Chương trình GDPT 2018 lớp 3: Bổ sung giáo viên, quy hoạch lại trường lớp
Chuẩn bị điều kiện để triển khai Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 3, các địa phương, trường học đang ở giai đoạn nước rút. Trước 'giờ G' đã ghi nhận sự sẵn sàng về nhân lực, vật lực cùng nhiều giải pháp tháo gỡ hiệu quả từ địa phương.
Quy hoạch lại các điểm trường
Bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Lào Cai) cho biết: Về đội ngũ dạy lớp 3, toàn ngành hiện còn thiếu một số giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy 2 môn học bắt buộc. Tỉnh đang ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên 2 môn học này để bảo đảm triển khai Chương trình GDPT mới hiệu quả. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng có giải pháp tháo gỡ phù hợp điều kiện thực tế như điều chuyển giáo viên thừa thiếu giữa các cấp học; giáo viên Tiếng Anh THCS dạy kiêm tiểu học. Nếu trong một xã có 2 trường tiểu học sẽ để giáo viên Tiếng Anh kiêm nhiệm cả 2 trường. Về cơ sở vật chất, các phòng Tin học tại điểm trường chính bảo đảm mức tối thiểu.
Trước thời điểm triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 3, ông Hà Huy Giáp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang) khẳng định, ngành Giáo dục đã sẵn sàng điều kiện cần thiết. Bắc Giang đáp ứng đủ 1 phòng học/lớp; 100% học sinh học 2 buổi/ngày; Đủ số lượng giáo viên văn hóa. Thậm chí, với giáo viên Tiếng Anh, Tin học ở nhiều địa bàn khó khăn, tỉnh đã tuyển dụng đủ chỉ tiêu, bảo đảm cả về lượng và chất (với gần 2,5 giáo viên/lớp). Đáng nói, giáo viên 2 môn học này đều nằm trong diện biên chế, tạo sự yên tâm cho thầy cô. Với cơ sở vật chất (máy móc, phòng lớp học) ngành Giáo dục Bắc Giang cũng sẵn sàng đáp ứng theo quy định.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Một trong những khó khăn khi triển khai dạy Tiếng Anh, Tin học bắt buộc với học sinh lớp 3 tại một số địa phương miền núi là địa hình đồi núi chia cắt, nhiều điểm trường lẻ, cơ sở vật chất chưa bảo đảm... Do đó, các địa phương cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời, hiệu quả.
Đây cũng là khó khăn lớn của giáo dục Bắc Giang khi triển khai Tiếng Anh, Tin học bắt buộc. Tuy nhiên, theo ông Hà Huy Giáp, ngành tiếp tục phương án dồn học sinh lớp 3 ở điểm lẻ ra điểm trường trung tâm (đã có lộ trình giảm điểm lẻ 5 năm nay). Số học sinh điểm lẻ chưa thể về trường chính sẽ dồn về điểm trường trung tâm có đủ cơ sở vật chất để được học đầy đủ Tin học, Ngoại ngữ...
Cũng tháo gỡ “bài toán” điều kiện dạy học Tiếng Anh, Tin học bắt buộc lớp 3 năm học tới, bà Nguyễn Thị Kim Chung - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết: Ngành GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh thực hiện giai đoạn 2 Đề án chuyển học sinh tiểu học các điểm lẻ về học tại điểm trường chính giai đoạn 2021- 2025. Trong đó có phương án chuyển học sinh lớp 3 để các em được học môn Tiếng Anh, Tin học theo quy định của Chương trình GDPT 2018 trong điều kiện tốt nhất...
Tại Bến Tre, việc sáp nhập điểm lẻ tạo điều kiện 100% học sinh lớp 3 được học 2 môn học này được tỉnh và ngành Giáo dục quan tâm, đẩy mạnh. Theo ông Võ Văn Luyến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, dự kiến tới năm 2025, 289 điểm lẻ của 180 trường tiểu học sáp nhận lại còn 140 điểm trường. Như vậy sẽ bảo đảm 100% học sinh lớp 3 trong các năm học tới được học đầy đủ Tiếng Anh, Tin học.
Đẩy mạnh bồi dưỡng giáo viên
Dự án ETEP (Bộ GD&ĐT) đã hoàn thành vai trò nên việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán, giáo viên đại trà... được ngành Giáo dục địa phương chủ động để bảo đảm tâm thế tốt nhất cho đội ngũ, cán bộ quản lý triển khai Chương trình GDPT mới.
Liên quan tới vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thúy cho hay: Lào Cai đã sử dụng ngân sách địa phương để mua phần mềm bồi dưỡng với giáo viên cốt cán nên việc triển khai không khó khăn hay bị ngắt quãng. Mặt khác, nội dung bồi dưỡng hoàn toàn mở, được Bộ GD&ĐT chuyển giao cho các đơn vị thực hiện. Theo kế hoạch, địa phương đã triển khai bồi dưỡng 4 chuyên đề. 5 chuyên đề còn lại sẽ hoàn thiện trong năm nay.
Về bồi dưỡng tập huấn giáo viên theo sách giáo khoa mới, Lào Cai đã hoàn thành tiến độ với tất cả bộ sách của các nhà xuất bản. Thậm chí một vài đầu sách giáo khoa chỉ có ít trường lựa chọn nhưng vẫn tổ chức tập huấn cho những trường có nhu cầu để giúp giáo viên có sự giao thoa về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, tiếp cận nội dung chương trình mới...
Ông Hà Huy Giáp cũng khẳng định, với chuyên đề bồi dưỡng phát sinh, ngành Giáo dục xây dựng nội dung và tiến hành bồi dưỡng ngay trong hè cho đội ngũ cán bộ cốt cán. Mặt khác, sở tập trung bồi dưỡng vấn đề chuyển đổi số cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán. Không những bồi dưỡng cho giáo viên lớp 3 mà giáo viên lớp 1, lớp 2 cũng tham gia bồi dưỡng theo cụm liên trường qua hình thức trực tuyến. Thậm chí qua hình thức trực tuyến, ngành còn triển khai bồi dưỡng chuyên môn liên quốc gia cho giáo viên (dự giờ các tiết giảng dạy, tập huấn, góp ý trực tiếp song song với giáo viên các nước Nhật Bản, Singapore, Úc...).
“Bắc Giang có gần 1.200 lớp 3 nên sẽ tổ chức bồi dưỡng cho 1.400 cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán. Để nâng cao chất lượng bồi dưỡng, tập huấn theo hình thức trực tuyến, quản lý chặt chẽ... ngành tổ chức giáo viên tập huấn cùng điểm cầu (không có điểm lẻ tại nhà). Sau bồi dưỡng, tất cả giáo viên phải sát hạch theo quy định. Nếu giáo viên đạt yêu cầu sẽ bố trí giảng dạy. Giáo viên nào chưa bảo đảm yêu cầu, ngành sẽ tiếp tục bồi dưỡng. Trường hợp vẫn không đạt yêu cầu sau bồi dưỡng, trường sẽ không bố trí giáo viên đó đứng lớp”. - Ông Hà Huy Giáp, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Bắc Giang)