Chung tay hành động vì bình đẳng giới

ĐBP - Bình đẳng giới không chỉ thể hiện trong mỗi gia đình mà còn ngoài xã hội, từ công tác, các hoạt động xã hội, vị trí việc làm… Đó là điều bấy lâu cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đều quan tâm. Nhằm bồi đắp, hướng dẫn cho chị em những kỹ năng, tự tin, khẳng định mình trong công tác, hoạt động vận động bầu cử cuối tháng 4 vừa qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn cho các nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, thu hút hơn 60 nữ ứng cử viên đang công tác tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở trên địa bàn tỉnh tham gia. Các nữ ứng viên được giới thiệu về HĐND, đại biểu HĐND và nắm được kỹ năng tuyên truyền, vận động qua các phương tiện thông tin đại chúng; trao đổi các kinh nghiệm trong quá trình tiếp xúc cử tri...

Hội viên phụ nữ thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo) phối hợp với đoàn viên thanh niên thị trấn làm tấm kính chắn giọt bắn hỗ trợ tổ bầu cử phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ảnh: C.T.V

Chuyên đề “Những thông tin cơ bản về Quốc hội, HĐND và sự cần thiết phải tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND ở Việt Nam” do Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa trực tiếp giới thiệu nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nữ ứng cử viên. Chị Lò Thị Lan, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND xã cho biết: Qua những nội dung trong chuyên đề đồng chí Giàng Thị Hoa giới thiệu, chúng tôi hiểu rõ hơn quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nữ, những đóng góp của nữ đại biểu Quốc hội qua từng nhiệm kỳ; quy định về bảo đảm có ít nhất 35% ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND là nữ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND 2015; những đóng góp của nữ đại biểu HĐND các cấp... Để từ đó nữ ứng cử viên chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí, thiên chức của người phụ nữ, niềm tự hào về những đóng góp của phụ nữ góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, xóa bỏ tư tưởng định kiến về giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hoạt động tập huấn trên chỉ là một trong hàng loạt các nội dung, chương trình, kế hoạch hành động của các cấp hội phụ nữ trong tỉnh thời gian qua. Thông qua tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức gắn với triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ thực hiện bình đẳng giới, thúc đẩy nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và toàn xã hội về giới, bình đẳng giới, tạo ra những chuyển biến rõ nét và thu hẹp khoảng cách giới. Phụ nữ hiện nay trong gia đình và ngoài xã hội được bình đẳng hơn, tỷ lệ nữ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, cán bộ công chức nữ được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, được tạo điều kiện về mọi mặt trong công tác; trong nhiều gia đình đã có sự chia sẻ trách nhiệm, công việc gia đình.

Cùng với đó, các cấp hội phụ nữ thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó chú trọng tới việc truyền thông nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hàng năm, nhân ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11)... các cấp hội phụ nữ đã phối hợp vận động hội viên phụ nữ tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi, hội diễn do ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, thi tìm hiểu về giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... để góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của phụ nữ và từng gia đình trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, củng cố, ổn định và phát triển gia đình. Các cấp hội phụ nữ cũng cụ thể hóa nội dung phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với thực hiện các phong trào thi đua của Hội, của Ủy ban MTTQ phát động, như: Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”... Bên cạnh đó hội phụ nữ các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh cũng tích cực tham gia các tổ hòa giải mâu thuẫn gia đình; tham gia góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây bạo lực gia đình. Cán bộ hội phân tích, tuyên truyền cho hội viên, phụ nữ hiểu và làm đúng pháp luật có liên quan đến gia đình, nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình.

Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các đơn vị trong việc phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân và người có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới mục tiêu không có bạo lực trên cơ sở giới; Hội LHPN tỉnh đã và đang tiếp tục nhân rộng và duy trì 888 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nhằm tư vấn, giải quyết mâu thuẫn, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực gia đình bị buôn bán trở về. Đây là nơi tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực; bảo đảm an toàn, bí mật cho nạn nhân và người báo tin. Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động vì mục tiêu bình đẳng giới, Hội LHPN các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi quan niệm truyền thống về phân công lao động theo giới trong gia đình theo hướng tăng cường trách nhiệm của nam giới trong chia sẻ việc nhà và chăm sóc các thành viên trong gia đình. Chú trọng sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng, nam giới, thanh niên vào các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương.

Gia Kiệt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/187329/chung-tay-hanh-dong-vi-binh-dang-gioi