Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên góp phần mở rộng các lợi ích của FTA

Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan đã góp phần mở rộng các lợi ích của Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khi các nước thành viên ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên (MRA).

 Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ (giữa) cùng đại diện các đơn vị của Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc tại lễ ký kết MRA diễn ra vào cuối tháng 12/2024. Ảnh: Văn Tá.

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ (giữa) cùng đại diện các đơn vị của Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc tại lễ ký kết MRA diễn ra vào cuối tháng 12/2024. Ảnh: Văn Tá.

Góp phần nâng vị thế

Theo đánh giá từ cơ quan hải quan, sự đóng góp của Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên (DNUT) thể hiện ở nhiều phương diện. Có thể kể đến việc các doanh nghiệp (DN) được giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, thông quan nhanh hàng hóa cả ở khâu thông quan và sau thông quan. Đặc biệt, sau khi ký kết MRA hàng hóa của các DNUT của Việt Nam khi xuất khẩu đến nước đối tác cũng được hưởng các đãi ngộ tương tự.

Thông qua đó, hàng hóa của các DNUT của Việt Nam khi xuất khẩu cũng như khi được nhập khẩu ở nước đối tác sẽ nhanh chóng được làm thủ tục giảm hoặc không bị kiểm tra thực tế hàng hóa, kiểm tra chứng từ qua đó giảm chi phí làm thủ tục, giảm các chi phí liên quan đến thời gian lưu công, chi phí kho bãi, chi phí bảo quản hàng hóa. Trong đó, thời gian thông quan, chi phí bảo quản hàng hóa đặc biệt quan trọng với các DN xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam.

Số lượng doanh nghiệp ưu tiên của Việt Nam còn khiêm tốn

Việt Nam có số lượng DNUT khiêm tốn nếu so với các nước trên thế giới và trong khu vực. Đến nay sau 13 năm triển khai, Việt Nam hiện chỉ có 76 DNUT. Trong khi đó, Trung Quốc hiện có 5.882 DNUT chiếm 37,1% kim ngạch XNK; Hàn Quốc có 935 DN chiếm khoảng 50% kim ngạch xuất khẩu và 70% kim ngạch nhập khẩu; trong khu vực ASEAN, Thái Lan đã có 453 DNUT...

Ngoài ra, các DNUT nhận được nhiều ưu đãi về thủ tục thuế, được hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Các ưu đãi này giúp DN giảm yêu cầu đối với vốn lưu động, giảm chi phí tài chính đồng thời giảm rủi ro về thanh toán, giảm chi phí tuân thủ đối với chính sách thuế.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan Nguyễn Sỹ Hoàng, Chương trình DNUT đã cho thấy nhiều mặt tích cực. Đó là góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế và đặc biệt là một chương trình mà cộng đồng DN luôn mong muốn được tham gia. Đặc biệt, các DNUT đóng vai trò hết sức quan trọng trong nâng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng của kim ngạch xuất nhập khẩu nước ta.

Trong bối cảnh tham gia ngày càng sâu, rộng vào các FTA, việc trở thành DNUT giúp các DN nâng cao lợi thế cạnh tranh, khả năng thích ứng và đối phó với những thách thức. Đặc biệt, ngoài các thỏa thuận về ưu đãi thuế quan và tạo thuận lợi thương mại, việc phát triển chương trình công nhận lẫn nhau về DNUT, chính là việc nâng tầm hợp tác và tận dụng tối đa các lợi thế thương mại giữa các nước thành viên.

Tăng cường ý thức tuân thủ

Tới đây, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình DNUT nhằm tận dụng các FTA. Việc đầu tiên cần làm là đẩy mạnh công nhận mới DNUT. Hiện nay so với các nước số lượng DNUT của Việt Nam còn hạn chế. Để hỗ trợ DN tận dụng tốt lợi ích từ các FTA đặc biệt là sau khi tham gia các MRA, Việt Nam cần có nhiều hơn các DNUT trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế của cả nước. Nhất là sau khi ký kết MRA, các DN xuất khẩu của Việt Nam sẽ thấy rõ lợi ích hơn khi hàng hóa vào nước bạn được hưởng ưu đãi nhiều mặt.

