Chung tay tạo nên cộng đồng mạng văn minh

Lợi dụng mạng xã hội (MXH) để đăng tải, chia sẻ, bình luận khiếm nhã, xúc phạm danh dự nhân phẩm... đã gây nên những hệ lụy tiêu cực và trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận. Vì thế, làm thế nào để ứng xử văn minh trên không gian mạng là vấn đề đang rất được quan tâm hiện nay.

Báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với một số chuyên gia truyền thông, nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà báo… để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.

PGS. TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Một số người có thể cảm thấy mình “mạnh mẽ” hơn khi tham gia vào việc tạo ra hoặc lan truyền thông tin tiêu cực”

Xã hội của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn chuyển đổi, ở đó, các tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế cũng được thể hiện trên môi trường mạng. Mạng xã hội lại cung cấp môi trường ẩn danh và không rõ nguồn gốc, thuận lợi để tạo ra và lan truyền thông tin một cách nhanh chóng, nhưng đôi khi không rõ nguồn gốc hoặc người tạo ra nội dung dẫn đến việc lan truyền tin xấu, nội dung rác mà người tạo ra không phải chịu trách nhiệm về nó.

Bên cạnh đó, mạng xã hội có số lượng người dùng khổng lồ, vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý. Sự lan truyền nhanh chóng và tầm ảnh hưởng của thông tin trên mạng xã hội khiến nội dung văn hóa ứng xử không chuẩn mực có thể ảnh hưởng lớn đến đại đa số người dùng. Ngoài ra, một số người có thể tạo ra nội dung không đúng chuẩn mực để gây sự chú ý, tò mò của người khác.

Việc trục lợi từ vật chất hay đơn thuần chỉ thỏa mãn cảm xúc qua đếm các lượt tương tác, chia sẻ, hoặc bình luận có thể thúc đẩy họ tiếp tục hành vi này. Một số người có thể cảm thấy thú vị hoặc cảm thấy mình “mạnh mẽ” hơn khi tham gia vào việc tạo ra hoặc lan truyền thông tin tiêu cực. Cảm giác này có thể xuất phát từ yếu tố tâm lý và xã hội phức tạp.

Về giải pháp, đầu tiên vẫn là cần tăng cường, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về lợi ích, tác hại của sử dụng mạng xã hội. Tạo ra các chiến dịch tuyên truyền, hướng dẫn người dùng về cách phát hiện và đối phó với thông tin giả mạo, tin tức giả, và nội dung không lành mạnh.

Vấn đề nâng cao hơn nữa năng lực kiểm duyệt nội dung cũng vô cùng quan trọng. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần đầu tư hơn nữa vào công nghệ trí tuệ nhân tạo và quản lý nội dung để xác định và xử lý các thông điệp có khả năng gây hại. Các nền tảng mạng xã hội cần có chính sách và công cụ để kiểm soát và loại bỏ nội dung không phù hợp, xúc phạm, và có tính chất tiêu cực.

Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Công ty Le Bros: “Báo chí cần lựa chọn đăng tải nội dung có định hướng”

Câu chuyện văn hóa tấn công chà đạp trên mạng xã hội ở Việt Nam đang trở nên rất nghiêm trọng. Ai cũng cho mình cái quyền được chế nhạo cá nhân người khác. Vì không bị đối diện, người tấn công không có cơ hội đáp trả, do đó một bộ phận lớn cư dân mạng bừa bãi lạm dụng quyền phát ngôn của mình.

Khủng hoảng truyền thông cá nhân đang diễn ra ở mức độ dày đặc, khi chỉ cần một phát ngôn sai sót, cá nhân đó sẽ phải hứng chịu sự tấn công đến từ mạng xã hội và đã có nhiều trường hợp gây ra những hậu quả thảm khốc.

Một sự thật đáng buồn là một số câu chuyện được bắt đầu từ báo chí. Một số cơ quan báo chí lựa chọn đăng tải những nội dung thiếu sự định hướng, thiếu nhân văn và sự bao dung. Những tình tiết có vẻ “xấu xí” được đăng tải làm cho cư dân mạng “thừa nước đục thả câu” bới móc, đâm chọc. Đó là câu chuyện đạo đức người làm báo - không chỉ là trách nhiệm của người viết mà còn là vai trò của những người duyệt bài, những lãnh đạo cơ quan báo chí cần biết tiết chế, cần chọn lựa đăng tải những nội dung có định hướng và có tính xây dựng.

Để xử lý những vụ việc tấn công ồ ạt trên mạng xã hội không phải là việc dễ dàng, để áp dụng các quy định và chế tài rất khó. Câu chuyện này vẫn phụ thuộc vào thái độ hành xử và đạo đức của người sử dụng mạng. Đầu tiên, phải kêu gọi ý thức của mọi người trên mạng đừng a dua, cuốn theo những hành động chà đạp, vô tình, hơn nữa cần biết cách lên án sự tấn công. Về lâu dài các cơ quan quản lý phải đưa ra giải pháp để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này, song hiện nay chưa có những giải pháp phù hợp và khả thi.

