Chung tay vì một hành trình nhân văn
Vừa qua, tại Hà Nội đã diễn ra sự kiện 'Hành trình tự do và bình đẳng 2023'. Đây là cơ hội để tiếng nói và nguyện vọng của người chuyển giới, đa dạng giới được bày tỏ, nhất là trong bối cảnh dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang có những diễn biến tích cực. Cùng với sự xuất hiện của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), GS Nguyễn Anh Trí - Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật chuyển đổi giới tính đã giúp sự kiện trở thành buổi gặp mặt ý nghĩa.
Người chuyển giới và ước mong “Tờ A4” hạnh phúc
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng là một chiến dịch toàn cầu của Liên Hợp quốc nhằm ủng hộ quyền bình đẳng và được đối xử công bằng của người LGBTIQ+.
Năm 2023, với chủ đề “Tờ A4 - Bắt đầu có hậu”, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng tại Việt Nam hướng tới việc thúc đẩy và tạo ra những bắt đầu có hậu cho người chuyển giới - những người có bản dạng giới khác với giới tính sinh học khi sinh… Bà Pauline Tamesis cũng nhấn mạnh UN luôn mong muốn những cộng đồng nhạy cảm, rủi ro nhất được bảo vệ. Đồng thời bà kêu gọi ủng hộ sự đa dạng giới, đem lại hạnh phúc trọn vẹn hơn cho người chuyển giới, đa dạng giới
Ông Chu Thanh Hà, người sáng lập, thành viên ban điều hành Tổ chức vận động cho quyền của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME cho biết: “Tờ A4” được xây dựng dựa trên dáng hình của một tờ giấy mang tính pháp lý có thể đem lại hạnh phúc trọn vẹn hơn cho người chuyển giới, đa dạng giới hay bất kỳ ai cảm nhận sự hạnh phúc của họ qua tờ giấy này. Nó có thể là tờ giấy công nhận tên mới hay xác nhận là người chuyển đổi giới tính. Hoặc đó là một tờ giấy đăng ký kết hôn hay một thông báo trúng tuyển đại học, việc làm... Mọi dáng hình hạnh phúc có thể liên tưởng qua hình hài của một vật thể mỏng, nhưng chứa đựng trong đó bao nỗ lực, dũng cảm của người chuyển giới”.
Sự kiện lần này đã mở ra không gian thảo luận cởi mở giữa cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới với những chuyên gia, nhà làm luật. Rất nhiều băn khoăn về pháp lý gắn với mưu cầu hạnh phúc, cơ hội việc làm, chăm sóc sức khỏe… đã được người chuyển giới thẳng thắn chia sẻ.
Nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỷ lệ người chuyển giới là từ 0,3% đến 0,5% dân số. Hiện nay, đã có 72 quốc gia thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp bằng việc quy định quyền chuyển đổi giới tính. Trong đó: châu Á có 13/50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công nhận quyền chuyển đổi giới tính để bảo đảm quyền nhân thân chính đáng của các cá nhân trở thành nhu cầu bức thiết.
Theo đó, tại phiên làm việc ngày 2/6, Quốc hội đã quyết định sẽ xem xét, cho ý kiến đối với Dự án luật Chuyển đổi giới tính tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 15, tức là vào tháng 10 năm 2024 và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025)… Đây là sáng kiến lập pháp của ĐBQH Nguyễn Anh Trí. Đối với cộng đồng gần nửa triệu người chuyển giới ở nước ta hiện nay, thì đây là niềm vui to lớn, được mong chờ từ rất lâu.
Như vậy, tính đến năm 2025 là tròn 10 năm thuật ngữ “người chuyển đổi giới tính” được đưa vào Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015. Suốt thời gian trước đó, bên cạnh những khó khăn về mặt tâm lý, xã hội, người chuyển giới phải chung sống với những bất cập về mặt pháp lý như đổi tên và giới tính trên giấy tờ cá nhân. Hạn chế trong giao dịch dân sự, sử dụng dịch vụ công, tiếp cận việc làm, ổn định sinh kế, hôn nhân và gia đình.
