Chung tay làm du lịch xanh, bền vững - định vị thương hiệu Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng. Do vậy, việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp hiện là yếu tố quan trọng để hướng đến phát triển du lịch bền vững.
Những ngày qua, tại Công ty Vietravel chi nhánh Cần Thơ nhộn nhịp người dân đến tham gia chương trình GoGreen: Hành động nhỏ - thay đổi lớn. Được biết, từ nay đến hết ngày 31/3, khi người dân đem những viên pin đã qua sử dụng đến đây, đơn vị sẽ thu nhận và tặng lại những quà lưu niệm, như: sen đá, sổ tay, túi cói thân thiện môi trường.
Chị Bùi Ánh Ngọc, ở quận Ninh Kiều chia sẻ: "Chương trình này rất là tuyệt vời, vì khi sử dụng pin xong không biết vứt đâu cho đúng, nếu vứt không đúng chỗ thì những hóa chất trong pin sẽ gây hại cho môi trường. Tôi nghĩ khi có những điểm thu gom như thế này thì có thể tập hợp các cục pin lại và xử lý triệt để hơn, không gây hại cho môi trường. Đồng thời, có thể mang về những cây rất là xinh, tôi rất thích".
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho biết, chương trình GoGreen ra đời từ nhiều năm trước với chuỗi hoạt động phong phú. Gần đây còn kết hợp với Làng du lịch cộng đồng Cổn Sơn phát huy thế mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường cho du khách thông qua những biểu bảng, băng rôn, túi đựng quà tự phân hủy cũng như túi phân loại rác thải thân thiện môi trường...
"Trong những năm qua, chúng tôi đã cùng với thành phố triển khai các hoạt động GoGreen, ví dụ như là thu gom rác, quét rác, vớt rác trên sông,… Năm 2024, bằng việc khởi động lại dự án GoGreen, chúng tôi dự kiến sẽ làm việc cùng với cơ quan ở địa phương triển khai dự án tài trợ những thùng phân loại tác đặt ở các vị trí trung tâm của Cần Thơ. Chúng tôi nghĩ rằng với những hành động nhỏ như thế này, những hoạt động thiết thực như thế này, không chỉ du khách mà người dân Cần Thơ hiểu rõ hơn ý nghĩa hoạt động này, cùng chung tay bảo vệ môi trường", bà Thy cho hay.
Có thể thấy, trong chiến lược phát triển du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở dịch vụ du lịch đã nhận thấy lợi ích của du lịch xanh và tiến hành nhiều biện pháp thiết thực. Cụ thể từ những loại rác hữu cơ, khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge, ở huyện Phong Điền đã xử lý và tái chế thành nhiều sản phẩm phục vụ cho hoạt động của đơn vị, như: xà bông rửa tay, nước rửa chén, nước lau sàn, phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học...
Theo chị Nguyễn Thị Hồng Đoan, Bếp trưởng khu nghỉ dưỡng Mekong Silt Ecolodge, đơn vị có 4 giải pháp để làm du lịch bền vững, đó là: từ chối nguyên liệu ngoại nhập, sử dụng nguyên liệu bản địa, tái chế và thải bỏ có trách nhiệm. Câu chuyện làm du lịch kết hợp kinh tế xanh với cốt lõi là làm tăng giá trị tài nguyên bản địa, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường cũng được giới thiệu đến du khách và những người làm du lịch xung quanh. Qua đó, vừa mang đến sự thích thú cho du khách, vừa góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ sức khỏe và môi trường du lịch của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Hồng Đoan nhấn mạnh: "Có một loại rác mà mình ít khi để ý đến nhưng tại các nhà hàng, khách sạn rất là nhiều đó chính là dầu ăn thừa. Chúng tôi sử dụng nguyên liệu này kèm theo một vài công thức để làm xà phòng, sau đó để trong phòng để khách rửa tay. Việc khử mùi từ enzym an toàn sức khỏe với con người, nên chúng tôi dùng tẩy rửa bề mặt, lau kính, lau phòng".
Không nằm ngoài xu thế chung của du lịch xanh Cần Thơ, mấy năm gần đây, Victoria Cần Thơ cũng được biết đến là một trong những doanh nghiệp đi đầu làm du lịch theo hướng bền vững thông qua các giải thưởng như: Tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả, Nhãn xanh ASEAN (Tiêu chuẩn khách sạn Xanh ASEAN của Cộng đồng ASEAN), Chứng nhận Vàng về du lịch bền vững của Travelife (chương trình chứng nhận bền vững quốc tế trong lĩnh vực du lịch được quản lý bởi ABTA - Hiệp hội các Đại lý du lịch Anh và ANVR - Hiệp hội các Đại lý du lịch của Hà Lan).
Để đạt được Chứng nhận Vàng tại Việt Nam từ Travelife, chuỗi khách sạn Victoria đã phải tuân thủ 140 tiêu chí, trong đó có những yêu cầu quan trọng về môi trường, nhân quyền, hỗ trợ cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị văn hóa và di sản địa phương, phát triển kinh doanh bền vững,…
Sự thay đổi tích cực của các đơn vị hoạt động du lịch khiến du khách đến Cần Thơ cảm thấy khá hài lòng. Chị Trần Khánh An, ở TP. Hồ Chí Minh, đi nghỉ dưỡng cùng gia đình tại Cần Thơ bày tỏ: "Du lịch cần và phải nên phát triển theo hướng xanh, bền vững để bảo vệ môi trường và thuận theo tự nhiên. Có thuận theo tự nhiên thì mới phát triển và sức khỏe con người mới đảm bảo".
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ ngày 8 đến 14/2 (nhằm 29 đến mùng 5 Tết), du lịch Cần Thơ đón khoảng 398.000 lượt khách, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023. Khách lưu trú ước đạt khoảng 104.000 lượt, tăng 10%; trong đó khách quốc tế lưu trú đạt khoảng 4.100 lượt, tăng 41%. Tổng doanh thu du lịch đạt khoảng 415 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023.
Từ kết quả khả quan này, ông Nguyễn Hoàng Ơn, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển du lịch TP. Cần Thơ chia sẻ: "Thành phố sẽ tổ chức Hội nghị, Hội thảo cũng như là tập huấn cho nguồn nhân lực du lịch Cần Thơ. Đồng thời, đưa ra tiêu chí cụ thể cho phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh TP. Cần Thơ phù hợp với đô thị vùng sông nước, phù hợp tình hình thực tế phát triển du lịch của thành phố thời gian tới".
Việc ngày càng có nhiều đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn TP. Cần Thơ tích cực đưa ra nhiều mô hình, hoạt động tuyên truyền, chung tay bảo vệ môi trường đã phần nào đáp ứng tiêu chí du lịch xanh. Các chương trình không những mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch Cần Thơ, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế, định vị thương hiệu du lịch chất lượng, an toàn, thân thiện và bền vững.