Chương trình 07-CTr/TU: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng tiện ích cho người dân Thủ đô
Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình số 07 của Thành ủy đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Đây chính là nền tảng quan trọng cho việc phát triển KHCN&ĐMST Thủ đô giai đoạn 2025 – 2030.

Quang cảnh lễ tổng kết. (ảnh Thanh Hải)
Sáng 3/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 07) tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 07 chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Dự hội nghị còn có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Minh Hải; Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực
Chương trình số 07 của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025 là một trong 10 Chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII.
Trong hơn 4 năm qua, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Các cấp, các ngành cũng đã quan tâm triển khai nhiều nhiệm vụ về KHCN&ĐMST, qua đó tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô.
Kết quả, Chương trình số 07 đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và tăng cường năng lực cạnh tranh của Thủ đô. Với những thành tựu đã đạt được, Chương trình đã tạo ra nền tảng quan trọng cho việc phát triển KHCN&ĐMST trong giai đoạn 2025 – 2030.
Hà Nội đã khẳng định được vị thế trung tâm hàng đầu cả nước về KHCN&ĐMST, luôn đứng trong nhóm dẫn đầu về nhiều chỉ tiêu, chỉ số như: số lượng công bố quốc tế; số lượng sáng chế đăng ký và được cấp; số lượng doanh nghiệp KHCN.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 07 phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (ảnh: Thanh Hải).
Đã có 4/7 chỉ tiêu của Chương trình hoàn thành. Giai đoạn 2021-2023, tỷ trọng đóng góp của TFP trong tăng trưởng GRDP đạt trung bình 52,39% và luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Hà Nội có hai năm liên tục đứng đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, thành phố (PII) năm 2023, 2024…
Đối với các chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp; tỷ trọng kinh tế số tuy chưa hoàn thành nhưng do yếu tố khách quan và cũng đều đạt mức cao so với bình quân của cả nước.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ; điển hình trong sản xuất nông nghiệp: ứng dụng công nghệ sinh học trong việc sản xuất các loại giống cây, con, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đã tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Các hoạt động phát triển thị trường KHCN, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, DN T.Ư, thành phố và các địa phương khác trong cả nước.
Hoạt động chuyển đổi số được triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đã tạo dựng được hạ tầng số, phát triển nền tảng số, đào tạo nhân lực số để làm cơ sở vững chắc cho chuyển đổi số của thành phố.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đã được xây dựng và đưa vào vận hành tại 100% các cơ quan nhà nước TP, được kết nối với 20 hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, quốc gia, cơ bản đáp ứng đầy đủ các chức năng, tính năng theo quy định, đặc biệt là các yêu cầu mới về xác thực điện tử cho công dân và DN. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan Nhà nước TP Hà Nội tiếp tục được duy trì, nâng cấp, bổ sung, hoàn thiện.
Triển khai ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) giúp người dân, DN có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực; tạo đột phát về chuyển đổi số. Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai nhiều tiện ích số khác cho người dân như: cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VneID, Ứng dụng Thẻ vé giao thông Hà Nội... bước đầu thu được nhiều hiệu ứng tích cực, hướng tới mở rộng toàn địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 07 phát biểu tại hội nghị. (ảnh: Thanh Hải).
Hướng tới mục tiêu thành trung tâm ĐMST hàng đầu Đông Nam Á
Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Chương trình 07 sẽ là Chương trình nối tiếp, không chỉ dừng lại ở một nhiệm kỳ. Chưa bao giờ ĐMST và chuyển đổi số lại thuận lợi như thời điểm bây giờ, với đủ cơ sở pháp lý, thể chế rất thuận lợi. Do đó, Chương trình hành động giai đoạn 2026 - 2030 phải kế thừa, phát huy thành quả của Chương trình 07 giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phát triển của Thủ đô trong bối cảnh mới.
Mục tiêu tổng quát đó là phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số trở thành động lực chính phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành TP thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Hà Nội cần hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm đến hấp dẫn đối với các DN công nghệ cao, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực đầu tư là những yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu này.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tặng Bằng khen của Thành ủy Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 07. (ảnh: Thanh Hải).
Để đạt được những mục tiêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn nêu ra 5 nhóm giải pháp đột phá: đột phá về nhận thức và thể chế; đột phá về đầu tư, phát triển hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đột phá về phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; đột phá về chuyển đổi số, ứng dụng KHCN&ĐMST trong hoạt động của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị TP; đột phá nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong DN. Cùng với đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định lại tầm quan trọng của KHCN&ĐMST và chuyển đổi số, đây là hướng đi tất yếu, không có điểm dừng. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP đã xác định, đẩy mạnh phát triển KHCN&ĐMST là một trong 3 khâu đột phá chiến lược nhằm phát triển bền vững Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045.
Đánh giá về kết quả của Chương trình 07 sau hơn 4 năm triển khai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, thành công nhất chính là sự thay đổi nhận thức về KHCN&ĐMST của cấp ủy, chính quyền, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu từng bước được nâng lên. Thành công thứ 2, đó là Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về nhiều chỉ số liên quan đến KHCN và chuyển đổi số trên địa bàn TP. Cùng với đó, phát triển KHCN và chuyển đổi số đã góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của theo hướng tích cực, đó là theo hướng dịch vụ, hiện đại. KHCN đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao, nhất là trong cải cách hành chính, công tác chăm lo giúp, hỗ trợ giúp đỡ cho người dân và DN.

Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản tặng Bằng khen cho các cá nhân nhiều đóng góp trong Chương trình 07. (ảnh: Thanh Hải).
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị cần tiếp tục nỗ lực cố gắng hoàn thành mục tiêu của Chương trình 07 đã chỉ ra. Đồng thời, phải nhận thức rõ hơn tiềm năng, lợi thế và trách nhiệm của Thủ đô với cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đây không chỉ là giải pháp mang tính quyết định với Hà Nội, mà còn cần triển khai thực sự hiệu quả.
Song song vớ đó, cần tập trung mọi nguồn lực của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu để cụ thể hóa Luật thủ đô, những vấn đề liên quan đến KHCN của Hà Nội, để có thể phát triển trong thực tiễn; phát triển các khu công nghệ cao, khu công nghệ sinh học… Mặt khác, phải nhanh chóng xây dựng được mạng lưới chuyên gia nhà khoa học, tổ giúp việc đủ sức ở cả trong và ngoài nước; phát triển quỹ phát triển khoa học công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Nhân dịp này Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen cho 10 tập thể; UBND TP tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 9 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình 07.