Chung tay ngăn ngừa vấn nạn toàn cầu
Mua bán người được Liên hợp quốc xác định là 1 trong 4 loại tội phạm nguy hiểm nhất. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) có xu hướng gia tăng, nhất là trong nội địa.
Thống kê cho thấy, năm 2022, cả nước có 222 nạn nhân bị mua bán, nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, số nạn nhân bị mua bán là 224 người. Lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 88 vụ/229 đối tượng phạm tội MBN; tiếp nhận, giải quyết 117 tố giác, tin báo tội phạm. Các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương đã tiếp nhận, xác minh 114 trường hợp; trong đó, xác định và hỗ trợ 82 trường hợp nạn nhân bị mua bán...
Đáng chú ý, tình hình MBN trên các tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều. Địa bàn MBN cũng thay đổi, có xu hướng dịch chuyển vào miền Trung và miền Nam.
Cho dù các lực lượng chức năng đã tăng cường đấu tranh quyết liệt với nạn buôn người, triệt phá nhiều đường dây tội phạm, giải cứu được nhiều nạn nhân, nhưng MBN vẫn là vấn nạn mang tính toàn cầu, đang trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội.
Theo Bộ Tư lệnh BĐBP, thủ đoạn hoạt động của tội phạm MBN ngày càng tinh vi, các đường dây tội phạm có sự kết cấu chặt chẽ giữa các đối tượng trong và ngoài nước, đối tượng cầm đầu thường ở nước ngoài, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý.
Tội phạm đang triệt để lợi dụng công nghệ cao để lôi kéo dụ dỗ nạn nhân qua mạng xã hội, các tài khoản ảo bằng các chiêu trò kết bạn, làm quen, yêu đương, hứa hẹn đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao, lấy chồng người nước ngoài giàu có... Sau đó, những đối tượng này tìm cách đưa nạn nhân qua biên giới, thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục, cưỡng ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp. Phổ biến hơn là lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các quán karaoke, cắt tóc, massage, tụ điểm mại dâm trá hình trong nội địa.
Chuyên gia tội phạm cho rằng, sự gia tăng nạn nhân bị mua bán trong thời gian qua còn xuất phát từ các nhân tố mất cân bằng về giới, khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm. Trong khi nhiều người nhẹ dạ cả tin sa vào bẫy tội phạm buôn người thì công tác phòng ngừa, truyền thông về phòng, chống MBN chưa đủ mạnh.
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lấy ngày 30/7 hằng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” với mục tiêu huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm MBN trên phạm vi toàn quốc; thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập với cộng đồng.
Thiết nghĩ, nạn MBN sẽ bị đẩy lùi khi cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định công tác phòng, chống MBN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài để tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hóa thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Cần lồng ghép nội dung phòng ngừa MBN vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, đa đạng hình thức giáo dục pháp luật và truyền thông xã hội nâng cao nhận thức cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm MBN.
Quan trọng nhất là mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ mình và người thân trước nguy cơ trở thành nạn nhân của MBN, cùng đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-tay-ngan-ngua-van-nan-toan-cau-post464459.html