Chung tay phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ em

Chiều 1/5, một nhóm 10 em học sinh lớp 11 của một trường cấp 2, 3 trên địa bàn huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước, tổ chức đi chơi tại bãi cạn sông Đồng Nai. Trong lúc đang chơi, có 5 em trong nhóm tách ra, rủ nhau lội ngược dòng lên hướng có nước để tắm. Trong lúc tắm, các em bị rơi vào vùng nước xoáy, cả 5 em đều bị nước xoáy nhấn chìm.

Nghe tiếng kêu cứu, những người dân đi chơi lễ phía trên bờ liền nhảy xuống cứu các em. Mặc dù rất cố gắng, nhưng người dân chỉ cứu được một em học sinh lên bờ; 4 em còn lại bị dòng nước xoáy cuốn chìm mất tích. Sau hơn 2 giờ đồng hồ tích cực tìm kiếm, lực lượng chức năng mới trục vớt được thi thể 4 em học sinh xấu số.

Một vụ đuối nước thương tâm khác xảy ra ngay chiều hôm sau, 2/5. Khoảng 14 giờ cùng ngày, có 3 cháu học sinh lớp 3 trốn gia đình ra lòng hồ thủy điện Thác Mơ thuộc xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng tắm. Một cháu bị trượt chân rơi vào vùng nước sâu và chìm xuống. Hai em còn lại hoảng hốt chạy về nhà kêu cứu. Sau nhiều giờ đồng hồ quyết tâm tìm kiếm, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể cháu bé.

Trước đó, tại hồ Suối Giai, thuộc huyện Đồng Phú cũng đã xảy ra một vụ đuối nước, cướp đi sinh mệnh của 2 em học sinh lớp 5. Vụ việc xảy ra vào trưa 14/2/2022, thời điểm đó 2 em học sinh ở xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú rủ nhau ra khu vực hồ Suối Giai bắt ốc. Nhưng đến chiều tối gia đình không thấy các em về nên đã đến Công an xã trình báo sự việc. Công an xã và các lực lượng của địa phương đã tổ chức lực lượng đi tìm kiếm thì phát hiện cả 2 em học sinh đều bị đuối nước và tử vong dưới hồ nước.

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến hết tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh Bình Phước xảy ra tất cả là 9 vụ đuối nước, cướp đi sinh mạng của 13 người, trong đó có 9 em học sinh.

Tại Thừa Thiên - Huế, vụ đuối nước thương tâm xảy ra gần đây nhất vào chiều 20/5, một nhóm 8 học sinh ở xã Phú Hải (huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) rủ nhau ra bãi biển xã Phú Hải để chơi đùa và tắm biển. Trong lúc tắm biển thì các em không may bị sóng biển cuốn trôi ra xa bờ. Lúc này, người dân phát hiện sự việc nên kịp thời ứng cứu, riêng em T.V. (SN 2013, học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Phú Hải) bị sóng biển cuốn mất tích. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng phương tiện phối hợp với ngư dân tham gia tìm kiếm; đến 22h30 cùng ngày, thi thể em V. được tìm thấy cách vị trí mất tích khoảng 150m.

Trước đó, vào chiều 10/5, em Nguyễn Thanh G. P. (SN 2015, ở thôn Tây Phú, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế), học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Phong Bình, sau khi tan trường đi câu cá ở gần nhà và không may bị trượt chân rơi xuống khu vực nước sâu dẫn đến tử vong. Tương tự, em L.T.B.C. (SN 2012, ở thôn 3, xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà) cùng bạn đi bắt ốc tại một hồ cá cách nhà khoảng 500m, do bất cẩn, em C rơi xuống hồ cá tử vong thương tâm. Hay như trường hợp em T.H.H., học sinh lớp 8/1 Trường Tiểu học và THCS Thủy Tân, xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) cùng nhóm bạn đến đập tràn ở khu vực hồ Bàu Họ, xã Thủy Phù để tắm thì không may bị đuối nước dẫn đến tử vong vào chiều 9/5…

Ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải cho biết, do là địa bàn vùng ven biển, xã lại có nhiều con em trong độ tuổi học sinh Tiểu học và THCS nên hàng năm, khi các trường cho học sinh nghỉ hè cũng là thời điểm địa phương có thông báo đến các thôn yêu cầu các bậc phụ huynh cần tăng cường quản lý, theo dõi học sinh sau giờ đến lớp học thêm, ngoại khóa. Tuy nhiên vì một số lý do, trong đó có việc một số gia đình quản lý con trẻ lỏng lẻo dẫn đến tình trạng đuối nước thương tâm ở trẻ em vẫn còn xảy ra.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, chỉ tính riêng trong tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm 4 học sinh tử vong.

Thượng tá Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Phước cho biết, nguyên nhân dẫn đến các cháu bị đuối nước là các cháu chưa được học bơi và học về các kỹ năng cứu giúp khi bị tai nạn đuối nước xảy ra. Một nguyên nhân nữa là việc quản lý, trông coi của cha mẹ, ông bà và người thân trong gia đình đối với con em mình chưa sâu sát. Cơ sở vật chất phục vụ cho tập bơi và học những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố dưới nước tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện nay hầu như không có. Chỉ lác đác vài nơi có các hồ bơi do tư nhân đầu tư xây dựng để kinh doanh, nhưng với quy mô nhỏ lẻ. Phổ cập học bơi cho các em học sinh vẫn là một bài toàn khó cho các địa phương.

Nhóm PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/chung-tay-phong-ngua-tai-nan-duoi-nuoc-tre-em-i655624/