúp nhóm lao động này tự tin vượt lên hoàn cảnh, hòa nhập cộng đồng, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội… Để giải quyết việc làm cho người khuyết tật không chỉ trông chờ vào các chính sách xã hội hay tình thương. Về phía người lao động khuyết tật cũng phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng chuyên môn, sẵn sàng đảm đương được công việc của nhà tuyển dụng để khẳng định được mình là những người “tàn mà không phế”, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ.
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Hội về người khuyết tật Việt Nam, để giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, Hội cũng đã tổ chức các khóa dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, thúc đẩy xúc tiến các dịch vụ thương mại, kết nối đưa sản phẩm của người khuyết tật làm ra đến với thị trường… Đồng thời tiếp tục tạo điều kiện để cộng đồng người khuyết tật hỗ trợ nhau trong học tập, làm việc, vì một xã hội hòa nhập, không rào cản và vì quyền của người khuyết tật.
Chung tay vì người khuyết tật
Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên; trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nghiên cứu trình Quốc hội ban hành Luật Người khuyết tật và đưa các nội dung liên quan vào các luật chuyên ngành, như: Bộ luật Lao động, Luật Việc làm... Việt Nam cũng đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. Năm 2019, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 39/CT-TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. “Trên cơ sở đó, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về người khuyết tật những năm qua đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật. Hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã thu hút sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và quyền của người khuyết tật cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn…”, ông Đặng Văn Thanh cho biết.
Dù vậy, trên thực tế, vẫn còn nhiều người khuyết tật thuộc hộ nghèo, chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm... Việc tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là rào cản lớn nhất hiện nay, nhất là ở những vùng khó khăn, vùng nông thôn; các công trình xây dựng trước đây không được quan tâm cải tạo bảo đảm tiếp cận cho người khuyết tật. Người khuyết tật cũng khó tiếp cận các hoạt động văn hóa, giải trí, thể dục, thể thao ở cơ sở. Hơn nữa, mức trợ cấp xã hội cho người khuyết tật còn thấp. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp người khuyết tật còn thiếu thốn, nhất là trang thiết bị y tế phục hồi chức năng, dịch vụ trị liệu tâm lý…
Theo ông Tô Đức, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, đến nay, đã có trên 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho trên 1,5 triệu người khuyết tật. Thực hiện chính sách trợ giúp đời sống, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho người khuyết tật, năm 2022, ngân sách Nhà nước đã bố trí 28.731 tỷ đồng thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có người khuyết tật.
Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, các tổ chức của người khuyết tật đã tích cực huy động nguồn lực xã hội để cải thiện đời sống và điều kiện sinh hoạt của người khuyết tật. Điển hình như năm 2022, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam vận động được 559 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy ra tiền); Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và các Hội thành viên vận động tài trợ được gần 555 tỷ đồng; Hội Người mù Việt Nam vận động hơn trên 118 tỷ đồng và nhiều phần quà có giá trị; Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam vận động được hơn 7,5 tỷ đồng (bao gồm tiền và hiện vật quy ra tiền). Các hoạt động trợ giúp người khuyết tật được triển khai rất đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu của đối tượng được trợ giúp.
Đáng chú ý, từ năm 2022 đến nay, nhiều người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. Điển hình như Hội người mù Việt Nam mở 66 lớp cho 850 học viên học nghề xoa bóp bấm huyệt, tin học, chăn nuôi, thủ công, làm hương, đan lát. Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam dạy nghề cho 900 học viên, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam tổ chức 33 lớp dạy nghề cho 596 trẻ em khuyết tật...
Để tiếp tục chăm lo đời sống, sức khỏe cho người khuyết tật, trong năm 2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch triển khai thực Hiệp ước Marrakesh về tạo điều kiện cho người khiếm thị, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in tiếp cận tác phẩm; Tiếp tục rà soát, cập nhật phê duyệt danh mục nghề đào tạo, định mức kinh tế kỹ thuật và định mức chi phí đào tạo cho từng nghề làm căn cứ để tổ chức đào tạo hòa nhập và đào tạo chuyên biệt cho người khuyết tật; đào tạo nghề theo hình thức giao nhiệm vụ và đặt hàng, hỗ trợ đào tạo cho khoảng 20.000 người khuyết tật.
Các cơ quan chức năng và hiệp hội tiếp tục xây dựng và triển khai mô hình sinh kế cho người khuyết tật; mô hình khởi nghiệp; đào tạo nghề gắn với việc làm tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; mô hình đào tạo nghề gắn với sinh kế cho người khuyết tật; mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng...
“Chính sách của Nhà nước hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng càng được cụ thể hóa. Đặc biệt, Quyết định số 1190/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 có đề ra chỉ tiêu là có 500.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm. Để làm được điều này, bên cạnh việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác trợ giúp người khuyết tật, huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia trợ giúp người khuyết tật, thì cần có cơ chế khuyến khích các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chương trình đào tạo chuyên biệt, tiên tiến, sẵn sàng nhận người khuyết tật vào học nghề, đào tạo để họ có thể tự tạo việc làm ở nhà, gia đình, hoặc có thể tham gia vào thị trường lao động”, ông Đặng Văn Thanh cho biết.
Bên cạnh đó, Liên hiệp hội sẽ tham mưu đánh giá tổng kết Luật Người khuyết tật, qua đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi để phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và thực tiễn tại Việt Nam. Cùng với đó là rà soát, sửa đổi, bổ sung các chế độ, chính sách về dạy nghề, tạo việc làm; chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên làm công tác người khuyết tật ở cơ sở...