Nhà báo - nhà thơ Hữu Việt - Trưởng Ban Văn hóa Văn nghệ - Báo Nhân Dân: “Cần có nhãn quan sắc sảo của người làm báo, chính trực, khách quan”

Mỗi nhà báo đều là người có năng lực truyền thông, mỗi tòa soạn là một cơ quan truyền thông mạnh mẽ. Vì vậy, khi nhà báo và cơ quan báo chí tham gia vào MXH thì tác động đến cộng đồng mạng (cả tích cực lẫn tiêu cực) là rất lớn. Sử dụng MXH để góp phần tạo lập một hệ sinh thái nhân văn lành mạnh, văn minh, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của đời sống, cổ vũ cái thiện, chống lại cái ác, cái xấu xa, tăm tối, theo tôi, là việc mọi netizen nên làm.

Với riêng các nhà báo, tham gia vào MXH với nhãn quan sắc sảo của người làm báo, chính trực, khách quan nhưng tinh tế và hấp dẫn chính là cách sử dụng MXH có hiệu quả nhất.

Việc một số tòa soạn đưa ra quy tắc ứng xử trên MXH với các nhà báo, là sự nhắc nhở về sức ảnh hưởng của nhà báo, về trách nhiệm, sự thận trọng trong “phát ngôn” khi lên mạng theo tôi là cần thiết mà mỗi nhà báo nên “tự răn” mình.

Một tín hiệu vui là nhiều tòa soạn đã tham gia vào MXH như lập fanpage, đưa lên tiktok, instagram… để tiếp cận các thành viên cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ, thông qua thói quen truy cập mạng hiện nay, là một kênh kết nối quan trọng nên được phát huy.

Thạc sĩ Lê Việt Hà - Giảng viên Đại học Văn hóa Hà Nội: “Ngăn chặn những ảnh hưởng xấu từ mạng xã hội đến giới trẻ”

Vấn đề vô cảm và xúc phạm nhau trên môi trường mạng xã hội dường như là chuyện đã và đang diễn ra như hết sức nghiêm trọng, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghệ thông tin hiện đại ngày càng phát triển. Điều quan trọng là mình ngăn cản được những tiêu cực, phát huy được mặt tích cực trên môi trường mạng như thế nào mà thôi.

Ở lĩnh vực nghiêng về giáo dục, chúng tôi thấy vẫn còn những điều chưa phù hợp. Ví dụ bài giảng của thầy cô giáo, khi nói về những phẩm chất, đạo đức lối sống thì không nhiều người xem. Nhưng những thông tin tiêu cực, không tốt về các hot girl, người mẫu, hoa hậu… thì lại nhiều người quan tâm, lượng view, like lớn. Trong khi đó, quảng cáo trên nền tảng mạng chỉ tính tiền dựa trên view nhiều để làm cơ sở chạy quảng cáo.

Tôi cho rằng, bằng cách nào đó, các cơ quan Quản lý cần có những công cụ chọn lọc những thông tin tích cực, và hạn chế những tin tiêu cực. Ngăn chặn những thông tin tiêu cực, phản cảm là điều quan trọng hơn hết. Hiện nay trên thế giới đã có một số nước giới hạn việc các bạn trẻ, đặc biệt là các em học sinh về thời gian sử dụng MXH, chỉ được dùng với thời gian nhất định. Ngặn chặn những video bạo lực, tránh tiếp xúc với game online bạo lực… từ môi trường ảo, tôi nghĩ Việt Nam cũng cần làm mạnh như các nước phát triển.

Thêm vào đó, ngay khi còn học ở bậc tiểu học, các thầy cô cũng cần lồng ghép trong các môn học, để các em nhận thức, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu từ MXH. Đưa ra các tiêu chí cụ thể, những cái nào phù hợp, cái nào không phù hợp để cảnh báo cho học sinh từ khi còn nhỏ.

Đó là những buổi học phát triển kỹ năng mềm, thành lập các câu lạc bộ để các em biết yêu thương, không vô cảm, trân trọng tình cảm gia đình, bạn bè thầy cô, đồng thời nêu rõ những hành vi không nên làm trên môi trường mạng, không chửi bới lăng mạ, xúc phạm người khác… Và mong rằng, báo chí truyền thông cũng góp phần lan tỏa điều ấy, góp tiếng nói để thúc đẩy hơn vấn đề giáo dục giới trẻ về việc ứng xử trên không gian mạng.

Nhà báo Nguyễn Công Khanh - Phụ trách ban Báo Điện tử - Báo Đại Đoàn Kết: “Đưa thông tin có hàm lượng chất xám cao, tạo ra được xu hướng tốt”

Sự phát triển nhanh của Internet và MXH đã trao quyền cho công dân sử dụng nhiều tiện ích, công cụ, có thêm phương tiện để mọi người thể hiện chính kiến, kết nối với nhiều người hơn ở phạm vi lớn hơn. Như trước đây khi mọi người chỉ gửi thư tay cho nhau, phạm vi thông tin chỉ một - một, ở nhóm nhỏ, sau đó là những blog cá nhân, tài khoản chat cá nhân. Nhưng ngày nay với sự phát triển của MXH như: Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, WeChat, TikTok… điều này cho thấy sự bùng nổ thông tin rất lớn.

