'Chúng tôi đã vững tin để hoạch định chiến lược dài hạn!'
Tham dự cuộc gặp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với các doanh nhân tiêu biểu trước thềm ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, Phó Chủ tịch thường trực Hội Dệt may, thêu đan TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean PHẠM VĂN VIỆT cho biết rất vui mừng và vinh dự. 'Cuộc gặp đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho doanh nghiệp, khiến chúng tôi vững tin hoạch định chiến lược dài hạn', ông chia sẻ.
Doanh nghiệp được tiếp thêm niềm tin và động lực
- Là một trong các đại biểu đại diện của Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tham dự cuộc gặp mặt với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra chiều 11.10, ông cảm thấy thế nào?
- Trước hết, tôi cũng như các doanh nhân đại diện của VPBA và của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đều cảm thấy rất vui mừng, hạnh phúc và vinh dự khi được tham dự cuộc gặp mặt đặc biệt ý nghĩa này.
Trong suốt thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp đã luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ Đảng, Nhà nước, thông qua hàng loạt chủ trương, quyết sách quan trọng được ban hành; đặc biệt là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3.6.2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mới đây là Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Có thể ví đây là những văn kiện mang tính lịch sử của giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Cùng với đó, Quốc hội, Chính phủ đã luôn hoàn thiện hệ thống pháp luật, với hàng loạt luật, văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển.
Cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với đại diện doanh nghiệp trước thềm ngày Doanh nhân Việt Nam lần này giúp chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự quan tâm đặc biệt của Trung ương với một trong những lực lượng nòng cốt đóng góp vào sự phát triển đất nước. Cuộc gặp đó đã tiếp thêm niềm tin, động lực cho doanh nghiệp chúng tôi.
- Điều gì trong cuộc gặp đó khiến ông cảm thấy được “tiếp thêm niềm tin, động lực”?
- Trong bài phát biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ doanh nhân, đồng thời rất thấu hiểu cho những khó khăn của các doanh nghiệp. Đó không chỉ là khó khăn về thị trường khi tình hình thế giới bất ổn, mà còn từ nội tại với những rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật, năng lực của các cơ quan quản lý; tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp, nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ định hướng để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Đó là tiếp tục cải cách mạnh mẽ kinh tế và pháp luật, ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành xương sống, mũi nhọn; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng... Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi rất mừng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần nhấn mạnh thông điệp "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" giữa Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh vừa trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dịch bệnh, tình hình thế giới với nhiều biến động phức tạp và khó lường, những chia sẻ, thấu hiểu cùng cam kết từ cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với cộng đồng doanh nghiệp chính là sự động viên tinh thần rất kịp thời, rất ý nghĩa với chúng tôi.
Trên các cơ sở đó, đặc biệt là sau cuộc gặp lần này với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chúng tôi sẽ không chỉ định hướng doanh nghiệp với những mục tiêu ngắn hạn, mà còn vững tin hoạch định cho dài hạn đến 2030, 2045. Bởi như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phát biểu, năm 2045 nước ta có thể trở thành nước công nghiệp phát triển thu nhập cao hay không là nhờ sự gánh vác của đội ngũ doanh nhân trong hôm nay và tương lai.
Phải giải quyết tình trạng “lắng nghe nhiều nhưng tiếp thu ít”
- Nhìn về chặng đường phía trước, để góp phần cụ thể hóa mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, theo ông cần lưu ý điều gì để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển?
- Để đạt được mục tiêu trên, tăng trưởng phải gấp 3 lần hiện nay và đội ngũ doanh nhân cũng phải tăng tốc gấp 3 lần. Hiện, các doanh nghiệp tư nhân của nước ta mới đóng góp khoảng 45% GDP, trong khi ở khu vực và thế giới tỷ lệ này lên tới 87%. Vì thế, để nâng đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, điều chúng tôi rất cần là phải tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. Muốn vậy, các cơ chế chính sách ban hành cần phải sát thực tế hơn nữa.
Hiện, bộ máy của chúng ta đâu đó vẫn chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến tình trạng tiếng nói của doanh nhân vẫn còn ít được lắng nghe ở nhiều cấp nhiều ngành hoặc được lắng nghe nhưng không tiếp thu đáng kể, thực chất; cần phải giải quyết được tình trạng này. Chúng tôi tin rằng, nếu khai thông được điều này chắc chắn sẽ tạo tinh thần mới hỗ trợ doanh nghiệp rất lớn, là động lực để đạt tăng trưởng gấp 3 lần trong vòng 15 - 20 năm tới.
- Riêng với ngành xuất khẩu tỷ đô là dệt may, các doanh nghiệp đang mong chờ điều gì, thưa ông?
- Dự kiến năm nay ngành vẫn có thể đạt mục tiêu xuất khẩu đề ra là 44 tỷ USD, bởi từ tháng 6 - 7.2024, nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng 10 - 15%; nhiều doanh nghiệp cũng đã kín đơn hàng cuối năm nay, thậm chí đến hết quý I năm sau như Việt Thắng Jean. Ngành dệt may cũng đã đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu nhiều năm qua cũng như đóng góp chung vào tăng trưởng đất nước.
Về lâu dài, muốn phát triển, chúng ta cần chuyển từ công nghiệp dệt may sang công nghiệp thời trang. Hiện, Việt Nam đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành trung tâm thời trang của khu vực và hội nhập vào chuỗi thời trang của thế giới. Muốn tận dụng được cơ hội, lợi thế này, chúng tôi rất mong muốn Đảng, Nhà nước sẽ tạo điều kiện về vùng nguyên liệu, sản xuất; thành lập trung tâm thời trang để đào tạo, thiết kế xong bán thử, có bảo tàng thời trang, tạo thương hiệu quốc gia để vươn ra thế giới.
Phát triển xanh, chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc. Đặc thù thời trang lại là ngành chuyển đổi công nghệ nhanh nhất và cao nhất. Để chuyển đổi công nghệ đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, trong khi doanh nghiệp vừa trải qua giai đoạn khó khăn nên không tích lũy được nhiều vốn. Bởi vậy, chúng tôi rất mong được hỗ trợ về vốn cho quá trình chuyển đổi này; đồng thời cần có chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành thời trang sẽ giúp chuyển đổi tốt hơn trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!