Chuộc lỗi với con

Ảnh minh họa: Internet

Đang ăn sáng, bà nghe tiếng kêu sau lưng: Ngoại! Ngoại đánh nó giùm con, nó quậy không chịu ăn nè ngoại!

Mình giống ngáo ộp để mang ra nhát trẻ vậy sao? Nghĩ vậy nhưng bà vẫn quay lại. Trên chiếc bàn dành cho bốn người có ba mẹ bé và bé. Nhìn ông bố trẻ, người đầy dấu xăm trổ ra dáng dân chơi nhưng mặt hiền queo không nói không rằng chỉ cúi đầu chăm chỉ ăn, bà càng thấy buồn cười. Ủa! Mấy cái hình xăm đó không đủ “linh” để dọa bé ư? Sao lại phải nhờ bà già? Người mẹ trẻ nhìn bà nháy mắt. Bà xoay hẳn người khi đôi mắt tròn xoe của bé mở hết cỡ nhìn bà. Đứng dậy đến bên bé, bà vuốt lưng bé, nhỏ nhẹ:

- Bé ngoan ăn đi há! Dễ thương vậy đánh gì được mà đánh!

Bé e thẹn nhìn xuống dĩa ốp la, tay cầm mẩu bánh mì be bé chấm vào rồi đưa lên miệng, xong lại nhìn bà.

Cười với bé, bà nói nhỏ với mẹ bé: Nhẹ nhàng đi bé sẽ vâng lời!

Ông bố ngẩng lên, ngước đôi mắt ngạc nhiên nhìn bà. Có lẽ họ chưa từng được bố mẹ “nhẹ nhàng” khi phạm lỗi. Trở lại với dĩa thức ăn của mình, bà miên man với những kỷ niệm không vui.

Hồi xưa, bà thấy mẹ mình quá hà khắc. Mỗi khi bà làm điều sai như đánh vỡ cái nắp bình trà quý, hoặc mua phải mớ cua đồng đầy trứng cua sắp đẻ trong bụng, bà đều phải nhận những trận đòn “tuốt xác” từ mẹ. Riêng bố thì không bao giờ đánh mà rất nhỏ nhẹ, yêu chiều. Lúc đó, bao nhiêu yêu thương, bà dành hết cho bố. Còn mẹ ư? Bà chỉ muốn đứng thật xa và làm theo mệnh lệnh của mẹ như cái máy. Bà thề nhất định sau này có con, bà sẽ không bao giờ “nghiệt” như mẹ.

Vậy đó! Song đời quả là oái oăm. Khi con còn nhỏ, chẳng bao giờ bà đánh mắng. Dù cuộc sống cơ cực đến mấy, bà vẫn chăm chút cho bé lúc nào cũng lành lặn, xinh xắn nên đi đâu bé cũng nhận được sự ưu ái.

Thế rồi khi có đứa con thứ hai, bị thất nghiệp sau bao biến cố, ghẻ lạnh, bà mắc chứng trầm cảm đến nỗi đêm ngủ toàn thấy ác mộng. Những giấc mơ kinh hoàng vẫn chưa thể giải tỏa nổi tâm lý, khiến có lúc bà nổi điên, quật cán chổi liên hồi vào tấm thân nhỏ bé của con, vừa quật vừa gào thét mỗi khi bé phạm lỗi. Sao lại thế? Sao có thể trút giận lên đứa con mình thề sẽ hết lòng yêu thương, dịu dàng, một cách điên cuồng như vậy?

Nước mắt chảy vào trong, nhưng bà vẫn giương bộ mặt sắt đá lên với con, cứ như không làm vậy bé sẽ tan ra hoặc biến mất khỏi vòng tay của mình. Mãi sau này bà mới biết mình bệnh. Lại cố gắng tìm mọi cách bù đắp, lại nổi điên, lại quát tháo. Không ai hiểu được đằng sau bộ dạng đó là sự sợ hãi mất hết những ruột rà, người thương yêu cuối cùng.

Sợ con hư. Sợ con bị người khác mang đi. Sợ, sợ và sợ! Ngày con tốt nghiệp đại học, bà mới có thể thở phào. Giờ bà đã bạc trắng tóc. Con không cần bà lo nữa.

Nhớ một đêm ba mẹ con nằm trong căn nhà dột, phải phủ bạt nilon lên nóc mùng để không bị ướt khi ngủ, bà đã nói với con: Mẹ không cần con kiếm tiền nuôi mẹ hay báo hiếu bằng tiền. Con làm sao cho cuộc sống con tốt nhất, hạnh phúc nhất là đã hiếu thảo với mẹ lắm rồi, vì lúc đó mẹ không lo, không sợ nữa.

Giờ con tạm gọi là thành đạt. Những cơn mơ ghê gớm không còn trở lại trong giấc ngủ của bà, dẫu những lo toan cho cuộc sống sắp tới của riêng mình vẫn khiến bà trăn trở, nhưng giờ bà không hằn học với người đời nữa. Với mọi đứa trẻ, bà đều thấy lại hình ảnh của con mình thuở xưa. Bà đã lại nhẹ nhàng và đùa vui với chúng, như một cách chuộc lỗi với con mình.

THƯƠNG PHÙNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/250731/chuoc-loi-voi-con.html