'Chúng tôi là lính cứu hỏa'
Đây là chương trình nhằm tôn vinh, biểu dương các tổ chức, cá nhân và cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát PCCC có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC và CNCH nhân dịp Toàn dân PCCC và cũng là ngày Truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC (4-10-1961 - 4-10-2019).
Chương trình “Chúng tôi là lính cứu hỏa” năm 2019, do Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng, phát sóng vào 20h40 ngày 29-9.
Trong thư gửi CBCS PCCC vào năm 1966, Bác Hồ kính yêu đã căn dặn, tất cả các CBCS “phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ trong bất kỳ tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân”. Hơn nửa thế kỷ qua, các chữ “sẵn sàng” - “nhanh chóng” luôn là tinh thần, là mệnh lệnh chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC.
Hơn nửa thập kỷ qua, đã có 28 đồng chí thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH hi sinh khi làm nhiệm vụ.
Điểm ấn tượng mạnh, khiến nhiều đại biểu xúc động rơi nước mắt trong chương trình là nhắc đến kỷ vật, nó rất quen thuộc của các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ CNCH dưới nước nhưng quý giá, đặc biệt đối với gia đình và CBCS của Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Tây Ninh. Bồ độ lặn và ngay trên ngực áo vẫn còn nguyên tên anh - Lành (Trung sỹ Trần Văn Lành).
Viết về chủ nhân của bộ độ lặn này, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã xúc động viết: “Sự hy sinh của đồng chí đã thể hiện tinh thần, phẩm chất của người chiến sỹ CAND – Vì nước quên thân, vì dân quên mình”.
Sáng 27-6, nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Tây Ninh đã phân công 23 chiến sỹ tham gia tìm kiếm nạn nhân ông Trần Văn Mượt tại kênh Đông, thuộc ấp Thuận Lợi, xã Đôn Thuận (huyện Trảng Bàng).
Đến 13h06 cùng ngày, nhóm 5 người, trong đó có Trung sỹ Trần Văn Lành tiếp tục xuống lòng kênh Đông tham gia tìm kiếm nạn nhân. Khoảng 30 phút sau, thấy đồng chí Lành không ngoi lên nên các đồng đội bắt đầu lặn xuống lại kênh để tìm anh.
Khoảng 14h30 cùng ngày, đội thợ lặn tìm được anh Lành đưa lên bờ và đưa đến Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu (Tây Ninh) cấp cứu nhưng anh Lành đã tử vong. Đến 1h30 ngày 28-8, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm được thi thể ông Mượt.
Trong phóng sự của chương trình, bà Ngô Thị Kẻo, mẹ ruột Trung sỹ Trần Văn Lành nghẹn ngào nói: “Mỗi chiều nhớ con, nhiều khi buồn quá mẹ định đi lên đơn vị để thăm nó, rồi lại nhận ra rằng con mình còn đâu nữa mà thăm. Nó hy sinh rồi nên mình cố gắng ráng sống để còn thờ cúng con”...
9 tháng qua, lực lượng Cảnh sát PCCC đã trực tiếp tham gia CNCH hơn 2.300 vụ, cứu được hơn 400 người nhưng cuộc sống vẫn còn đó nhiều hiểm họa và các anh vẫn tiếp tục trọng trách cao cả của mình.
Tại chương trình “Chúng tôi là lính cứu hỏa” đã nhấn mạnh công tác PCCC “4 tại chỗ” là phương châm hàng đầu, nhờ phương châm này mà lực lượng Cảnh sát PCCC đã có rất nhiều sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, sử dụng vật dụng thô sơ là chiếc giỏ sắt mà lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã đưa 41 người vượt dòng lũ dữ an toàn.
Kể lại thời điểm ấy, Trung tá Đoàn Mạnh Toàn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết, trận mưa lớn kéo dài từ tối 7-8 đến trưa 8-8, đã khiến cho nhiều địa bàn ở huyện Lạc Dương ngập chìm trong nước. Lũ nhấn chìm nhiều diện tích rau, hoa màu và làm sạt lở nhiều tuyến đường.
Đặc biệt, có 41 người, đa số là lao động (gồm người già, phụ nữ và trẻ em) đang canh tác rau, hoa trên địa bàn bị mắc kẹt trong vùng lũ. Nhận tin báo, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường, khẩn trương ứng cứu.
Trung tá Đoàn Mạnh Toàn trinh sát nắm tình hình, thì thấy dòng nước lũ quá lớn, cháy xiết, nguy hiểm và trước hình ảnh 41 người dân đang mắc kẹt bên kia các trang trại hô sang với mong muốn là “cứu chúng tôi” nên đồng chí Toàn nhanh chóng xin ý kiến lãnh đạo cấp trên cũng như bàn bạc với Ban chỉ huy tìm các phương án.
