Chương trình GDPT 2018: Nhiều nơi vẫn chưa in Tài liệu giáo dục địa phương

Sau 3 năm triển khai chương trình mới, đến nay nhiều địa phương vẫn chưa in, phát hành sách Tài liệu giáo dục địa phương do vướng mắc đấu thầu.

Mới đây, theo báo cáo dánh giá việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, phương hướng nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục trung học do Bộ GD&ĐT công bố. Đáng chú ý đã có những đánh giá về việc lựa chọn và cung ứng sách giáo khoa (SGK) trong năm học vừa qua.

Quy trình lựa chọn sách còn nhiều bất cập

Bộ GD&ĐT cho biết các địa phương đã phối hợp với các tổ chức biên soạn SGK tổ chức giới thiệu SGK lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo danh mục được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Việc giới thiệu sách được thực hiện theo địa bàn tỉnh và cụm tỉnh, hình thức tổ chức giới thiệu trực tuyến và cung cấp một số bản SGK để giáo viên, cán bộ quản lý nghiên cứu đánh giá bảo đảm kịp thời.

Cùng với đó, các địa phương ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở GDPT và hội đồng thực hiện lựa chọn SGK: ban hành tiêu chí lựa chọn SGK; kế hoạch lựa chọn SGK; Quyết định hội đồng (HĐ) lựa chọn SGK các môn học/ hội đồng giáo dục (HĐGD); các văn bản bảo đảm điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất để lựa chọn SGK; hướng dẫn quy trình tổ chức lựa chọn SGK.

Qua báo cáo của các địa phương và kết quả kiểm tra, thanh tra tại một số địa phương, việc tổ chức lựa chọn SGK tại các cơ sở GDPT, tại hội đồng lựa chọn SGK đã thực hiện theo Thông tư 25 và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Kết quả lựa chọn SGK của các HĐ môn học/HĐGD trùng khớp với SGK được các cơ sở GDPT đề xuất lựa chọn.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên diễn ra hôm nay (21/7).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành báo cáo tại hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục trung học và giáo dục thường xuyên diễn ra hôm nay (21/7).

Ngoài ra, các địa phương phối hợp với các tổ chức biên soạn, phát hành SGK cung ứng SGK lớp 3, lớp 7 và lớp 10 kịp thời phục vụ năm học 2022-2023. Một số địa phương thông qua xã hội hóa tặng SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, việc lựa chọn SGK còn một số hạn chế khi tại các cơ sở GDPT, một số tổ chuyên môn ghép nhiều môn học với cơ cấu môn học chưa phù hợp với Chương trình GDPT mới gây khó khăn cho việc lựa chọn.

Việc trao đổi, thảo luận, nhận xét, đánh giá SGK ở một số cơ sở GDPT còn hạn chế do một số môn học có ít tiết học/tuần chỉ có 1 giáo viên, cá biệt có môn học không có giáo viên hoặc giáo viên được đào tạo không đúng chuyên môn.

Hồ sơ lựa chọn SGK còn có những thiếu sót khi biên bản họp của tổ chuyên môn và nhà trường còn thiếu thông tin ngày tháng; phiếu bỏ chưa được đóng dấu của nhà trường và niêm phong; cá biệt một số phiếu của giáo viên môn học khi nhận xét đánh giá SGK còn giống nhau.

Ở một số địa phương, hội đồng lựa chọn SGK chưa xây dựng báo cáo UBND tỉnh về quá trình thực hiện nhiệm vụ và việc tiếp thu ý kiến đề xuất lựa chọn SGK của các cơ sở GDPT.

Công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, ngăn ngừa tiêu cực phát sinh trong việc lựa chọn SGK tại các Hội đồng lựa chọn SGK môn học/HĐGD và các cơ sở GDPT tại một số địa phương được thực hiện thông qua việc thanh tra, kiểm tra lồng ghép, kết hợp trong các cuộc thanh tra, kiểm tra nên chưa phát huy được hiệu quả của công tác thanh kiểm tra.

Bộ GD&ĐT cũng cho biết việc công bố danh mục SGK sử dụng trên địa bàn theo Điều 9 Thông tư 25/2020/TT-BGD ĐT còn chậm, muộn. Công tác báo cáo, thống kê số lượng SGK theo nhu cầu của các sơ sở GDPT để phục vụ việc in ấn và phát hành SGK ở nhiều địa phương còn chậm muộn, nguy cơ thiếu SGK cho năm học mới.

Hội nghị đánh giá công tác triển khai Chương trình GDPT 20218.

Hội nghị đánh giá công tác triển khai Chương trình GDPT 20218.

Nhiều nơi còn chưa in tài liệu giáo dục địa phương

Các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Luật Giáo dục 2019.

Trong các năm 2021 đến đầu năm 2023, đã hoàn thiện việc phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương của 63 tỉnh đối với các lớp 6, lớp 7 và lớp 10. Hoàn thành việc phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương các lớp 8, lớp 9 của 17 tỉnh bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Đắk Lắk, Gia Lai, Ninh Thuận, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh.

Bộ GD&ĐT đánh giá về cơ bản, các địa phương đã tích cực, chủ động tổ chức biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương, trong đó, nhiều địa phương hoàn thành việc gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt về Bộ GD&ĐT đúng thời hạn như các tỉnh: Quảng Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu...

Sau khi được Bộ GD&ĐT phê duyệt Tài liệu giáo dục địa phương, các Sở GDĐT đã hướng dẫn tổ chức dạy học tài liệu giáo dục địa phương. Kế hoạch dạy học Nội dung giáo dục của địa phương được xây dựng theo từng chủ đề phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường và kế hoạch dạy học các môn học có liên quan, tạo thuận lợi cho học sinh liên hệ, vận dụng những nội dung kiến thức đã học trong các môn học với thực tiễn tại địa phương.

Nhiều bất cập trong việc biên soạn sách giáo khoa.

Nhiều bất cập trong việc biên soạn sách giáo khoa.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu về Bộ GD&ĐT quá chậm so với quy định. Cụ thể: vào thời điểm gần cuối năm học 2022-2023, một số địa phương vẫn chưa gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 7, lớp 10 về Bộ GD&ĐT, như: tỉnh Cà Mau, Thái Bình và Hà Nội.

Năm học 2023 - 2024, theo quy định tại Công văn số 348, các địa phương phải gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt về Bộ trước ngày 15/5/2023. Nhưng đến thời điểm ngày 20/7/2023, Bộ GD&ĐT mới nhận được 33 hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu (gồm 15 hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 8 và 18 hồ sơ đề nghị phê duyệt tài liệu lớp 11).

Về hồ sơ đề nghị phê duyệt cơ bản đúng, đủ theo quy định tại Thông tư 33. Tuy nhiên, chất lượng tài liệu còn hạn chế như các chủ đề, bài học còn bị bị trùng lặp ở các lớp, chưa có sự tương đồng với Chương trình GDPT và chưa thật sự bổ sung cho nội dung bắt buộc chung trong Chương trình GDPT 2018.

Đối với công tác in, phát hành tài liệu, Bộ GD&ĐT cho biết đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương chưa tổ chức in, phát hành tài liệu được vì vướng các quy định về thẩm định giá, đấu thầu in ấn và phát hành.

Nguyễn Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ct-gdpt-2018-nhieu-noi-van-chua-in-tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-a618308.html