Chung tay ứng phó hạn hán, thiếu nước

Biến đổi khí hậu, El Nino đang khiến cho tình hình hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn… diễn ra ngày càng phức tạp trên cả nước nói chung và Khánh Hòa nói riêng. Thực hiện những chỉ đạo của Trung ương, cả hệ thống chính trị tỉnh cùng sự đồng hành của người dân đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để ứng phó.

Nguy cơ hạn hán, thiếu nước

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, khu vực tỉnh ít mưa. So với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, lượng mưa từ đầu năm đến nay ở vùng ven biển thiếu hụt 10 - 30%; khu vực vùng núi và phía nam thiếu hụt 30 - 80%. Hiện nay, tổng lượng nước tại 32 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh (29 hồ thủy lợi và 3 hồ thủy điện) là 131,6 triệu m3, đạt 53% so với dung tích toàn bộ; thấp hơn 48 triệu m3 so với cùng kỳ năm 2023. Dự báo từ nay đến tháng 8, lượng mưa tiếp tục ở mức thấp hơn trung bình cùng kỳ nhiều năm.

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một công trình cấp nước ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa).

Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại một công trình cấp nước ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa).

Với diễn biến thời tiết cực đoan, tình hình khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh có khả năng xảy ra, việc cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân có thể bị ảnh hưởng. Cụ thể, khu vực phía bắc tỉnh có khả năng thiếu nước sinh hoạt chủ yếu tại xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) do đây là xã đảo, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung chưa được đầu tư hoàn chỉnh, người dân chủ yếu sử dụng nước từ các giếng khoan do Nhà nước đầu tư, thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô hạn; các xã: Ninh Thượng, Ninh Tân, Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) do xa nguồn nước từ các hồ chứa, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung chưa được đầu tư quy mô, người dân sử dụng nước chủ yếu từ giếng đào, giếng khoan và một số hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, thường xuyên thiếu hụt nước trong mùa khô.

Khu vực phía nam tỉnh có khả năng thiếu nước sinh hoạt chủ yếu tại các xã: Sơn Tân (huyện Cam Lâm), Cam Thịnh Tây, Cam Lập (TP. Cam Ranh), do đây là các địa phương miền núi, bán đảo, không có công trình hồ chứa thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung chưa được đầu tư hoàn chỉnh; người dân chủ yếu sử dụng nước từ các giếng khoan, thường xuyên thiếu hụt nước hoặc nhiễm mặn trong mùa khô.

Tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, nước sinh hoạt cung cấp cho các thị trấn về cơ bản đảm bảo do nguồn nước lấy từ các sông lớn; các xã còn lại có khả năng thiếu nước sinh hoạt khi xảy ra tình trạng hạn hán do nguồn nước chủ yếu lấy từ các suối. TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, nguồn nước sinh hoạt đảm bảo bởi có nguồn nước lấy từ sông Cái.

Hiện nay, nguồn nước của 110 đập dâng trên địa bàn tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào các sông, suối, trong đó một số đập dâng trên sông lớn như: Sông Dinh Ninh Hòa, sông Cái Nha Trang có nguồn nước tương đối đảm bảo. Tuy nhiên, do chưa xây dựng xong nên tại công trình đập ngăn mặn Vĩnh Phương trên sông Cái Nha Trang có khả năng xảy ra tình trạng xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho sinh hoạt của TP. Nha Trang và một số xã của 2 huyện Cam Lâm và Diên Khánh. Đối với các đập dâng khác tập trung tại 2 huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, do thượng nguồn không có hồ chứa để tiếp nước nên có nguy cơ cao bị thiếu nước, hạn hán.

Triển khai thực hiện nhiều giải pháp

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đã cùng với các đơn vị, địa phương triển khai giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, xâm nhập mặn. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm trong sinh hoạt và sản xuất; tăng cường quản lý phân phối và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; lựa chọn các loại cây trồng hợp lý, thực hiện chuyển đổi sang cây trồng khác có nhu cầu nước ít hơn và thời gian ngắn hơn so với trồng lúa; nạo vét hệ thống kênh mương dẫn nước, cửa lấy nước; tu bổ, gia cố các đập dâng, công trình tích trữ nước để chống rò rỉ, thất thoát nước; đào ao, hồ chứa nhỏ để tích trữ nước tại khu vực các huyện miền núi; nâng cấp, đấu nối, mở rộng mạng lưới cấp nước sinh hoạt đến hộ dân. Đối với những vùng lõm không phủ được mạng lưới cấp nước sẽ thực hiện giải pháp chở nước đến cho các hộ dân.

Công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.

Công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.

Đối với sản xuất nông nghiệp, qua thống kê, các địa phương tạm ngừng sản xuất 2.400ha lúa hè thu tại các vùng tưới không đảm bảo cấp nước. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng mới các hồ chứa nước, như: Chà Rang, Sơn Trung, Sông Búng, Sông Cạn, Katơ; sửa chữa, nâng cấp các hồ: Đá Bàn, Am Chúa; khẩn trương hoàn thành công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang.

Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương tiếp tục triển khai công trình chuyển nước đến khu vực thiếu nước (hệ thống tuyến ống hồ chứa nước Sông Chò 1 chuyển nước vào khu vực phía nam tỉnh); tiếp tục xây dựng hồ chứa nước Sông Chò 1; đề xuất đầu tư một số hồ chứa nước, đập dâng khác. Cùng với đó, nghiên cứu, triển khai các giải pháp chuyển nước từ hồ Hoa Sơn ra khu vực Đầm Môn thuộc xã Vạn Thạnh; từ thượng nguồn hồ chứa nước Đá Bàn về tiếp cho hồ chứa nước Đá Đen; từ các hồ Tà Rục, Suối Hành vào khu vực phía nam TP. Cam Ranh; nạo vét, tu bổ các hệ thống kênh mương và đập dâng...

Trong chuỗi sự kiện “Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng hành động vì môi trường hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới và Ngày Môi trường Thế giới năm 2024” vừa diễn ra tại Khánh Hòa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ĐẶNG QUỐC KHÁNH đã kêu gọi các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương, chính quyền các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề hạn hán, sa mạc hóa, góp phần bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, các cấp chính quyền cần nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường điều tra đánh giá thực trạng sa mạc hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu về sa mạc hóa, xây dựng bản đồ hạn hán cho các khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường biển nhằm biến nhận thức thành ý thức tự giác và hành động cụ thể, thiết thực ở mỗi cấp, ngành, doanh nghiệp và từng cá nhân.

CÔNG ĐỊNH - THÁI THỊNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202406/chung-tay-ung-pho-han-han-thieu-nuoc-8b075af/