Một việc nữa là tăng cường ý thức tuân thủ của các DNUT. Các DNUT khi được lựa chọn đều là các DN có mức độ tuân thủ tốt và có trình độ quản lý cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp sau khi được công nhận, DN lơ là trong kiểm soát dẫn đến vi phạm. Do đó, ngoài thủ tục thẩm định, gia hạn, báo cáo định kỳ cần tăng cường công tác kết nối kiểm soát thường xuyên, thực hiện các biện pháp phổ biến pháp luật đến DN, kiểm tra năng lực, ý thức tuân thủ của cán bộ chủ chốt.

Thúc đẩy đám phán MRA trên cơ sở đánh giá đầy đủ tác động với DN và nền kinh tế. Chương trình MRA sau khi được ký kết với một số đối tác ngoài việc đem đến nhiều lợi ích cho các DNUT cũng đồng thời cũng tạo ra những áp lực cạnh tranh không nhỏ với các DN trong nước, khi mà hàng hóa của DNUT nước bạn cũng được hưởng ưu đãi khi vào nước ta. Như vậy, ưu đãi đã đạt đến mức độ toàn diện nhất, cả về thuế quan và về mặt thủ tục. Áp lực sẽ lớn hơn với những DN, ngành hàng chưa có sự chuẩn bị tốt.

Đặc biệt, cần có hệ thống công nghệ thông tin thống nhất và đồng bộ kết nối giữa DN, cơ quan hải quan và các cơ quan khác có liên quan để quản lý, hỗ trợ DNUT.

Chương trình DNUT được triển khai tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Mặc dù vậy, công tác triển khai DNUT hiện nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trong thời gian tới, trong quá trình Việt Nam thực hiện các FTA và có cơ sở tiến tới việc đàm phán, ký kết việc công nhận lẫn nhau với Hải quan các nước. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng những lợi thế, không những được hưởng chế độ ưu tiên tại nước mình mà còn được hưởng chế độ ưu tiên ở các nước mà Việt Nam đã ký kết.

Để được ưu tiên, doanh nghiệp đã đến lúc “xắn tay vào”

Nhìn vào thực trạng áp dụng Chương trình DNUT trong lĩnh vực hải quan hiện nay có thể thấy ngay một số tồn tại hạn chế.

Trước tiên chính là quy mô. Theo khuyến nghị của Hải quan thế giới (WCO) tại Khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại toàn cầu của WCO (Khung tiêu chuẩn SAFE), Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý để dành tiêu chí ưu tiên cho các DN vừa và nhỏ. Điều này cần phải được chỉnh lý để tạo điều kiện cho các DN quy mô nhỏ và vừa – chiếm 97% tổng số DN – được tiếp cận chính sách ưu đãi.

Về mặt loại hình, hiện nay tất cả các DNUT của Việt Nam đều là DN hoạt động XNK có quy mô lớn. Mặc dù khung khổ chính sách đã cho phép các DN công nghệ cao, DN là đại lý hải quan được tham gia tuy nhiên đến nay vẫn chưa có DN nào tham gia theo loại hình này. Chưa có quy định cho phép DN vừa và nhỏ, doanh nghiêp kinh doanh kho bãi/logistic, nhà sản xuất tham gia chương trình.

Về phía DN, rất nhiều vấn đề tồn tại cần được “xắn tay vào” giải quyết.

Ghi nhận trong quá trình triển khai Chương trình có thể thấy, một số DNUT có tình trạng duy trì hệ thống kiểm soát nội bộ mang tính hình thức. Sau khi xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ ở khâu thẩm định công nhận chế độ ưu tiên, một số DN không nghiêm túc triển khai và duy trì thực hiện trong thực tế. Việc này dẫn đến thực tế đã có DN để xảy ra vi phạm do không kiểm soát tốt các rủi ro trong quá trình hoạt động, không đảm bảo các điều kiện về tuân thủ.

Mặc dù cơ sở pháp lý về việc kết nối hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm kiểm soát nội bộ đã đầy đủ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một hệ thống kết nối, quản lý thống nhất cho toàn bộ các DNUT. DN hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu chưa thể triển khai kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập kho nguyên liệu, thành phẩm đến cơ quan hải quan qua Hệ thống.

Hoạt động tuyên truyền về chế độ DNUT tuy đã được đẩy mạnh, tuy nhiên sức lan tỏa còn hạn chế, nhiều DN còn chưa quan tâm hoặc đã biết đến nhưng không hiểu hết về lợi ích cũng như điều kiện để được tham gia.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuong-trinh-doanh-nghiep-uu-tien-gop-phan-mo-rong-cac-loi-ich-cua-fta-167915-167915.html