Chung vai gánh vác việc của dân

Bằng những việc làm thiết thực, cụ thể, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh, BĐBP Ninh Thuận đang nỗ lực cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và người có uy tín (NCUT) trên địa bàn chung tay nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó có đồng bào Chăm ở khu vực biên giới biển.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Dinh với sự hỗ trợ tích cực của người có uy tín trên địa bàn đã làm tốt công tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân tại địa phương. Ảnh: CTV

Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Dinh với sự hỗ trợ tích cực của người có uy tín trên địa bàn đã làm tốt công tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân tại địa phương. Ảnh: CTV

Đồn Biên phòng Phước Dinh được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn khu vực biên giới biển của xã An Hải, huyện Ninh Phước và xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Trên địa bàn đồn phụ trách có thôn Tuấn Tú (xã An Hải) là nơi sinh sống bao đời nay của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà Ni, với lễ hội cầu mưa và Tết Ramưwan (ăn chay) nổi tiếng được tổ chức trọng thể vào khoảng tháng 3-4 hằng năm. Đời sống đồng bào Chăm ở xã An Hải còn nhiều khó khăn do nguồn thu chính của bà con từ chăn nuôi và trồng trọt trên vùng đất cát khô hạn.

Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phước Dinh cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trong những năm qua, đồn đã phối hợp với các lực lượng, nắm chắc tình hình, tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh; Huyện ủy, HĐND, UBND hai huyện Ninh Phước và Thuận Nam; cấp ủy, chính quyền hai xã An Hải, Phước Dinh về công tác nắm tình hình, cùng các lực lượng chức năng xử lý tốt các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, làm tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; tích cực tham gia công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị địa phương, thực hiện các chương trình an sinh xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ở khu vực biên giới biển.

Xác định đội ngũ NCUT có vai trò hết sức quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào Chăm tham gia, hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, thời gian qua, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác vận động quần chúng, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Phước Dinh luôn chú trọng phát huy vai trò của NCUT, các chức sắc tôn giáo trong đồng bào DTTS tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh khu vực biên giới biển.

Do đặc thù đồng bào Chăm có truyền thống sinh sống theo cụm dân cư nên vai trò của NCUT là rất quan trọng, lời nói của NCUT với đồng bào rất có trọng lượng. Với vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, đội ngũ người uy tín trong thôn thường xuyên trao đổi tình hình với cán bộ Biên phòng để đơn vị kịp thời xử lý những vụ việc xảy ra trên địa bàn như mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện... Đặc biệt, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của NCUT, Đồn Biên phòng Phước Dinh đã phát động và triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Tỉnh ủy Ninh Thuận về đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, đội ngũ NCUT luôn có ý thức và nhắc nhở các thế hệ phải biết giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, tạo cho thế hệ trẻ có tinh thần trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát triển những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Qua đó, Đồn Biên phòng Phước Dinh và chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện ăn, ở vệ sinh, bài trừ mê tín dị đoan, loại bỏ dần các tập tục lạc hậu như ăn uống nhiều ngày khi có đám tang; thách cưới, tảo hôn, không làm giấy khai sinh cho con hoặc không đăng ký kết hôn; đồng thời vận động đồng bào duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Dinh vận động đồng bào Chăm tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Liên

Cán bộ Đồn Biên phòng Phước Dinh vận động đồng bào Chăm tích cực chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: Phương Liên

Ông Kiều Minh Tiến, dân tộc Chăm, ở thôn Tuấn Tú có 14 năm làm Bí thư chi bộ thôn, NCUT; giữa tháng 6/2022, do cao tuổi, ông mới thôi tham gia việc thôn. Ông Tiến cho biết, bao nhiêu năm làm Bí thư chi bộ là bấy nhiêu năm duy trì mối quan hệ gần gũi, gắn bó với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phước Dinh. Thông qua mối quan hệ đó, bản thân ông nắm được các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước do BĐBP cung cấp để tuyên truyền, vận động bà con trong thôn làm theo, đồng thời kịp thời phản ánh với cán bộ, chiến sĩ của đồn phối hợp giải quyết các vấn đề phức tạp xảy ra trên địa bàn. Nhớ lại những ngày tháng căng thẳng chống dịch Covid-19, ông Tiến và các chức sắc tôn giáo đã sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ BĐBP và chính quyền địa phương vận động đồng bào không tổ chức lễ hội Ramưwan tập trung đông người, vận động 10 gia đình không tổ chức ăn tiệc trong đám cưới của người thân nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Đoàn Xuân Hải, ở xã Phước Dinh nhận xét, các cán bộ BĐBP tiếp xúc với bà con rất thân thiện, gần gũi, nhiệt tình giúp đỡ bà con phát triển kinh tế; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Những gì bà con chưa rõ, chưa hiểu, khi hỏi lại đều được cán bộ BĐBP hướng dẫn chu đáo.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong công tác phối hợp với đội ngũ già làng, trưởng thôn, NCUT, Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cần nắm chắc phong tục, tập quán của đồng bào DTTS trên địa bàn; tìm hiểu về vai trò, vị trí của NCUT đối với đồng bào mà mình cần tuyên truyền, vận động. Một điều hết sức quan trọng khi muốn phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, NCUT là phải quan tâm sâu sắc đến đời sống của họ. Đối với Đồn Biên phòng Phước Dinh, vào dịp Tết Ramưwan, đơn vị đều tổ chức thăm, tặng quà các chức sắc tôn giáo, NCUT để củng cố mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa hai bên. Cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang cũng cần thường xuyên tạo điều kiện cho các chức sắc, đồng bào DTTS sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng theo đúng quy định của pháp luật.

Với những nỗ lực không ngừng, cuộc sống của cộng đồng người Chăm ở địa bàn khu vực biên giới biển do Đồn Biên phòng Phước Dinh phụ trách đang ngày càng tốt đẹp hơn từ sự chung tay của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và NCUT trên địa bàn, góp phần xây đắp thế trận Biên phòng toàn dân vững chắc trên tuyến biên giới biển Ninh Thuận.

Phương Liên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-vai-ganh-vac-viec-cua-dan-post476395.html