Chương trình dạy Toán bằng tiếng Anh trường công: Đừng đẩy phụ huynh vào cảnh tự nguyện mà như ép buộc
Với danh nghĩa liên kết nhưng thực chất là dạy thêm, học thêm trá hình, nhiều công ty đã móc nối với các trường công đưa chương trình ngoại khóa vào các giờ chính khóa gây tốn kém chi phí cho phụ huynh, quá tải học tập với học sinh.
Chương trình liên kết ngoại ngữ đang tăng thêm gánh nặng với phụ huynh
Hiện nay, tại các nhà trường phổ thông đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS các nhà trường đua nhau mở liên kết với các trung tâm ngoại ngữ, các công ty bên ngoài để tổ chức dạy thêm, học thêm tiếng Anh, toán Tiếng Anh và nhiều môn khoa học khác để thu tiền từ phụ huynh học sinh.
Trong bối cảnh hiện nay, việc mở rộng thêm các chương trình học khiến cho chi phí học tập leo thang, đè nặng lên vai phụ huynh và học sinh.
Điều đáng bàn, những chương trình học tập liên kết như trên hiện có rất nhiều trên các nền tảng trực tuyến.
Nếu học sinh và phụ huynh có nhu cầu học họ đều có thể theo học miễn phí hoặc có phí nhưng rất thấp.
Học sinh chơi điện tử trong giờ tiếng Anh liên kết (ảnh TL).
Anh Trần Ngọc Thành ở quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng, chương trình phổ thông vốn đã quá tải, trong khi học sinh cần được vui chơi nhiều hơn, trẻ vận động nhiều mới thông minh.
Vì thế không nên đưa vào trường công các chương trình dạy học ngoài các chương trình phổ thông.
Theo anh Trần Ngọc Thành, hiện nay học sinh tiếp cận với ngoại ngữ và các nền tảng học tập trực tuyến rất dễ dàng vì thế nên xóa các hình thức học tập liên kết ngoại ngữ, dạy toán bằng tiếng Anh, dạy khoa học bằng tiếng Anh mang tính “cưỡi ngựa xem hoa” trong các trường công.
"Dịch COVID-19 đang khiến nhiều phụ huynh rơi vào cảnh thu nhập bị giảm sút, trong khi giá xăng tăng cao đang kéo theo nhiều chi phí khác tăng đè nặng lên vai phụ huynh.
Trong năm học mới tôi mong là các loại hình dạy học ăn theo trường công kiểu “bán bia kèm lạc” như liên kết ngoại ngữ, dạy Toán bằng Tiếng Anh, dạy ngôn ngữ khoa học bằng tiếng Anh phải sớm dẹp hết” – anh Trần Ngọc Thành mong muốn.
Ngoài ra vị này còn cho rằng, chương trình phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đầy đủ các môn học cần thiết.
Vì thế trong trường công không nên có bất cứ một chương trình học tập nào khác nữa khiến công việc học tập của các em thêm phần áp lực.
Đồng quan điểm, chị Nguyễn Thị Phượng ở Hà Đông thì cho rằng, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học sinh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kỳ hình thức nào.
Thì việc chào mời phụ huynh đăng ký cho con mua thêm các tài liệu học tập tiếng Anh liên kết, Toán tiếng Anh liên kết, các môn khoa học khác bằng tiếng Anh cũng là vi phạm theo quy định này của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Tốt nhất là dừng hết các hình thức đào tạo liên kết tại các trường công lập. Trường công chỉ dạy chương trình phổ thông.
Dạy đúng và đáp ứng mục tiêu của chương trình phổ thông đã là một nhiệm vụ khó khăn không nên thêm các chương trình dạy học chưa được kiểm chứng” – chị Nguyễn Thị Phượng nêu ý kiến.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trong các trường tiểu học, THCS ở Hà Nội lợi dụng học sinh còn nhỏ tuổi, chưa nắm bắt được nhu cầu học tập tự thân, tâm lý phụ huynh ai cũng muốn con mình giỏi giang nên cùng các trung tâm dạy thêm lôi kéo, tổ chức dạy học tiếng Anh, toán tiếng anh, các môn khoa học khác bằng tiếng Anh trong các nhà trường.