Trước thực tế này, từ tháng 7/2023 - 9/2023, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2023 (UN Free and Equal) của Liên Hợp quốc tại Việt Nam đã phối hợp cùng với Tổ chức vận động về quyền của người chuyển giới, đa dạng giới IT’S T TIME và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức một chuỗi các hoạt động nghiên cứu, truyền thông xã hội và kết nối cộng đồng hướng đến việc tạo nên những câu chuyện bắt đầu có hậu về văn hóa - xã hội - pháp lý với cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam.
Sau hơn 3 tháng triển khai, Chiến dịch Tự do và Bình đẳng năm 2023 đã triển khai thành công một số hoạt động. Theo đó, đã phỏng vấn và thu thập hơn 30 câu chuyện đa dạng từ cộng đồng người chuyển giới, đa dạng giới tại Việt Nam.
Những câu chuyện này tập trung ghi lại những trải nghiệm sống và những rào cản mà cộng đồng đang phải đối mặt trong đời sống hàng ngày. Những câu chuyện về khát vọng sống cùng những mong đợi với Dự thảo luật chuyển đổi giới tính của hơn 30 người chuyển giới, đa dạng giới ở những độ tuổi và khu vực địa lý khác nhau.
Bên cạnh đó, chiến dịch truyền thông “Tờ A4 - Bắt đầu có hậu” do các thành viên thuộc cộng đồng chuyển giới, đa dạng giới, LGBIAQ+ và đồng minh thực hiện nhằm lan tỏa những tri thức về quyền và pháp lý liên quan tới dự thảo luật và mở ra những cuộc thảo luận trực tuyến về văn hóa - xã hội - pháp lý xoay quanh đời sống của người chuyển giới, đa dạng giới.
Tờ A4 cũng đã lan tỏa hơn 15 câu chuyện đặc sắc và điển hình thu thập được từ nghiên cứu cộng đồng và phối hợp với một số người có ảnh hưởng (Key Opinion Leaders, Influencers) để lan tỏa những thông điệp tích cực. Hiện tại, chiến dịch đã và đang tiếp cận tới hơn 425.000 người trên các mạng xã hội.
Ngoài ra, Chiến dịch còn có sự kiện kết nối cộng đồng với báo chí, truyền thông “Human Library - Trang sách sống”. Được tổ chức theo hình thức mới mẻ - Thư viện sống, kết nối gần 20 nhà báo với hơn 15 người kể chuyện là người chuyển giới, đa dạng giới - 15 cuốn sách sống với những trải nghiệm đa dạng trong một không gian an toàn và qua những trải nghiệm kết nối chân thành, thẳng thắn.
Và những bước tiến dài
Luật sư Đinh Hồng Hạnh - Thành viên hội đồng cố vấn ICS Center cho biết, nếu như trước năm 2015, những cuộc gọi đến thường là những câu chuyện pháp lý như tên không trùng khớp trong giấy tờ, khó khăn khi nói chuyện với gia đình. Thì nay, người chuyển giới gặp khó khăn về việc kết hôn, việc làm, về tài sản, con cái sau hôn nhân. Có nghĩa đã có một bước đi dài khi người chuyển giới đã sống đúng với bản dạng giới của mình.
Gia đình anh Phương, chị Hương - Đại sứ truyền thông chia sẻ, Phương sinh năm 1994, gia đình anh chỉ gặp vấn đề khi bắt đầu thụ tinh có con, hai đứa trẻ chỉ được khai tên mẹ. Vì không có đăng ký kết hôn, nên khi Phương đưa vợ đi sinh phải phải nhờ bố vợ vào ký cam đoan. Khi Phương đi làm, khách hàng nhìn nhận là người nam nhưng tên vẫn là nữ. Đây là những vấn đề phổ biến mà những cặp hôn nhân chuyển giới đang gặp phải…
Trước sự ngóng đợi của cộng đồng người chuyển giới, ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã chia sẻ những thông tin mới nhất về tiến trình xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Đặc biệt là các chính sách dự kiến sẽ được đưa vào dự thảo Luật sắp tới.
