Chuỗi hệ thống bán lẻ ở Mỹ rơi vào khó khăn lớn

Theo CNN, những chuỗi cửa hàng lớn tại Mỹ bao gồm Nordstrom, Walmart, Whole Foods, Starbucks và CVS gần đây đã đóng cửa tại một số thành phố lớn của Mỹ, làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tương lai của ngành bán lẻ ở một số trung tâm và khu thương mại lớn của nước này.

Một loạt các cửa hàng bán lẻ đóng cửa

Một số nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra tình trạng tội phạm là lý do chính dẫn đến việc đóng cửa sau rất nhiều video đăng tải trộm cắp trắng trợn. Chuỗi cửa hàng Walgreens cho biết đã chứng kiến tổn thất tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đồng thời nêu rõ tình trạng tội phạm bán lẻ có tổ chức tăng mạnh trước khi quyết định đóng cửa 5 cửa hàng ở thành phố San Francisco vào năm 2021.

Tuy nhiên, việc đóng cửa hàng không phải là hiện tượng gần đây mà đã có từ trước. Theo nghiên cứu từ Viện JPMorgan Chase, các thành phố San Francisco, Los Angeles, San Diego, New York, Seattle, Miami và Chicago đã đóng nhiều cửa hàng bán lẻ từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2021.

Các chuyên gia cũng có ý kiến rằng việc đóng cửa hàng không phải chỉ vì về vấn đề tội phạm mà lý do khách quan nhất là sự dư thừa các cửa hàng ở Mỹ. Theo ngân hàng Morgan Stanley, từ năm 1995 đến năm 2021, số cửa hàng đóng cửa nhiều hơn số cửa hàng mở ra trong một năm. Xu hướng này trở nên phổ biến với tên gọi "ngày tận thế bán lẻ".

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Nguyên nhân chính khiến các chuỗi cửa hàng này bị đẩy ra khỏi trung tâm thành phố bao gồm: tình trạng dư thừa cửa hàng, số lượng lớn người dân làm việc tại nhà, mua sắm trực tuyến tăng, giá thuê nhà "cắt cổ", tình trạng tội phạm cao và các mối lo ngại về an toàn công cộng cũng như khó tuyển dụng nhân công.

Ông Terry Shook, một đối tác sáng lập của công ty tư vấn Shook Kelly cho biết một khi những thành phố này trở thành những khu dân cư đô thị thực sự thì bạn sẽ thấy hoạt động bán lẻ quay trở lại theo những cách thức khác nhau. Vì vậy, cách thức các nhà hoạch định chính sách triển khai đối với hoạt động bán lẻ sẽ rất quan trọng đối với sức khỏe tài chính của thành phố và nền kinh tế khu vực.

Làm việc từ xa

Ngay cả những cửa hàng ở trung tâm thành phố cũng rất ít người mua sắm. Xu hướng chuyển đổi sang làm việc từ xa do đại dịch Covid-19 đã ảnh hướng đến điều này. Theo Cục điều tra dân số, từ năm 2019 đến năm 2021, số lượng người chủ yếu làm việc tại nhà đã tăng gấp 3 lần từ khoảng 9 triệu người lên 27,6 triệu người. Việc gia tăng việc làm từ xa đã khiến nhu cầu mua sắm ở trung tâm thành phố - vốn được thiết kế để phục vụ cho nhân viên văn phòng đi lại hàng ngày – giảm dần đi.

Ông Nicholas Bloom - nhà kinh tế của Đại học Stanford cho rằng một nhân viên văn phòng điển hình hiện đang chi tiêu giảm đi khoảng 2.000 đến 4.600 đô la mỗi năm ở các trung tâm thành phố. Chuyên gia Nicholas Bloom khẳng định người dân đang chuyển khoản chi tiêu này từ trung tâm thành phố sang các vùng ngoại ô với ước tính khoảng 1 triệu người đã rời khỏi trung tâm thành phố trong suốt đại dịch. Và các nhà bán lẻ cũng bắt theo xu hướng này.

Viện JPMorgan Chase cho biết người dân đã rời ra khỏi các thành phố đắt đỏ như San Francisco và New York để đến các thành phố chi tiêu rẻ hơn ở Vành đai Mặt trời như Phoenix và Houston.

Xu hướng mua hàng trực tuyến

Các cửa hàng bán lẻ cũng chịu áp lực khi người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến. Theo Cục điều tra dân số, thương mại điện tử chiếm 14,7% tổng doanh số bán lẻ trong quý cuối cùng của năm 2022. Đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ đó. Ông Jonathan Bowles, Giám đốc điều hành của Trung tâm Tương lai Đô thị, một tổ chức nghiên cứu chính sách công cho biết các cửa hàng quần áo, giày dép, phụ kiện, vitamin và đồ điện tử đang trở nên "ế ẩm" vì vắng khách hàng. Và mặc dù tội phạm không phải là nguyên nhân lớn nhất trong nhiều trường hợp nhưng mức độ trộm cắp cao hơn cũng như các tổn thất khác đã gây ra một số thiệt hại lớn. Theo khảo sát hàng năm của Liên đoàn bán lẻ quốc gia đối với khoảng 60 công ty thành viên bán lẻ, mức thu hẹp bán lẻ đạt 94,5 tỷ đô la vào năm 2021, tăng 53% so với năm 2019.

Cuối cùng là áp lực tuyển dụng nhân viên với mức lương cao hơn trong khi giá thuê nhà quá đắt ở các thành phố đã góp phần khiến các cửa hàng bán lẻ buộc đóng cửa.

Tuy nhiên, hiện chưa có cách khắc phục để làm chậm quá trình di cư của các chuỗi bán lẻ khỏi các thành phố. Các chuyên gia cho biết, việc thay thế Nordstrom bằng một cửa hàng bách hóa khác hay hoán đổi CVS cho một chuỗi cửa hàng thuốc khác không được xem là giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề trên.

"Đây là một vấn đề thực sự khó khăn đối với các thành phố và các nhà phát triển kinh tế. Làm thế nào để tạo ra những khu dân cư sống, làm việc và vui chơi? Đây là câu hỏi trước đại dịch, nhưng bây giờ nó trở nên quan trọng hơn", Chris Wheat, Chủ tịch của Viện JPMorgan Chase cho biết./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chuoi-he-thong-ban-le-o-my-roi-vao-kho-khan-lon-20230515094330655.htm