Về dạy liên kết ngoại ngữ, dạy toán bằng tiếng Anh theo tìm hiểu của phóng viên hiện có đến hàng chục đơn vị tham gia, phổ biến nhất phải kể đến đơn vị như Trung tâm tiếng Anh Bình Minh, Ismart của Tập đoàn giáo dục Equest …Đây là những đơn vị thâu tóm phần lớn thị phần dạy tiếng Anh, toán Tiếng Anh trong các trường phổ thông tại Hà Nội hiện nay.
Học sinh cần có nhiều thời gian để vui chơi
Bàn về vấn đề dạy thêm chương trình liên kết tiếng Anh, Toán bằng tiếng Anh trong các trường phổ thông, đặc biệt đối với bậc Tiểu học, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết Tổng Chủ biên Chương trình phổ thông mới cho rằng không cần thiết và đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn hướng dẫn các trường sử dụng thời gian thừa để cho học sinh tăng vận động, hoạt động trải nghiệm, vui chơi.
Theo thầy Nguyễn Minh Thuyết, theo chương trình mới thì Ngoại Ngữ học sinh học hết phổ thông là đạt chuẩn rồi. Một số trường ký kết đối tác từ trước hay dùng giờ học trống để tăng cường Tiếng Anh cho học sinh.
Vấn đề đặt ra việc dạy tiếng Anh như vậy có làm cho học sinh quá tải không. Những giờ nhàn rỗi thì tập trung vào các em được vui chơi, luyện tập thể thao, văn nghệ, trải nghiệm thực tế…hơn là để các em học nhiều quá.
“Các trường hiện nay vẫn theo nếp cũ, trong khi chương trình mới thì dành thời gian rảnh cho học sinh tiểu học để bố trí cho các em thể thao, văn nghệ, mỹ thuật. Các hoạt động như vậy sẽ tốt hơn cho các em” – thầy Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Cũng theo thầy Nguyễn Minh Thuyết thì bộ nên quy định các trường sử dụng thời gian rảnh nên làm gì. Ví dụ như ở Tiểu học, học sinh lớp 1, 2 có học 23 – 24 tiết/tuần.
Trong khi ngày học 7 tiết, tuần 35 tiết tức còn trống 10 tiết. Việc chương trình chỉ bố trí 23 – 24 tiết học còn dư hơn 10 tiết là để học sinh được chơi.
Do đó, Bộ nên hướng dẫn các trường làm gì với những sốt tiết còn trống.
Ngoài ra, cần phải xem xét lại những chương trình liên kết, chương trình nước ngoài đưa vào trường công để làm sao học sinh học nhẹ nhàng, không quá tải.
Phụ huynh nào có mong muốn cho con của họ học thêm thì nên đưa con ra bên ngoài trường công để học. “Về tiếng Anh, học sinh học chương trình mới đã đạt được chuẩn” - thầy Nguyễn Minh Thuyến nhấn mạnh.
Đừng đẩy phụ huynh vào cảnh tự nguyện mà như ép buộc
Liên quan đến việc dạy liên doanh liên kết với bên ngoài tại các trường công, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, theo bà Bùi Thị An đại biểu Quốc hội khóa 13, thì trong các nhà trường phổ thông cần phải bám sát chương trình dạy của sách giáo khoa.
Ngoài ra, tất cả các chương trình khác khi đưa vào trường công dạy cần phải nghiên cứu cẩn thận. Cái gì cần thiết thì mới đưa vào. “Tiếng Anh đã có trong chương trình phổ thông sao phải đưa vào dạy thêm một chương trình mới” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Cuối cùng vị này cho rằng: “Đất nước đang khó khăn, rất nhiều gia đình trong đó có rất nhiều phụ huynh đang khó khăn cho nên tôi đề nghị tránh tình trạng đưa vào nhà trường công lập các chương trình học ngoài chính thống, ngoài sách giáo khoa.
Yêu cầu hạn chế tối đa việc liên doanh, liên kết với bên ngoài mở dạy học thu tiền cao đẩy phụ huynh vào cảnh tự nguyện mà như ép buộc.”
Như vậy qua trao đổi với chuyên gia có thể thấy chương trình dạy Toán bằng tiếng Anh, chương trình liên kết tiếng Anh đang làm tăng gánh nặng cho phụ huynh học sinh và tạo áp lực học tập không đáng có đối với học sinh ở bậc học thấp.
Điều này đi trái ngược với mục tiêu đổi mới giáo dục của chương trình phổ thông tổng thể.