Chung tay thực hiện các mục tiêu dân số và phát triển

Năm 2011, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu mức sinh thay thế, với số con trung bình của 1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ dao động từ 2,0 đến dưới 2,2 con. Cùng với đó, tỷ suất sinh thô đã giảm từ 17,22‰ năm 2008 xuống còn 13,05‰ năm 2023 (giảm 4,17‰); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,36% năm 2008 xuống còn 0,8% năm 2023 (giảm 0,56%); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm từ 6,96% xuống còn 3,45%.

Giai đoạn 2021-2023, Cà Mau tiếp tục duy trì các mục tiêu về mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các đối tượng, từng bước đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

Hiện nay, chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh được cải thiện, trên 80% bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp sớm một số bệnh trước sinh, sơ sinh. Theo thống kê, tầm vóc, thể lực của người dân trong tỉnh được cải thiện, chiều cao trung bình của người 18 tuổi trở lên đối với nam đạt 168 cm, nữ đạt 157 cm; tuổi thọ bình quân đạt trên 75 tuổi.

Khám, tư vấn về sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn hiện nay.

Khám, tư vấn về sức khỏe sinh sản đóng vai trò quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng dân số trong giai đoạn hiện nay.

Những năm qua, công tác dân số cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng đã trải qua nhiều biến động, từng bước nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thành tựu này do có sự quan tâm, chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) của Bộ Y tế, Cục Dân số Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là của Ban Chỉ đạo Dân số và Phát triển cấp tỉnh.

Ông Ðỗ Chí Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ tỉnh Cà Mau, thông tin, Cà Mau luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số. Trong đó, tập trung tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức cơ sở đảng, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức và tầng lớp Nhân dân..., nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển. Ðồng thời, giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Có thể nói, công tác dân số và KHHGÐ đã được đẩy mạnh, triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các kênh truyền thông, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội. Nhiều chương trình, đề án phục vụ công tác này được Chính phủ phê duyệt đã mang lại những hiệu quả tích cực đối với công tác dân số và phát triển.

Ðặc biệt, ngày 25/10/2017, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Trong những năm qua, để cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngành dân số cùng các cấp, các ngành đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động trên các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng dân số, phù hợp với yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ, trẻ em cũng là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ, trẻ em cũng là một trong những mục tiêu quan trọng để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh kỷ niệm “30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo năm 1994”, tỉnh Cà Mau tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mở rộng toàn diện nội dung truyền thông, giáo dục cả về quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì mức sinh thay thế, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số, phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới.

Ðặc biệt, tỉnh đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Truyền thông, vận động khơi dậy phong trào trong mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực. Ða dạng hóa các hình thức, phương pháp truyền thông giáo dục phù hợp với các nhóm đối tượng.

Song song đó, tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh. Vận động mọi thanh niên, đặc biệt là những người có nguy cơ cao trước khi kết hôn thực hiện việc tư vấn và khám sức khỏe trước hôn nhân; phụ nữ mang thai thực hiện việc tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh, để mọi trẻ sinh ra đều được tầm soát, chẩn đoán, điều trị sơ sinh.

Cách đây 30 năm, năm 1994, tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) tổ chức ở Cairo, Ai Cập, 179 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã thông qua chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng, cần đặt con người vào vị trí trung tâm và khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa dân số và phát triển.

Với chủ đề “Kỷ niệm 30 năm thực hiện Chương trình hành động Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển Cairo 1994”, Ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay nhằm nhắc nhở mỗi quốc gia cần vạch ra được những kế hoạch, hướng đi phù hợp, kịp thời. Từ đó, triển khai những biện pháp, chính sách đúng đắn góp phần làm giảm sự gia tăng dân số.

Ðăng Khôi

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chung-tay-thuc-hien-cac-muc-tieu-dan-so-va-phat-trien-a33420.html