Điều 37 Bộ luật Dân sự 2015 (có hiệu lực từ năm 2017), công dân được chuyển đổi giới tính theo quy định của luật. Dự kiến tháng 5/2025, Quốc hội sẽ thông qua Luật Chuyển đổi giới tính nhằm quy định chi tiết về thủ tục, điều kiện và quy trình chuyển đổi giới tính”.
Dự án Luật chuyển đổi giới tính dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2024. Do đây là dự án Luật khó và nhạy cảm, khối lượng công việc để hoàn thiện dự thảo Luật rất lớn. Cũng vì thế, sự kiện tiếp tục thể hiện sự quyết tâm và đoàn kết của cộng đồng người chuyển giới trong quá trình vận động cho quyền lợi của mình. Chia sẻ với báo chí ngay sau khi dự án Luật Chuyển đổi giới tính được Quốc hội thống nhất đưa vào chương trình xây dựng Luật tại kỳ họp thứ 8, GS Nguyễn Anh Trí bày tỏ vui mừng và cho biết đây là niềm đau đáu của ông trong suốt quá trình xây dựng hồ sơ trình Dự án luật. Mong mỏi lớn nhất của ông là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ những quyền lợi chính đáng của một cộng đồng gần nửa triệu người ở Việt Nam.
Theo GS Nguyễn Anh Trí, dù dự án luật sau khi đổi tên từ “Bản dạng giới” sang “Chuyển đổi giới tính” đã thu hẹp phạm vi và đối tượng tác động. Tuy nhiên với sự kế thừa nhiều thành quả nghiên cứu, tham vấn ý kiến từ dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế xây dựng, cộng đồng người chuyển giới vẫn thêm hy vọng từ hành lang pháp lý đầu tiên này sẽ tiếp tục mở ra những cơ hội mới với họ.
GS Nguyễn Anh Trí bày tỏ, “ tôi có sự đam mê với công việc và tôi có quyết tâm để chung tay góp sức vì hạnh phúc của người chuyển giới. Cộng đồng này có thật và tôi tôn trọng quyền của họ. Các bạn là những con người hoàn toàn bình thường, không bệnh tật đua đòi như một số định kiến trước đây. Trong quy định của dự thảo Luật ưu tiên vào quyền công ăn việc làm, quyền thừa kế, không kỳ thị đánh đập. Và quyết định về y tế, cơ quan nào, bệnh viện nào có thể can thiệp y khoa cho người chuyển giới, thuốc cho người chuyển giới. Phải có quy định để biết bệnh viện nào, thuốc nào được phép đưa vào để dùng, bảo hiểm y tế thanh toán cho người chuyển giới… Những người đã chuyển đổi rồi, làm thủ tục ra sao để họ được đổi tên, sửa giấy khai sinh, ghi lại giới tính? Trong quá trình soạn thảo luật, luật phục vụ thực tiễn phải có người chuyển giới lên tiếng bởi chính các bạn mới biết đích xác cộng đồng của mình, và bản dạng giới tính của mình”…
Với những tín hiệu vui này, cộng đồng người chuyển giới đều sẵn sàng tiếp tục đồng hành đóng góp ý kiến để giúp ĐBQH Nguyễn Anh Trí trên hành trình thúc đẩy sớm ban hành một hành lang pháp lý phù hợp để khẳng định, tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của người chuyển đổi giới tính.
Chiều 20/9, tại Nhà Quốc hội, tại Phiên họp thứ Nhất của Ban soạn thảo dự án Luật Chuyển đổi giới tính, các ý kiến đề nghị tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng dự án luật. Như vậy, sau một thời gian dài đề xuất và xây dựng Tờ trình, thuyết phục Quốc hội về sự cần thiết đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 - việc tổ chức Phiên họp thứ nhất Ban soạn thảo dự án Luật đã đánh dấu một dấu mốc quan trọng không chỉ riêng đối với ĐBQH Nguyễn Anh Trí và các cộng sự, mà còn có ý nghĩa với công tác lập pháp của Quốc hội trong việc đặt nền móng đưa sáng kiến lập pháp đầy nhân văn này thành hiện thực...
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chung-tay-vi-mot-hanh-trinh-nhan-van-post489999.html