“Lúc đầu chúng tôi sử dụng phương án dùng xuồng, ca nô, các phao cứu sinh để tiếp cận người dân. Tuy nhiên, do dòng nước lũ chảy xiết chúng tôi ko thể đi sang được, chúng tôi tính đến phương án dùng sợi dây (vật dụng này có ngay ở trang trại) và 2 sợi dây cáp của người dân và chúng tôi quyết định cố định hai đầu dây làm ròng rọc treo và lồng chiếc giỏ sắt (lồng úp gà) để cứu người” - Trung tá Đoàn Mạnh Toàn cho biết thêm.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho người dân, Trung tá Đoàn Mạnh Toàn cùng đồng đội đã thử nghiệm trước với bao tải chở đồ, 1 số vật dụng khác… cùng với trọng lượng kilogam người dân để đưa sang bờ an toàn, rồi mới áp dụng đưa người già, phụ nữ, trẻ con vào giỏ sắt đưa sông phía dưới là dòng nước lũ đang chảy xiết.
PCCC và CNCH là mặt trận không tiếng súng, đáng chú ý việc chữa cháy ở các đô thị rất khó khăn với những đặc thù riêng vì ở đây thường có mật độ dân cư cao, kết cấu công trình xây dựng phức tạp, nhiều ngõ, hẻm nhỏ.
Ở Hà Nội, hiện có khoảng 200 xưởng sản xuất, kho chứa hàng hóa không bảo đảm về PCCC và gần đây, nhiều người dân đặc biệt quan tâm đến một vụ cháy lớn, xảy ra giữa một địa bàn đông dân thuộc phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, đó là Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty phích nước Rạng Đông) ngày 28-8.
Trực tiếp tham gia chữa cháy, Trung tá Nguyễn Tiến Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội đã kể lại tại chương trình về tiến trình chữa cháy ở Công ty phích nước Rạng Đông: “Khi chúng tôi vừa chữa cháy xong ở Nguyễn Xiển (cháy kho xưởng, Thanh Xuân), khi trên đường về tới đơn vị thì nhận được thông tin của Trung tâm chỉ huy đang có cháy lớn ở Công ty phích nước Rạng Đông. Ngay lập tức, chúng tôi điều động 11 xe chữa cháy tiếp tục đi đến hiện trường vụ cháy, đồng thời báo cáo với Trung tâm chỉ huy và Ban Giám đốc xin chi viện với tổng số gần 60 xe chữa cháy… Quá trình trinh sát nắm tình hình, CBCS báo về, trong khu vực nhà xưởng cháy có 1 bồn gas khoảng 20 tấn, cùng với 1 kho chứa hợp chất thủy ngân, đồng thời có 60 căn hộ của các hộ dân xung quanh, cộng với kho rất lớn của Công ty Động Lực nếu không ngăn chặn được cháy lan thì hiểm họa rất khôn lường”.
Trao đổi về việc chữa cháy, nguy cơ nhiễm hóa chất như thủy ngân, Trung tá Nguyễn Tiến Nam cho hay, khi nhận tin báo cháy, qua quá trình nắm tình hình và công tác điều tra cơ bản về số liệu lưu giữ thì Ban chỉ hủy chữa cháy và CBCS đã biết đối với cơ sở này có sản phẩm chứa hợp chất lưu huỳnh, thủy ngân.
“Tuy nhiên với nhiệm vụ được giao, chúng tôi xác định, lửa còn cháy chúng tôi còn chữa cháy” - Trung tá Nguyễn Tiến Nam nhấn mạnh.
Trên mỗi xe chữa cháy đều có mặt nạ phòng độc dành cho chiến sĩ, tuy nhiên với vụ cháy này thời gian diễn ra dài, số lượng CBCS rất nhiều để phục vụ công tác chữa cháy, do đó phương tiện để bảo hộ cho CBCS trong vụ cháy ở Công ty phích nước Rạng Đông còn thiếu rất nhiều.
Thượng úy Nguyễn Văn Mạnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP Hà Nội, một trong những CBCS bị ngất khi dập lửa chữa cháy tại Công ty phích nước Rạng Đông thông tin, khi đến đám cháy, đồng chí chỉ huy giao nhiệm vụ cho chúng tôi gồm 3 đồng chí vào trinh sát đám cháy.
Trong quá trình trinh sát, chúng tôi triển khai đội hình lăng, đám cháy lan rất to, có nhiều tiếng nổ như pháo, khói dày đặc thậm chí anh em chúng tôi đứng gần đấy nhưng không thể nhìn thấy nhau.
“Suốt 3 tiếng đồng hồ dập lửa, dường như kiệt sức, lúc này phát hiện thấy cấu kiện sập đổ, nhận lệnh anh em chúng tôi ra ngoài. Tuy nhiên, khi gần ra đến nơi, tôi thấy tức ngực, khó thở… tôi nhanh chóng đi ra đến khu vực có y tế cấp cứu chứ không để anh em lo lắng chạy đến” - đồng chí Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Luôn sẵn sàng vượt mọi khó khăn, nhanh chóng dập tắt giặc lửa, cứu người cứu tài sản chính là nguyên tắc thực hiện nhiệm vụ, là truyền thống vẻ vang của lực lượng PCCC và CNCH.