Chương trình GDPT 2018: Nhiều băn khoăn trong cách kiểm tra, đánh giá

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, các thầy cô giáo phải thay đổi cách kiểm tra nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Năm học 2024-2025, Chương trình GDPT 2018 sẽ bước sang năm triển khai thứ 5, ngoài phương pháp dạy học việc đổi mới kiểm tra đánh giá là công việc được quan tâm chú trọng.

Theo đó, để chuẩn bị tốt các điều kiện thực hiện chương trình mới lớp 12 năm học này, hôm nay (6/8) Sở GD&ĐT Ninh Bình và CTCP Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) đã tổ chức tập huấn giáo viên về nội dung ôn thi và sử dụng bộ sách Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 các môn Toán, Lịch sử, Vật lý và Công nghệ (Điện - Điện tử).

Là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT thi theo chương trình mới, với các giáo viên lo lắng là khó tránh khỏi.

Trao đổi với Người Đưa Tin, cô Nguyễn Hoàng Vân – Tổ trưởng tổ Sử Địa, Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy bày tỏ: "Đối với môn Lịch sử đề thi mới có thêm dạng trắc nghiệm đúng/sai, nhiều dạng kiến thức giữa chương trình cũ và chương trình mới khiến chúng tôi rất băn khoăn khi lên nội dung giảng dạy cho học sinh.

Giáo viên rất mong muốn có các buổi tập huấn với chính tác giả viết sách giáo khoa, chủ biên chương trình để được hướng dẫn làm đúng hướng".

Các thầy cô tại buổi tập huấn.

Các thầy cô tại buổi tập huấn.

Cũng đánh giá đây là năm có nhiều thách thức, GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên môn Toán bộ sách Cánh diều cho hay: "Chương trình GDPT 2018 yêu cầu người học phải đáp ứng các mục tiêu về năng lực, phẩm chất; định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho các em và giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT".

Chính những yêu cầu trên cũng đặt ra khó khăn đối với giáo viên khi đây là năm thay đổi căn bản toàn diện công tác kiểm tra đánh giá giáo dục, ông Đỗ Đức Thái cho biết: "Sau rất nhiều năm chúng ta thay đổi phương án thi tốt nghiệp THPT với dạng thức đề thi mới, giáo viên cần tìm hiểu những định hướng của ngành để chuẩn bị, đáp ứng cho các em học sinh tốt nhất".

GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên môn Toán bộ sách Cánh diều chia sẻ những lưu ý về Chương trình GDPT 2018 đến các giáo viên.

GS.TSKH Đỗ Đức Thái - Tổng chủ biên môn Toán bộ sách Cánh diều chia sẻ những lưu ý về Chương trình GDPT 2018 đến các giáo viên.

Còn PGS.TS Nguyễn Văn Khánh – Tổng chủ biên môn Vật lý bộ sách Cánh diều cho rằng do tính đặc thù của kỳ thi giáo viên phải thay đổi tư duy trong cách xây dựng câu hỏi đánh giá học sinh.

"Theo Chương trình GDPT 2018, các lệnh hỏi kiến thức phải gắn với thực tiễn, điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với người dạy", ông Nguyễn Văn Khánh cho hay.

Theo các chuyên gia việc tổ chức các buổi tập huấn rất quan trọng, thông qua đây sẽ giúp thầy cô được thông tin đúng, đủ về những phương hướng, chỉ đạo mới của Bộ GD&ĐT cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và trao đổi các phương thức dạy học phù hợp.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng thầy cô, bà Đỗ Thị Thúy Ngọc – Chuyên viên phụ trách môn Toán Phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT Ninh Bình thông tin, theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, ngành giáo dục địa phương đã sớm xây dựng các lớp tập huấn trong tháng 7 và tháng 8 để hỗ trợ chuyên môn giải quyết các vướng mắc mà giáo viên gặp phải.

Chương trình GDPT 2018 bao gồm: Chương trình tổng thể và các chương trình môn học và hoạt động giáo dục của cấp tiểu học, cấp THCS và cấp THPT.

Chương trình GDPT được thực hiện theo lộ trình như sau: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuong-trinh-gdpt-2018-nhieu-ban-khoan-trong-cach-kiem-tra-danh-gia-204240806164204066.htm