Chung tay ngăn chặn tình trạng quấy rối tình dục công sở

Công sở vốn được xem là môi trường công tác, nơi con người cống hiến sức lực và trí tuệ để xây dựng sự nghiệp. Tuy nhiên, một vấn đề âm ỉ tồn tại, đó là vấn nạn quấy rối tình dục công sở ở một nơi nào đấy.

Việc này gây tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe và tác động tiêu cực đến hiệu quả công việc, cuộc sống con người.

Từ câu chuyện cụ thể

Sự việc đang xảy ra tại một cơ quan thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Nạn nhân là chị P.T.T.H. Chị kể: Tôi là chuyên viên, còn anh ta là thủ trưởng một cơ quan của thành phố. Ban đầu chỉ là những cử chỉ thân mật, lời nói chọc ghẹo, mình nghĩ họ đùa giỡn thế cho vui. Nhưng dần dà, sự việc càng phức tạp, anh ta có hành vi đụng chạm trực tiếp nên tôi cảm thấy rất khó chịu, phản cảm.

Chị H. nói tiếp: Ông ấy cố tình, rắp tâm nhiều lần thực hiện ý định muốn được quan hệ tình dục với tôi, nên khi những biểu hiện bên ngoài không được đáp lại tình cảm đơn phương nên anh ta đã “đàm phán”, nói thẳng ý định của mình trực tiếp và nhiều lần gọi điện thoại. Mỗi khi vợ anh ta đi vắng thì lại gọi điện rủ đến nhà nói là có việc, dỗ dành ngon ngọt không được thì quay sang gây áp lực…

Anh ta hứa nếu đồng ý quan hệ sẽ được hưởng lợi nhiều thứ, về thăng tiến trong công việc và tương lai rộng mở phía trước… Họ biết rõ tôi đã có chồng con với một gia đình êm ấm, hạnh phúc nhưng vẫn cố tình gạ gẫm, theo đuổi, chèo kéo tôi trong một thời gian dài, đến nay vẫn chưa có ý định buông tha. “Cứ mỗi lần thấy số máy của anh ta hiện lên, tôi lại thấy gai người”, chị H. bức xúc.

Chị tiếp tục phân trần với PV trong nước mắt, tôi thể hiện rất cương quyết nên bị lâm vào thế khó. Tôi thấy ghê tởm với anh ta… Đã có những lúc tôi muốn nói với chồng tôi và cả vợ của anh ta để tìm phương án ngăn chặn, chấm dứt nhưng lại nấn ná, sợ sự việc vỡ lở ra thì hệ lụy đến nhiều người nên lại chọn im lặng.

Vì cùng trong một cơ quan, sự việc diễn ra hằng ngày, kéo dài nên hiện chị H. tâm lý không ổn định, không yên tâm công tác, ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng chỉ biết âm thầm chịu đựng vì tâm lý xấu hổ, sợ thị phi. Chị cho rằng nếu mình lên án hành động đấy thì không giải quyết được vấn đề gì, vì sợ khi lên tiếng sẽ ảnh hưởng đến công việc, hạnh phúc gia đình...

(ảnh minh họa)

(ảnh minh họa)

Đến thái độ cần phải xử lý

Theo quy định tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ, quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể xảy ra dưới dạng trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc. Hoặc có thể là những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Thiết nghĩ, bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn là trách nhiệm của cộng đồng. Nạn nhân cần củng cố chứng cứ, dũng cảm đối mặt, đưa sự việc ra ánh sáng là việc làm cần thiết để bảo vệ bản thân. Chỉ có đưa sự việc ra pháp luật thì đối tượng thực hiện hành vi quấy rối tình dục mới phải trả giá trước pháp luật và giảm bớt những nạn nhân tiếp theo có thể phát sinh.

Pháp luật hiện nay có đầy đủ cơ chế, chế tài để xử lý đối với những hành vi quấy rối tình dục cũng như gây tổn thương đến nạn nhân, hạnh phúc gia đình. Những người có suy nghĩ và hành vi tiêu cực, có thái độ thiếu chuẩn mực đối với đồng nghiệp là những suy nghĩ, hành động đê tiện, bị xã hội lên án, bị xử lý trước pháp luật và còn tiếng xấu để đời.

Thế Mạnh

Nguồn CL&XH: https://xahoi.congly.vn/chung-tay-ngan-chan-tinh-trang-quay-roi-tinh-duc-cong-so-461769.html