Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ (*)

Đó là nguyện vọng ngay từ giây phút đầu tiên của Côn Đảo liên lạc được với đất liền sau khi tự giải phóng ngày 1.5.1975. Để thỏa mãn được nguyện vọng giản dị nhưng vô cùng thiêng liêng đó, các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà lao Côn Đảo đã trải qua những khúc bi tráng, độc nhất vô nhị trong cuộc trường chinh giành độc lập, tự do... cho dân tộc.

Một góc Côn Đảo. Ảnh: Đinh Hùng

Một góc Côn Đảo. Ảnh: Đinh Hùng

Trải qua hàng trăm năm, các thế lực thực dân, đế quốc thống trị đã dựng lên trên khắp đất nước ta dày đặc các trại giam, nhà tù đày đọa các chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước. Song, có lẽ Côn Đảo là chốn lao tù khét tiếng nhất. Bởi đây vừa là “Địa ngục trần gian”, kẻ thù sử dụng đủ các cực hình đày đọa con người, lại vừa có những dấu mốc gắn liền với tiến trình lịch sử cách mạng, kết tinh khí phách của những chiến sĩ anh hùng dù bị giam cầm trong ngục tối, với ý chí: “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao? Muốn nên sự nghiệp lớn/ Tinh thần càng phải cao” (**).

Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, trên con đường tìm kiếm thuộc địa, phương Tây nhòm ngó tới phương Đông, trong đó có Việt Nam. Côn Đảo sớm lọt vào tay thực dân Pháp như một định mệnh. Sau khi chiếm được Côn Đảo, người Pháp nhận ra, đây là nơi lý tưởng để xây dựng nhà tù. Bốn bề mênh mông sóng nước, xa cách đất liền, không có phương tiện thì người tù khó lòng trốn thoát; tù nhân bị đàn áp tàn bạo đến cỡ nào thì tai tiếng cũng không dễ bị lan truyền ra ngoài.

Nhà tù Côn Đảo được thực dân Pháp lập nên năm 1862. Trước đó, chỉ sau 45 ngày chiếm được Côn Đảo chúng đã xây dựng cơ sở giam giữ tạm thời khoảng 200 người. Hệ thống cơ sở giam giữ quy mô gồm những trại giam (banh) và những sở chuyên môn gọi là sở tù.

Mùa thu 1940, nhận được tài liệu của Xứ ủy Nam kỳ, trong đó có Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 11.1939 về giải phóng dân tộc, Chi bộ Côn Đảo đã theo dõi, bắt kịp với tình hình thế giới và trong đất liền, thổi bùng khí thế cách mạng, tự giải phóng, đánh dấu bằng cuộc mít tinh ngày 17.9.1945. Đây là cuộc giải phóng lần thứ nhất, gần 2.000 tù chính trị được trở về tăng cường cán bộ lãnh đạo cho Đảng.

Tháng 4.1946, Pháp đổ bộ tái chiếm Côn Đảo, lập lại nhà tù. Các lực lượng cách mạng trong tù đã lãnh đạo đấu tranh hợp pháp với nhiều hình thức và tổ chức đời sống chính trị, văn hóa, văn nghệ, báo chí trong tù. Biết tù nhân án tử hình học văn hóa, gác ngục đã giễu cợt: “Các anh sắp chết rồi còn học làm gì”. Trả lời: “Nếu không chết thì thành người có ích, còn nếu chết thì chúng tôi cũng phải chết có văn hóa”. Thực hiện Hiệp định Geneve 1954, Côn Đảo đấu tranh đòi Pháp trao trả tù chính trị. Một lần nữa, nhiều chiến sĩ được tôi luyện, trở về gia nhập đội ngũ cách mạng.

