'Chung' tiền đập đá tìm ngọc: Cơ quan quản lý yêu cầu TikTok xử lý dấu hiệu hình sự, trốn thuế

Chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ khỏi website, hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.

Trên nền tảng mạng xã hội TikTok hiện nay, xuất hiện nhiều shop online tổ chức các phiên livestream bán đá quý mập mờ thông tin nhưng vô cùng sôi động, hút khách. Các hoạt động này được nhiều chủ shop trưng ra các rổ đá hoặc các ổ đá quý có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu, thậm chí có lượt giao dịch chốt giá lên đến vài trăm triệu đồng để chào mời người chơi tham gia.

Để thực hiện các phiên livestream, các shop sẽ cử một nhân viên giấu mặt và liên tục chào bán các ổ đá hoặc rổ đá thô với một giá nhất định do bên bán đưa ra để người mua xuống tiền. Qua dữ liệu thu thập được từ các phiên livestream chung tiền tìm ngọc cho thấy, các shop công bố chuyển số tiền đến người chơi nhiều tỷ đồng. Ngoài ra, chuyên gia pháp lý cho rằng, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro, giống với hình thức đỏ đen, đánh bạc trá hình trên mạng xã hội.

Để làm rõ hơn về nội dung, hình thức hoạt động, công tác quản lý nhà nước về hoạt động thương mại điện tử, Báo Công Thương có trao đổi với bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Hàng loạt shop tổ chức livestream đập đá tìm ngọc trên TikTok với nhiều thông tin mập mờ, tiềm ẩn rủi ro với người chơi.

Hàng loạt shop tổ chức livestream đập đá tìm ngọc trên TikTok với nhiều thông tin mập mờ, tiềm ẩn rủi ro với người chơi.

PV: Thưa bà, đối với các quy định, chính sách bán hàng trên mạng xã hội hiện nay, các shop phải thực hiện, tuân thủ theo cơ sở pháp lý thế nào?

Bà Lê Thị Hà: Các nền tảng mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử được quản lý như sàn giao dịch thương mại điện tử, người bán trên mạng xã hội phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật về thương mại điện tử tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 52). Ngoài pháp luật về thương mại điện tử, người bán hàng cần tuân thủ các quy định về đăng ký kinh doanh, kê khai thuế và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Pháp luật về thương mại điện tử quy định, chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử phải có các trách nhiệm cụ thể như yêu cầu người bán trên sàn cung cấp thông tin khi sử dụng dịch vụ, đồng thời phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn.

Chủ sở hữu các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng phải thực hiện các biện pháp ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật, hoặc thực hiện các biện pháp gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời có trách nhiệm cung cấp thông tin về đối tượng có dấu hiệu, hành vi vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hoặc nhận được các thông tin nêu trên.

Trước việc các shop tổ chức livestream bán hàng giống trò chơi đỏ đen, đánh bạc công khai trên mạng xã hội TikTok, quan điểm của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số về việc này như thế nào?

Bà Lê Thị Hà: Livestream bán hàng đang là xu thế trên các nền tảng mạng xã hội và dần trở thành phương thức bán hàng tiếp cận người tiêu dùng phổ biến. Hoạt động quản lý livestream trên các nền tảng mạng xã hội đang là vấn đề được cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông quan tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Theo đó, dự thảo đang đề xuất quy định đối với các trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội có tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử. Việc định danh các chủ thể livestream, tăng cường quản lý đối với các hoạt động livestream trên mạng xã hội sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước như thương mại điện tử, thuế, hải quan quản lý hoạt động chuyên ngành hiệu quả.

Việc các shop tổ chức livestream bán hàng giống trò chơi đỏ đen đánh bạc công khai trên mạng xã hội, cần phải có cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá khách quan theo tính chất của vụ việc. Trong trường hợp các bên liên quan xác định các hành vi trên là vi phạm pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp hành chính hoặc hình sự theo thẩm quyền quy định.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương.

Vậy, nếu đây là hành vi có dấu hiệu hình sự, Cục có kiến nghị gì với bên cung cấp nền tảng bán hàng và có yêu cầu, đề nghị gì với TikTok?

Bà Lê Thị Hà: Đối với nền tảng mạng xã hội có hoạt động thương mại điện tử thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 52) có người bán vi phạm quy định pháp luật, Cục sẽ yêu các đơn vị là chủ quản của các nền tảng này thực hiện các biện pháp rà soát và báo cáo tình hình xử lý. Đồng thời, yêu cầu các chủ sở hữu nền tảng này tăng cường kiểm soát nội dung và các hành vi tương tự trên nền tảng của mình và thực hiện các biện pháp ngăn chặn, loại bỏ các nội dung vi phạm pháp luật. Với trường hợp có dấu hiệu hình sự, theo chức năng, nhiệm vụ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan cung cấp thông tin đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều ý kiến cho rằng, với hoạt động livestream "chung" tiền đập đá tìm ngọc này sẽ tiềm ẩn rủi ro, có dấu hiệu trốn thuế. Vậy Cục có kiến nghị gì với cơ quan thuế để thực hiện truy thu thuế?

Bà Lê Thị Hà: Việc tuân thủ nghĩa vụ thuế là bắt buộc đối với tất cả các cá nhân và doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử. Theo quy định tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP: “Tổ chức được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn theo quy định cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử bao gồm: tên người bán hàng, mã số thuế hoặc số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại liên lạc.

Doanh thu bán hàng thông qua chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn. Việc cung cấp thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau, bằng phương thức điện tử, qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do Tổng cục Thuế công bố”; Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ngày 30/10/2022.

Như vậy, chủ các nền tảng phải có trách nhiệm cung cấp thông tin trực tiếp với cơ quan quản lý thuế. Trong công tác phối hợp, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu về TMĐT phục vụ công tác quản lý của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) thống nhất quy chuẩn, tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện hành, tiến tới kết nối hệ thống của hai đơn vị. Bộ cũng đã cung cấp cho Tổng cục Thuế thông tin về 929 sàn giao dịch TMĐT và 284 ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT. Các thông tin bao gồm: MST, tên doanh nghiệp, địa chỉ tên miền, loại sàn, tỉnh/thành phố.

Căn cứ thông tin được cung cấp, Tổng cục Thuế sẽ làm việc với các sàn giao dịch thương mại điện tử để lấy thông tin của người bán nhằm mục đích kiểm tra giao dịch tránh thất thu thuế. Cục khuyến cáo các tổ chức và cá nhân kinh doanh trên mạng tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ kê khai và nộp thuế, tránh các hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng khi tham gia các phiên livestream bán hàng và mua sắm trực tuyến. Livestream đang trở thành hoạt động bán hàng phổ biến, người tiêu dùng đặc biệt lưu ý chỉ mua các hàng hóa, sản phẩm trên các nền tảng đã được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký được công khai tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn).

Người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán và sản phẩm, dịch vụ trước khi quyết định mua hàng. Trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, người tiêu dùng cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương xây dựng cơ chế tiếp nhận kiến nghị và phản hồi trực tuyến đối với người tiêu dùng thông qua Cổng Thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử (www.online.gov.vn) và Tổng đài bảo vệ người tiêu dùng 1800-6838.

Hải Sơn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-tien-dap-da-tim-ngoc-co-quan-quan-ly-yeu-cau-tiktok-xu-ly-dau-hieu-hinh-su-tron-thue-340193.html