Chuỗi sự kiện văn hóa đặc sắc 'Ai nhớ Tố Như…'

'Ai nhớ Tố Như…' - chuỗi sự kiện văn hóa đặc sắc do MaiHaBooks tổ chức diễn ra trong 03 ngày (từ 29/10/2020 đến 31/10/2020) tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội). Đây là sự kiện văn hóa đặc biệt, kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du (1820 - 2020).

Chuỗi sự kiện “Ai nhớ Tố Như..” gồm có: Tọa đàm Kiều trong cuộc sống hôm nay”; Trưng bày thư, họa về thơ Nguyễn Du và Truyện Kiều cùng kỹ nghệ giấy dó truyền thống Việt Nam; “Giới thiệu thư họa Kiều của Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn – Thư pháp gia Châu Hải Đường”...

Bộ sưu tập sách về Nguyễn Du và Truyện Kiều độc đáo.

Bộ sưu tập sách về Nguyễn Du và Truyện Kiều độc đáo.

Sự kiện diễn trong không gian trưng bày Bộ sưu tập "Thư và Họa" về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Đây là bộ sưu tập công phu với hàng trăm ấn phẩm là các phiên bản “Truyện Kiều” khác nhau qua các thời kỳ (từ năm 1914 đến nay) và các tác phẩm tiêu biểu khác của Nguyễn Du; cùng hơn 40 bức họa Truyện Kiều của các họa sỹ trong và ngoài nước.

Các khách mời trong Tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay”

Các khách mời trong Tọa đàm "Kiều trong cuộc sống hôm nay”

Đồng thời, trong khuôn khổ sự kiện, MaiHaBooks mắt quý độc giả 3 tác phẩm đặc sắc: Kim Vân Kiều (tái bản theo bản in 1951), Lãm Thúy Tập và Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Trong đó, Kim Vân Kiều tái bản theo bản in năm 1951 - bản Kiều được xem là mỹ thuật và công phu nhất thế kỷ trước sẽ thỏa mãn các độc giả yêu thích sự thể hiện mỹ thuật về Truyện Kiều; Lãm Thúy Tập ngâm ngợi lời thơ mỹ lệ của Kiều để lẩy lên những ý tình sâu lắng của người, của đời, của cảnh.

3 tác phẩm Kiều đặc sắc suy ngẫm nhân sinh về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều.

3 tác phẩm Kiều đặc sắc suy ngẫm nhân sinh về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều.

Và cuối cùng Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du lại ngân lên những áng văn tinh tế, hào hoa mà chân thực, trữ tình, chất chứa bao suy ngẫm rất nhân sinh về Truyện Kiều, về cuộc đời, nhân tình thế thái quanh nàng Kiều…

Các tác phẩm trong bộ sưu tập "Thơ và Họa" được trưng bày tại "Ai nhớ Tố Như..."

Các tác phẩm trong bộ sưu tập "Thơ và Họa" được trưng bày tại "Ai nhớ Tố Như..."

Tham dự sự kiện có các học giả, nhà nghiên cứu tên tuổi về Nguyễn Du và “Truyện Kiều” cùng các nghệ sĩ nổi tiếng say mê thi phẩm của Nguyễn Du như PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn, họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn,nhà thơ Vương Trọng, dịch giả và thi pháp gia Châu Hải Đường, nhà nghiên cứu Phật học và thi pháp gia Thiền Phong, họa sĩ Ngọc Dân…

Các nhà thư pháp "múa bút" trong "Ai nhớ Tố Như..."

Các nhà thư pháp "múa bút" trong "Ai nhớ Tố Như..."

PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn chia sẻ, các tác phẩm này rất có ý nghĩa và cần thiết, vì từ giai đoạn đổi mới đến nay các giá trị văn chương cổ đại ngày càng được đưa tới công chúng nhiều hơn. Người biên soạn các tác phẩm này có tư duy chính xác. Tôi nghĩ Truyện Kiều là di sản của Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi cho các thế hệ từ những người 15 tuổi đến 70,80 tuổi càng đọc càng ngẫm ra nhiều điều, thấm thía được kiếp người.

Với mỗi cấp học khác nhau sẽ có những cách suy nghĩ khác nhau khi đọc Truyện Kiều. Đối với học sinh, khi đọc Truyện Kiều sẽ có nhiều câu hỏi như vì sao tà tà bóng ngả về Tây mà không phải về phía Đông. Ngày nay văn hóa đọc cũng đang có xu hướng được nhân rộng nhiều hơn và mong rằng càng ngày càng có nhiều người say đắm với Truyện Kiều.

Bảo Châu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nghe-thuat/chuoi-su-kien-van-hoa-dac-sac-ai-nho-to-nhu-553160.html