Chung tay làm đẹp chốn tâm linh

Với tâm niệm 'Ăn cũng hết, mặc cũng mòn, đồng tiền công đức sẽ còn dài lâu' nên khi đình, chùa xuống cấp, nhiều người ở Thanh Hà (Hải Dương) lại cùng chung tay góp công sức, tiền của để cải tạo chốn tâm linh ngày càng đẹp đẽ, khang trang.

Chùa Cao Phúc được xây dựng khang trang nhờ sự đóng góp của phật tử và con em quê hương

Chùa Cao Phúc được xây dựng khang trang nhờ sự đóng góp của phật tử và con em quê hương

Hướng về quê hương

Tại ngôi đình Ngọc Lộ mới được xây dựng đẹp đẽ, ông Nguyễn Mạnh Thông, Bí thư, Trưởng thôn Ngọc Lộ (xã Tân Việt) bày tỏ xúc động vì tình cảm của con em xa quê dành cho thôn làng. Chạm tay lên cánh cửa đình còn thơm phức mùi gỗ mới, ông Thông cho biết đình Ngọc Lộ từng là nơi để nhân dân trong thôn tập trung mỗi khi cần bàn bạc việc làng và cúng tế 3 vị thành hoàng của làng, mong muốn mùa màng bội thu, đời sống ổn định. Ngôi đình mới được xây dựng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, hoàn toàn do nhân dân đóng góp, người ít thì 5 triệu đồng, người nhiều thì ủng hộ 500 triệu đồng. Ông Nguyễn Quý Yêu, một người dân thôn Ngọc Lộ nói: “Đóng góp xây dựng đình, chùa là việc nên làm của mỗi người con quê hương. Đó còn là hành động thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn”.

Ngôi đình được xây theo kiểu chữ đinh gồm 5 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Xây dựng xong, nhiều người còn cung tiến bát hương đá, cuốn thư đá và nhiều đồ vật có giá trị khác. Ông Thông nhớ mãi về hôm khánh thành đình, con cháu trong thôn từ xa về thắp hương đông vui như hội. Có những người xa quê hàng chục năm nay quay vềi, ai nấy đều tay bắt mặt mừng.

Nhiều người cung tiến đồ vật có giá trị cho đình, chùa quê hương. Trong ảnh: Cuốn thư đá được gia đình ông Nguyễn Đức Hồng thôn Ngọc Lộ cung tiến cho đình Ngọc Lộ

Nhiều người cung tiến đồ vật có giá trị cho đình, chùa quê hương. Trong ảnh: Cuốn thư đá được gia đình ông Nguyễn Đức Hồng thôn Ngọc Lộ cung tiến cho đình Ngọc Lộ

Chùa Cao Phúc ở thôn Bá Nha (xã Thanh Quang) là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở khu Hà Đông với kiến trúc độc đáo. Quần thể chùa gồm có nhà thờ tổ rộng 5 gian làm theo kiến trúc ngô đấu sen, ngói hài… Tòa chính được xây dựng theo kiểu chữ đinh gồm 7 gian tiền điện, 3 gian hậu cung bằng gỗ lim thờ 3 vị tam thế, thờ Phật… Toàn bộ số tượng đều được sơn son thếp vàng. Chùa được xây dựng từ năm 2013 - 2016. Khi nói về ngôi chùa, dân làng ai cũng biết ơn người con quê hương Hoàng Văn Giang. Ông Giang sinh ra và lớn lên tại làng Bá Nha, sau này đi làm ăn xa nhưng lòng luôn hướng về quê hương. Chùa Cao Phúc được hoàn thiện với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, riêng ông Giang công đức hơn 10 tỷ đồng xây dựng. Giờ đây, tuy làm ăn, sinh sống ở Hải Phòng nhưng mỗi khi quê hương kêu gọi, vận động ông đều dốc lòng chung sức.

Đóng góp tu sửa, làm đẹp đền, chùa quê hương đều xuất phát từ tâm của dân làng và những người con xa quê ở Thanh Hà. Huyện có gần 100 ngôi đình, chùa. Tuy chưa có số liệu đầy đủ nhưng cơ bản đã được tu bổ, tôn tạo. Chỉ còn một số đình, chùa xếp hạng di tích đang xuống cấp cần kinh phí để tu sửa.

Nơi gắn kết cộng đồng

Đình Ngọc Lộ được xây dựng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng do nhân dân đóng góp và ủng hộ

Đình Ngọc Lộ được xây dựng với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng do nhân dân đóng góp và ủng hộ

Ở Thanh Hà có ngôi chùa từng là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện là chùa Vạn Tuế (xã Tân Việt), chùa Cao Phúc là nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của xã Hợp Đức cũ (nay là Thanh Quang)... Nhiều đình, chùa là nơi diễn ra các lớp bình dân học vụ, tuyên truyền cách mạng, nuôi giấu quân, dân trong kháng chiến. Nhiều đền, chùa như chứng tích của những giai đoạn lịch sử quan trọng của các địa phương.

Trước đây, do đời sống kinh tế còn khó khăn, nhân dân chưa có điều kiện phục dựng đền, chùa nhưng nhiều năm trở lại đây, cùng với sự nỗ lực của địa phương và đông đảo con em quê hương nên nhiều đền, chùa đã được xây dựng lại, đáp ứng hiệu quả nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Thông cho biết thêm khi họp triển khai xây đình, chùa đều nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân trong thôn, làng. Có những người chưa kêu gọi đã phát tâm công đức cả trăm triệu đồng.

Việc xây dựng đình, chùa ở làng quê đã trở thành nét đẹp văn hóa của cộng đồng. Ông Lê Văn Hiền, công chức văn hóa xã Thanh Quang cho biết khoản tiền công đức, quyên góp xây đình, chùa đều được công khai, minh bạch trước dân làng. Thiết kế xây dựng đình, chùa đều theo tư vấn của những người có chuyên môn để phù hợp với truyền thống, văn hóa, tín ngưỡng.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Hà cho biết những năm qua việc xây dựng “Chùa cảnh tinh tiến, gương mẫu” trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (nay là cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh) ở Thanh Hà luôn được quan tâm. Phong trào phát triển mạnh mẽ khi huy động được những người con xa quê phát tâm ủng hộ với số tiền lớn, tạo động lực để nhân dân làm theo. Những ngôi chùa, đình miếu khang trang đã được chung sức xây dựng ở nhiều thôn, làng khác nhau. Các phòng chuyên môn và Ban Trị sự Phật giáo huyện Thanh Hà thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo pháp luật phù hợp với truyền thống dân tộc, góp phần bảo tồn và nhân thêm giá trị bản sắc văn hóa.

MINH NGUYÊN

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chung-tay-lam-dep-chon-tam-linh-362195.html