Từ 1955, nhà tù Côn Đảo được chuyển giao cho chế độ Sài Gòn. Kế thừa thủ đoạn của Pháp, sự tàn bạo của Mỹ - ngụy đã đạt đến trình độ tinh vi, tàn độc vượt qua mọi giới hạn, là địa ngục của địa ngục, điển hình là vụ “Chuồng cọp Côn Đảo” đầy tai tiếng với những nhân chứng đau thương, từng làm nhức nhối lương tri loài người. Nhưng phong trào đấu tranh ngày càng lên cao và được tổ chức chặt chẽ hơn bao giờ hết với khẩu hiệu “Quyết tâm - Quyết tử - Tự lực - Trường kỳ”.

Sau Hiệp định Paris 1973, phong trào đấu tranh chính trị trên cơ sở pháp lý của Hiệp định kết hợp với đấu tranh vũ trang hạn chế, củng cố lực lượng, chuẩn bị đón thời cơ - ngày giải phóng mà đã biết chắc không còn xa. Trong đó rầm rộ nhất là chống lại âm mưu của kẻ địch đánh tráo tù chính trị thành thường phạm, đòi chúng phải trao trả hết tù chính trị.

Những ngày cuối tháng 4.1975, có một sự im lặng căng thẳng bao trùm nhà tù. Nhưng bầu trời Côn Đảo lại náo loạn các chuyến bay lên xuống sân bay Cỏ Ống, nhiều tàu há mồm cập bến chuyển tiếp người di tản ra các tàu neo đậu ngoài khơi. Lãnh đạo tại chỗ nhận định: Có thể Sài Gòn được giải phóng, phải chớp thời cơ để tự thoát khỏi gông cùm. Tù nhân đồng loạt nổi dậy, thu súng giặc, mở cửa nhà tù, bẻ khóa, đạp tường thoát ra...

Chiều 2.5.1975, Đài vô tuyến điện Côn Đảo chuyển bức điện của Chính quyền cách mạng ở Côn Đảo về đất liền: “Ủy ban Hòa giải hòa hợp dân tộc ở Côn Lôn đã thành lập 7 giờ sáng ngày 1.5.1975. Chúng tôi nhiệt liệt chào mừng thành phố Sài Gòn đã được giải phóng, sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”.

Sóng phát liên tục, đến 15 giờ ngày 3.5 thì liên lạc được với Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Khi được hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, thì đồng chí đại diện cho Côn Đảo ủy xúc động, nghẹn ngào nói: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ!”. Rạng sáng 4.5.1975, tàu V-609 và tàu V-683 Hải quân đưa bộ đội ra đảo, 500 tấm ảnh Bác Hồ được rước về trong niềm vui khôn tả của những người vừa thoát khỏi địa ngục trần gian. Lịch sử Côn Đảo sang trang cùng đất nước đi tới ngày mai huy hoàng.

Mọi người đến Côn Đảo hôm nay không chỉ tận mắt được hoài niệm về sự hào hùng mà còn biết về một trường học cách mạng. Từ đây đã đúc kết sinh động chân lý: Người cộng sản luôn biết tổ chức, lãnh đạo, chiến đấu, rèn luyện và học tập để có cơ hội cống hiến cho Tổ quốc, cho Đảng kính yêu. Côn Đảo trở thành mảnh đất thân yêu, thiêng liêng để mọi người ngưỡng mộ, tưởng nhớ. Tấm gương Côn Đảo là một thứ vàng nung lửa, là đỉnh cao của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Nhân dân ta và của khí tiết cộng sản.

Ngày nay, phát huy lợi thế tự nhiên và sự nỗ lực của đồng bào, đồng chí, Côn Đảo đang vươn mình thành "thiên đường" nghỉ dưỡng, du lịch. Và quan trọng hơn, Côn Đảo luôn vững vàng là Chốt tiền tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ từ phía Nam Tổ quốc.

_________

(*) Theo Lịch sử Nhà tù Côn Đảo, 1862 - 1975, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

(**) Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh.

Nguyễn Duy Nghĩa

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/chung-toi-can-anh-bac-ho--i326087/