Một thông tin ít người biết, nhưng ngày hôm nay có thể lan tỏa rất nhanh, một thông tin nhỏ đáng ra chỉ xảy ra trong phạm vi một vài cá nhân, một gia đình, một số nhóm nhưng ngày nay nó trở thành vấn đề chung. Như phản ứng của cộng đồng mạng với hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Ý Nhi, nhiều nhận xét thể hiện tình trạng ứng xử thiếu văn minh của một bộ phận người sử dụng MXH. Người ta sử dụng “thẩm quyền” của MXH để bày tỏ quan điểm rồi muốn nó có sức ảnh hưởng lớn hơn.

Ai cũng muốn thể hiện cá tính, thể hiện cái tôi của mình đối với vấn đề chưa hẳn đã chính xác, vì thực tế những thông tin hình ảnh chúng ta tiếp cận được cũng chỉ là một phần, một góc cạnh nào đó, chúng ta chưa có cái nhìn khách quan tổng thể… Những đánh giá nhận xét thái quá sẽ gây áp lực không cần thiết với đối tượng đang hướng tới, không đặt mình vào hoàn cảnh của họ hay người thân của họ, việc mạt sát thậm tệ mà không nghĩ tới những áp lực tinh thần họ có thể gánh chịu, điều này sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề.

Chúng ta phán xét ai đó trên không gian ảo nhưng nó có thể tồn tại vĩnh viễn trên đó, thậm chí nó có thể khuếch đại hàng ngàn, hàng vạn lần so với suy nghĩ ban đầu của người đăng. Vì thế cần cẩn trọng khi sử dụng, việc đăng tải dễ dàng bằng vài thao tác, trong vài giây nhưng có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều năm sau.

Người dùng mạng cần có thông tin đầy đủ mới có cái nhìn khách quan, đúng mực. Thực tế hiện nay việc sử dụng MXH, phát ngôn trên MXH cũng bị quy chiếu rất cụ thể rõ ràng bằng các bộ quy tắc, bằng các quy định chặt chẽ của pháp luật. Có đủ các Thông tư, Nghị định xử phạt về sử dụng MXH, đây sẽ là những khuyến cáo, đưa mọi người vào khuôn khổ của pháp luật.

Đối với mỗi người làm báo dù làm bất cứ vị trí nào, theo dõi lĩnh vực gì, khi được quyền tiếp cận các nguồn tin, có lợi thế hơn những người sử dụng MXH khác. Nhưng bản chất của việc tiếp cận thông tin đó phải là mục đích phục vụ cho công việc chuyên môn, nhiệm vụ của cơ quan báo chí đó giao phó, tạo ra những tác phẩm báo chí để đạt được hiệu quả tuyên truyền.

Tuy nhiên thực tế nhiều nhà báo sử dụng thông tin đó cho cộng đồng trên MXH, vô tình làm ảnh hưởng lớn đến nghề nghiệp của mình, không qua khâu biên tập nào khác, việc này không phục vụ cho nhiệm vụ cơ quan mà cho cá nhân.

Các nhà báo ít nhiều cũng có uy tín trên môi trường mạng, vì họ có quyền tiếp cận thông tin, một thông tin người làm báo đưa ra sẽ có sức lan tỏa lớn hơn người bình thường, vì người ta tin vào sự xác tín thông tin từ người làm báo. Vì vậy, mỗi nhà báo khi đăng thông tin dù nóng, dù đang được quan tâm cũng cần hết sức cân nhắc, không nên nghĩ mình như người dùng MXH khác, vì như thế sẽ tạo ra hiệu ứng thông tin không tốt. Cần xem xét đưa thông tin đó có lợi cho cộng đồng hay không, có nâng cao được hiệu quả tuyên truyền, đảm bảo tính khách quan không, dù có sử dụng MXH nào, đăng hội nhóm nào đi chăng nữa.

Người làm báo muốn chia sẻ, phân tích bình luận điều gì hãy thông tin qua các bài viết chính thống, có tính khách quan đa chiều, qua những tác phẩm báo chí của mình. Không nên dùng tài khoản MXH ảo để viết, bình luận những thông tin tiêu cực, thiếu tính xây dựng.

Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, người làm báo hoàn toàn có thể tận dụng những lợi thế của MXH để có những bài bình luận, có số liệu thông tin cụ thể, tạo ra góc nhìn mới, điều này cũng bổ ích khi công chúng dễ dàng hấp thụ được những thông tin tích cực. Đăc biệt là các thông tin có hàm lượng chất xám cao, tạo ra được xu hướng tốt trên môi trường mạng.

Lê Tâm - Hòa Giang (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chung-tay-tao-nen-cong-dong-mang-van-minh-post262567.html