Chương trình CPRP làm đổi thay diện mạo huyện 'cửa ngõ' phía Tây

Từ năm 2015, huyện Hoàng Su Phì là một trong 5 huyện của tỉnh được triển khai 'Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa' (CPRP) tại địa bàn 8 xã, gồm: Nậm Ty, Hồ Thầu, Túng Sán, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Tụ Nhân, Chiến Phố, Pố Lồ; đây là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện. Đến hết năm 2019, toàn huyện có trên 4.700 hộ với hơn 23.400 khẩu ở 8 xã trên được hưởng lợi trực tiếp; trong đó, hơn 1.000 hộ đã thoát nghèo. Đây chính là những con số ấn tượng góp phần không nhỏ của huyện Hoàng Su Phì vào thành tích xóa đói, giảm nghèo chung của tỉnh. Cùng đó, hết năm 2019, có trên 4.600 hộ tại 30 xã của 5 huyện trên địa bàn tỉnh triển khai Chương trình CPRP đã thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo 30 xã giảm được 23,78% so với năm 2015…

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình CPRP, các tuyến đường liên thôn xã Nậm Ty được bê tông hóa.

Từ nguồn hỗ trợ của Chương trình CPRP, các tuyến đường liên thôn xã Nậm Ty được bê tông hóa.

Sau gần 5 năm triển khai, chương trình đã, đang đem lại diện mạo mới cho vùng đất miền Tây đầy khó khăn này; giờ đây, cơ sở hạ tầng nông thôn dần được hoàn thiện, tư duy sản xuất của người dân có sự thay đổi tích cực; các mối liên kết trong sản xuất cũng được hình thành... Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; Chương trình CPRP đã giúp người dân tiếp cận được kiến thức mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả giúp tăng thu nhập và cải thiện đời sống của mỗi hộ dân. Với mục tiêu của chương trình hướng tới chính là hộ nghèo, cận nghèo và đảm bảo tính bền vững; các xã trong vùng dự án đã, đang thực hiện tốt theo đúng lộ trình đề ra.

Từ năm 2015 đến nay, Chương trình CPRP đã đầu tư 10 tỷ đồng hỗ trợ cho các nhóm cùng sở thích trên địa bàn xã Nậm Ty, với hơn 170 thành viên tham gia. Các nhóm đã sử dụng nguồn vốn hiệu quả, phù hợp với lĩnh vực sản xuất hay thực hiện cho vay có thu hồi; tạo điều kiện cho các thành viên trong nhóm mua vật tư, phân bón, cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi và làm chuồng trại… Đồng thời, chương trình cũng triển khai nhiều hợp phần đầu tư khác nhằm tạo sự đồng bộ thúc đẩy sản xuất hàng hóa, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX đầu tư thiết bị hiện đại, mở rộng sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân; hỗ trợ các địa phương xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, xây dựng quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; đầu tư đường giao thông nông thôn… Có nguồn vốn, các nhóm cùng sở thích đã đi vào hoạt động hiệu quả dưới sự chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành, được tập huấn về khoa học kỹ thuật. Đồng chí Vũ Thế Phương, Chánh văn phòng UBND huyện Hoàng Su Phì, Tổ phó Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện, cho biết: “Thời gian qua, Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP của huyện đã tích cực phối hợp với các xã xây dựng kế hoạch nâng cấp chuỗi giá trị cấp xã (VCAP) về các loại cây trồng, vật nuôi và làm đường bê tông nông thôn; qua đó thúc đẩy lao động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả... Chương trình đã có những tác động mạnh mẽ đến việc tổ chức lại sản xuất cho nông dân; các mối liên kết trong sản xuất dần được hình thành; cùng với các nguồn vốn đầu tư khác, ngày càng làm cho bộ mặt nông thôn được đổi thay tích cực”.

Cũng như các xã khác được hưởng lợi từ chương trình, Pố Lồ là xã biên giới và nằm trong diện đặc biệt khó khăn; với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên 70%, thu nhập bình quân chỉ đạt 11 triệu/người/năm. Từ năm 2016 đến nay, được hỗ trợ vốn, xã đã thành lập 24 nhóm sở thích phát triển kinh tế với gần 300 hộ nghèo, cận nghèo tham gia; mỗi nhóm được chương trình hỗ trợ trên 100 triệu đồng. Thực tế cho thấy, Chương trình CPRP được triển khai đã có những tác động tích cực về mọi mặt; người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập và ổn định cuộc sống hơn so với trước. Sau gần 5 năm triểu khai chương trình trên địa bàn xã, 100% tuyến đường giao thông đến trung tâm thôn được bê tông hóa; thu nhập bình quân của xã năm 2019 đạt trên 22 triệu đồng/người/năm.

Hồ Thầu cũng là một trong 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp và tập trung ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Sau gần 5 năm triển khai, chương trình đã đem lại diện mạo mới cho xã; cơ sở hạ tầng nông thôn dần được hoàn thiện, tư duy sản xuất của người dân đã có sự thay đổi tích cực, các mối liên kết trong sản xuất dần được hình thành.

Từ những kết quả nổi bật của Chương trình CPRP trên địa bàn huyện, có thể khẳng định: Với những nội dung thiết thực, mang tính thực tiễn cao, Chương trình CPRP đã, đang tạo nhiều dấu ấn trong phát triển KT-XH tại các xã đặc biệt khó khăn của huyện; góp phần giúp người dân có thêm cơ hội xóa đói, giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển KT – XH ở địa phương ngày một bền vững...

Bài, ảnh: Phi Anh

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202006/chuong-trinh-cprp-lam-doi-thay-dien-mao-huyen-cua-ngo-phia-tay-761062/