Chung tay tăng quyền năng kinh tế nhằm bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Ngày 23/8, tại tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) phối hợp với Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức sự kiện truyền thông 'Bữa sáng Ruy băng trắng' với chủ đề 'Chung tay tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán và bị mua bán trở về'

Tham dự sự kiện có đại diện Công an tỉnh; Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng; Liên đoàn Lao động tỉnh; Hội Luật gia tỉnh; Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng; Bộ đội Biên phòng tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH, Sở GD&ĐT... và trên 150 đại biểu, đa số là nam giới.

Các đại biểu tham ra sự kiện.

Các đại biểu tham ra sự kiện.

Bà Nguyễn Thị Diện, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, mô hình truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” được Trung tâm phụ nữ và phát triển tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 và duy trì cho đến nay trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của Úc. Chiến dịch Ruy băng trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.

Các đại biểu tham ra sự kiện.

Các đại biểu tham ra sự kiện.

Với hình thức vừa ăn sáng, vừa luận bàn “Bữa sáng Ruy băng trắng” mong muốn tạo môi trường mở để các đại biểu cùng chia sẻ, thảo luận những thông tin, kinh nghiệm cá nhân, đưa ra những giải pháp cho các vấn đề liên quan, đồng thời tăng cường cam kết thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái. Mô hình này đã được ghi nhận, không chỉ tổ chức tại Hà Nội mà đã được nhân rộng tại các tỉnh, thành trên toàn quốc và ở một số bộ ngành.

Trong khuôn khổ thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030, Trung tâm phụ nữ và phát triển phối hợp với Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng tổ chức sự kiện truyền thông “Bữa sáng Ruy băng trắng” với chủ đề “Chung tay tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán và bị mua bán trở về” tại tỉnh Sóc Trăng nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là vấn đề tăng cường quyền năng kinh tế đối với phụ nữ bị mua bán, di cư hồi hương trở về. Tăng cường vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là những người lãnh đạo, nam giới tiên phong vào thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ yếu thế. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các bên có liên quan và huy động thêm nguồn lực hỗ trợ phụ nữ di cư mất an toàn, bị mua bán trở về tại địa phương.

Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng hoa các diễn giả.

Đại diện Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng hoa các diễn giả.

Tại sự kiện, các đại biểu đã tham gia tọa đàm, chia sẻ về chủ đề “Tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ nhằm phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị mua bán và bị mua bán trở về”. Mua bán người được coi là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm trong xã hội. Tình hình mua bán người ở Việt Nam hiện nay diễn biến phức tạp. Xu hướng mua bán người có nhiều sự thay đổi, tinh vi hơn về phương thức thủ đoạn, phức tạp hơn về hình thức và đối tượng mua bán.

Với chiêu trò “việc nhẹ lương cao” để dụ dẫn người lao động, trong đó có phụ nữ di cư tìm kiếm cơ hội việc làm. Nhu cầu có việc làm là quyền cơ bản của mỗi con người nhưng do thiếu thông tin, kiến thức lại nhẹ dạ, cả tin, người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng rất dễ rơi vào hoàn cảnh lao động di cư mất an toàn, trở thành nạn nhân của mua bán người. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, hành động để bảo vệ quyền của phụ nữ, tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ.

Tại sự kiện, chị Nguyễn Ngọc Trân, Quản lý “Ngôi nhà bình yên” ở TP Cần Thơ, chia sẻ: “Nhà tạm lánh mang tên Ngôi nhà bình yên (NNBY) của Hội LHPH Việt Nam chính thức ra đời ngày 8/3/2007, trong bối cảnh tình hình nạn mua bán người ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ. Từ nhu cầu thực tế, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và sự hỗ trợ của quốc tế, Hội LHPN Việt Nam đã chỉ đạo thành lập mô hình “Ngôi nhà bình yên” và giao Trung tâm phụ nữ và phát triển quản lý, vận hành 2 nhà tại Hà Nội và 1 nhà tại Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ ĐBSCL, tại TP Cần Thơ. Rất nhiều trường hợp phụ nữ trở về ở “Ngôi nhà bình yên” cho biết họ đã phải trải qua một quá trình bị mua bán, bóc lột với nhiều tổn thương về thể chất, tinh thần. Do đó việc hỗ trợ để các chị em có thể tái hòa nhập an toàn và bền vững thật sự là một bài toán khó.

Đại diện lãnh đạo sở ngành, cấp ủy và chính quyền, các tổ chức đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng trong tỉnh Sóc Trăng đã bày tỏ đồng tình và cam kết trong thúc đẩy bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực giới. Nội dung truyền thông bao gồm các hoạt động phòng, chống bạo lực với phụ nữ như: truyền thông, giáo dục và các chương trình cho thanh thiếu niên, trong trường học, công sở và mở rộng ra cộng đồng. Nhận diện vấn đề mua bán người, lao động di cư không an toàn dẫn đến vấn đề bất bình đẳng giới. Các biện pháp tăng cường quyền năng cho phụ nữ, bao gồm quyền năng kinh tế góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm di cư an toàn, phòng chống mua bán người. Chia sẻ các mô hình và kết nối các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững.

Hội nghị giao lưu với các diễn giả.

Hội nghị giao lưu với các diễn giả.

Đến với sự kiện, Hoa hậu Nam Mekong 2007 Vũ Lan Phương gửi đến thông điệp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền xóa bỏ việc phân biệt đối xử giữa nam và nữ, thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Mong chị em phụ nữ cần không ngừng học hỏi hoàn thiện bản thân hơn để tự mình độc lập tài chính, tự chủ kinh tế lẫn tinh thần, không phụ thuộc ai. Phụ nữ cần tu dưỡng tâm hồn, tính cách, mềm mỏng nhưng không nhu nhược, nhường nhịn nhưng không chịu đựng; dùng yêu thương để đối đãi, không dùng “hy sinh” làm châm ngôn trong hôn nhân. Từng cá nhân hãy ngừng im lặng, hãy dũng cảm cất lên tiếng nói bảo vệ bản thân và gia đình mình trước các tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em, mua bán người….

Theo thông tin, tại 109 xã phường thị trấn trong tỉnh Sóc Trăng hiện có 642 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình.

V.ĐỨC – C.XUÂN

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doanh-nghiep/chung-tay-tang-quyen-nang-kinh-te-nham-bao-ve-phu-nu-va-tre-em-i741470/